Giữa cuộc sống xô bồ của Sài Gòn, để tìm những giây phút bình yên thật không đơn giản. Bình yên để ngồi một góc quen thuộc, bình yên nhìn dòng người qua lại, và bình yên từ những điều giản dị nhất của một gia đình nghèo khổ nhưng chan chứa tình yêu thương.
Giữa dòng xe ồn ào qua lại tiếng vợ động viên chồng, tiếng cười đùa của trẻ thơ mà bất kỳ ai nhìn vào cũng thầm ao ước. Đó chính là vẻ đẹp yên bình của gia đình ông Lê Văn Đực (55 tuổi, quê Bến Tre) và bà Nguyễn Thị Vĩnh (quê Trà Vinh).
Nói về hạnh phúc cuối đời của mình, bà Vĩnh tủm tỉm cười ngại ngùng: "Có thể đó là duyên nợ, tôi và ông ấy xuôi ghe theo dòng nước, làm đâu ăn đó, hết tiền lại đi.
Thế mà một ngày ghe của tôi va phải ghe ông ấy, lúc đó ông Đực đang cảnh cô đơn, tôi lại là người phụ nữ lỡ thì, đôi ba câu trò chuyện, cả hai đồng cảm, muốn chăm sóc cho nhau. Cuối cùng ông ấy gợi ý tôi qua cùng ông để tuổi già hủ hỉ".
Mặc ai nói gì thì nói, ông bà gọi đó là định mệnh, là con sóng có tình vỗ ghe ông chạm vào ghe bà để rồi cuốn cả hai con người đau khổ cùng đến bến bờ hạnh phúc.
Ông Đực vốn xuất thân từ dân làng chài, ngày đây mai đó không biết về đâu. Lớn lên ông cưới cô vơ đẹp người, đẹp nết và sinh được năm người con. Hạnh phúc chưa tròn đôi, vợ ông lâm bệnh nặng qua đời, từ đó ông Đực ở vậy chài lưới nuôi con.
Khi các con trưởng thành, chúng cám cảnh sống dựa vào nước lớn mà dần dần, năm người con bỏ ông, neo đậu nơi mà chúng gọi là miền đất hứa.
Thế là ông Đực ngày đêm thui thủi, lênh đênh sông nước, ban ngày xuôi ghe, ban đêm đến đâu thì neo lại ngủ ở đó.
Cuộc đời vốn có những bất ngờ thú vị mà không ai có thể đoán trước được, một ngày sóng lớn, ghe ông Đực đứt dây cuốn phăng theo dòng nước, rồi va chạm vào ghe của bà Vĩnh cũng đang hoay loay vì sóng dữ.
Thấy bà phụ nữ yêu đuối, ông phụ bà cột lại dây ghe, qua cuộc trò chuyện, ông cảm thương cho bà Vĩnh có chồng cũng như không.
Bà Vĩnh vốn là người phụ nữ dung dị và hiền hậu, hết lòng vì gia đình chồng. Nhưng đổi lại, bà phải chịu những tổn thương cả tinh thần lẫn thể xác khi gặp phải mẹ chồng cay nghiệt.
Nhiều đêm tâm sự với chồng, không những được chồng chia sẻ, mà anh này còn bênh vực mẹ ruột, thẳng tay đánh đập, chì chiết vợ trong đêm.
Một lần, chịu không nổi những lời sỉ vả, những trận đòn thừa sống thiếu chết, bà Vĩnh bỏ nhà đi khi cái thai trong bụng vừa tròn ba tháng. Gái quê mang tiếng bỏ chồng, bà bị người đời khinh khi, chỉ trỏ,...
Mệt mỏi, bà Vĩnh lên ghe, tránh xa thị phi của đất liền, mặc đời mình trôi theo dòng nước. Đến đâu bà mò cua, bắt ốc ở đó để chờ ngày sinh nở. Đứa con gái ra đời cũng nhờ con cua, con cá mà lớn.
Qua những lần trò chuyện, thương cho số mình cô độc, thương cho người phụ nữ cùng đứa trẻ từng ngày vật lộn với những con sóng lớn, ông Đực ngỏ lời gợi ý bà Vĩnh lên ghe của mình sống, để con bà có cha, để bà không còn sợ hãi mỗi khi nước lớn.
Qua nhiều lần e ngại, bà Vĩnh quyết định neo đời mình vào chiếc ghe cũ kỹ của người đàn ông góa vợ.
Bà tâm sự: "Qua một lần đò với nhiều biến cố, tôi run sợ khi ông Đực rủ về ghe ông, nhưng thấy ông ấy thực sự muốn lo lắng cho tôi, tôi nhắm mắt bước lên ghe ông ấy.
Dù sao đời tôi cũng không còn gì để mất, về với ông cho con của tôi có cha, có gia đình. Về với ông tôi mới nhận ra, cuộc đời của mình vẫn còn chút may mắn".
Con gái bà Vĩnh ngày một lớn, là lúc ông Đực chịu bao điều tiếng. Tuy ông mặc kệ những lời thị phi, ngày ngày cố gắng chài lưới lo cho gia đình, nhưng cũng không khỏi buồn tủi.
Một lần gặp lại người bạn chài, thấy người con trai của bạn mình đã đến tuổi dựng vợ gả chồng, ông Đực liều mình ngỏ lời gả con.
Không ngờ, gia đình người bạn cũng đang muốn xin cưới. Thế là gả được con, ông Đực trút được nỗi lòng, vui tươi hẳn ra.
Gả con xong chiếc ghe như thiếu vắng, bà Vĩnh từ lâu đã muốn sinh cho ông một đứa con, nhưng lúc trẻ vì cảnh nghèo, sợ không nuôi nổi, ông bà không dám sinh thêm, giờ đây cả hai lại mong ước có tiếng trẻ thơ để tuổi xế chiều bớt cô quạnh.
Nói là nói vậy, nhưng lấy nhau đã 20 năm, đầu hai màu tóc, việc có con chỉ là niềm mong ước. Ấy vậy mà năm 2007, bà bất ngờ mang thai rồi sinh cho ông đứa con gái kháu khỉnh mặc kệ sự tò mò, chế nhạo của người dân quê.
Không muốn con mình lớn lên trong sự soi mói, giễu cợt của mọi người, cũng trong năm ấy ông Đực đưa vợ con lên Sài Gòn, rồi neo đậu dưới chân cầu Rạch Bàn 2 (Q.7, TPHCM) cho đến bây giờ.
Tuy cuộc sống trải qua nhiều khó khăn vất vả, nhưng "ngôi nhà" của ông bà luôn đầy ắp tiếng cười. Sáng 4h bà Vĩnh tranh thủ dọn nước lên lề đường kiếm thêm thu nhập, ông Đực đạp xe đi bán vé số.
Một ngày lao động vất vả cả hai người chỉ kiếm được hơn trăm ngàn đồng. Theo như bà Vĩnh nói, một tháng đi làm không bằng một ngày bị bệnh thế nên cứ vui vẻ, yêu đời để cuộc sống tươi đẹp hơn.
Khi bé Nguyễn Thị Diễm My (con gái ông bà Vĩnh) lên 7 tuổi, ông bà gửi bé vào học một lớp tình thương, không tốn chi phí mà bé lại biết chữ, để sau này không phải trôi dạt như cha mẹ chúng. Ông Đực chia sẻ:
"Chúng tôi nghèo tiền nghèo bạc nhưng cái tình, cái nghĩa thì không ai sánh bằng. 8 năm neo đậu là 8 năm tôi được chính quyền địa phương và các đoàn thể, hội từ thiện giúp đỡ rất nhiều. Tết nào cũng được UBND P.Tân Hưng tặng đồ, tặng gạo.
Đàn gà, cặp thỏ cũng nhờ hội từ thiện hỗ trợ mà có trứng để ăn, có tiền nuôi bé My. Trải qua bao thăng trầm, tôi chỉ ước sống được đến khi gả chồng cho bé My. Chứ tôi mà "lật" ngang thì tội mẹ con nó".
Với bà Vĩnh, cuộc đời của bà đã đầy hạnh phúc và yêu thương, nhưng ước mơ lớn nhất của bà hiện tại là được một lần về quê, được gặp lại người cha của bà vì hiện tại ông đã hơn 90 tuổi, bà sợ ông không thể chờ mình lâu hơn được nữa.
Nhưng để về quê, theo tính toán tiết kiệm của bà, tiền xe đi về ít nhất cũng phải hơn 300.000 đồng cho hai mẹ con, đến nay số tiền đó là quá lớn lao đối với bà.
Ngay cả gọi điện thoại về quê mà đến 3 tháng bà mới dám gọi về một lần, mỗi lần cúp máy bà đều tự hứa với lòng rồi một ngày sẽ về thăm ông, ước mơ nhỏ bé ấy đến nay bà vẫn chưa thực hiện được.
Ông Đực biết tâm tư của vợ, nhưng bất lực nhìn qua những tòa nhà cao tầng phía đối diện như muốn gửi gắm nỗi niềm theo cơn gió. Rồi giật mình, hai ông bà khẽ cười khi bé My cố gắng làm trò cho cha mẹ được vui.