Đặc biệt, ông sở hữu những 4 người vợ cùng sống chung dưới một mái nhà được nhiều người mến mộ…PV đã có cuộc trò chuyện cùng ông và gia đình để hiểu hơn về chuyện “thâm cung bí sử ” của ông.
Bố mẹ chuẩn bị sẵn bát sứ cho con đi xin ăn
Căn nhà 2 tầng được ốp bằng gỗ nghiến loại đặc biệt tọa lạc giữa thị trấn Mèo Vạc mờ sương, người chủ của của nó chính là ông Mua Sính Vư (SN 1961), một nhân vật có tiếng tăm trong giới buôn bò ở vùng phía Bắc.
Ông Vư chia sẻ về tuổi thơ bất hạnh của mình: “Ngày xưa, gia đình tôi đông anh em lắm. Bố mẹ thì bệnh tật quanh năm, nên cái đói cái nghèo cứ bủa vây. Cũng bởi thế mà hồi lên 3 tuổi bố mẹ đã chuẩn bị cho mấy anh em tôi mỗi người cái bát sứ để bắt đầu kiếp đi xin tứ xứ sống qua ngày”.
Chính bởi tuổi thơ bất hạnh, đã giúp cho Vư trở nên chững chạc hơn những bạn bè cùng trang lứa. Vư ham học hỏi, xét về tài thổi sáo, thổi khèn lá thì không ai ở thị trấn Mèo Vạc có thể sánh kịp. Theo Vư, ngày đó thị trấn Mèo Vạc là một bãi đất hoang tàn, chỉ có đá với cỏ cây, nên hàng ngày muốn có cái ăn phải gùi đất ở vùng trũng lên đây để trồng ngô.
Mỗi buổi sáng, cậu bé Vư lại một mình lên rừng đốn củi. Trên đường đi, cậu bé lặng lẽ quan sát mọi sinh hoạt của bản làng. Hồi đó, Vư ghét những gã đàn ông nghiện rượu rồi về đánh đập vợ con. Cậu tự nhủ rằng sau này nếu có gia đình riêng sẽ sống sao cho thật tốt, thật có ý nghĩa.
Về sau, Vư làm nghề buôn bò, nhưng ít ai biết rằng, trước đó, ông từng có một thời gian làm sĩ quan, rồi công an. Người dân nơi đây chỉ biết rằng, từng có một thời, ông Vư trở về nhà trong bộ quân phục của quân đội, rồi bẵng đi một thời gian lại thấy Vư mặc đồng phục công an. Sau đó thì Vư về hẳn, không còn đi nữa, nhiều người trong bản làng xì xào bảo chắc ông Vư bị người ta đuổi nên mới phải về quê. Nhưng khi chúng tôi trực tiếp nói chuyện với Vư mới biết hết câu chuyện.
Ngôi nhà khang trang của Vư.
Theo ông Vư, những năm tháng chiến tranh biên giới thì Mèo Vạc chính là điểm nóng, nên thanh niên trong làng ai cũng xung phong đầu quân đi lính, và Vư cũng không ngoại lệ. Trong quân ngũ, Vư vừa đánh trận vừa được học cái chữ, cũng bởi sự ham học hỏi nên chàng trai người H’Mông này đã được nhiều người ca ngợi và được cử học qua một lớp nghiệp vụ sư phạm, rồi sau đó được cử đi học tiếp sỹ quan quân đội. Công tác một thời gian ở quân ngũ, ông Vư chuyển làm công an tỉnh (tỉnh Hà Tuyên cũ).
Chuyện tình chàng H’Mông
Để lý giải lí do vì sao đang là một công an, Vư bỗng dưng “cáo” về quê hương làm giàu, rồi thành một đại gia được nhiều người kính nể, chính ông Vư cũng tự thừa nhận phần là vì bà Giàng Thị Mai. Vư bảo, ông gặp bà Mai âu cũng là cái duyên mà trời đã định sẵn. Trong một lần về quê đi chơi chợ tình, vì không có đủ cặp đôi chơi trò ném còn nên Vư đã cùng Mai thử ném, nào ngờ hai trái còn đã đưa hai người đến với nhau. Sau đó, Vư không còn đi làm công an nữa, mà về quê ở hẳn rồi tổ chức đám cưới linh đình cùng Mai.
Chung sống hạnh phúc cùng người phụ nữ đảm đang, Vư đã ra sức đi buôn bò. Bằng mối quan hệ sẵn có, nên Vư đi đến đâu cũng “thuận buồm” đến đó. Chỉ trong một thời gian ngắn, Vư đã trở thành một đại gia có tiếng tăm trong giới buôn bò.
Vốn giống bố ở vẻ đẹp trai, lại lấy vợ và có tiềm lực kinh tế tốt, nên đi đến đâu Vư cũng thoải mái, ga lăng với những người con gái khác. Đặc biệt Vư có tài giao tiếp tốt. Trong những chuyến đi dài ngày, Vư đã quen không ít những người con gái xinh đẹp và giỏi dang.
Một lần đi Đồng Văn mua bò, Vư tình cờ gặp chị Mua Thị Si (dân tộc Tày). Vốn tập tễnh vào nghề, nên chị Si thường xuyên là mối làm ăn cho Vư, cứ thế nhiều lần gặp gỡ Vư phải lòng Si từ khi nào không biết. Là một người đàn anh buôn bò và có vị thế trong giới kinh doanh bò, nên Vư dạy Si tỉ mỉ từ cách cân bò bằng mắt đến việc móc nối những mối quan hệ, nên dần dần, chị Si cũng nhớ nhung đến Vư.
Về phía Vư, cảm thấy phải lòng cô gái kia, Vư cố gắng xua tan đi mọi ý nghĩ trong đầu mình bằng cách không lên Đồng Văn mua bán làm ăn nữa. Không giấu nổi lòng mình, có nhiều bữa cơm Vư ăn dở rồi bỏ vào giường nằm một mình. Thấy chồng có biểu hiện lạ, bà Mai ân cần lại hỏi han về nguyên do, ông Vư mới nói thật lòng.
Bà Mai chia sẻ: “Lúc đầu tôi tưởng ông ấy nói đùa, nhưng nhìn sắc mặt ông ấy nghiêm túc tôi mới tin. Phải mãi sau tôi mới chấp nhận cho ông ấy lấy cô Si”.
Ông Mua Sính Vư và vợ hai.
Ngay sau đó, đám cưới cưới giữa Si và Vư được tổ chức dưới sự chứng kiến của hai bên gia đình, mà đặc biệt hơn người đứng ra lo tất cả mọi việc lại là bà Mai (vợ cả của Vư). Như một cái duyên, khi dư luận bàn tán về ông Vư – bà Mai chưa hết thì người ta lại ngớ người khi chứng kiến bà Mai lại một lần nữa lặng lẽ đem trầu cau đi hỏi thêm vợ 3 cho Vư. Người phụ nữ này là người Kinh ở Hàm Yên - Tuyên Quang.
Thế rồi, lần thứ tư cũng là lần tình cờ đi bắt bò ở Hàm Yên, trong lúc trời tối không có nơi nghỉ nên Vư đã xin nhờ ở trường học qua đêm nhờ. Nào ngờ bên mâm cơm, Vư gặp lại Lan (người yêu Vư ngày xưa học sư phạm cùng). Hai người đã nên duyên vợ chồng.
Cho đến thời điểm hiện tại, ông Vư có 4 vợ, 8 con (5 trai, 3 gái) và hơn chục cháu nội ngoại sống chung dưới một mái nhà. Trong gia đình, mỗi người đều được phân công nhiệm vụ, người nắm giữ tài chính chủ yếu của gia đình là Si (vợ thứ hai Vư) nên mọi thứ đều được thu sếp ổn thỏa. Các con Vư giờ đều đã thành đạt, 4 con cả đều đã có chỗ đứng trong xã hội và tự làm nhà riêng ra ngoài, người con gái thứ 5 của ông mới lập gia đình ở Hà Nội.
Bà Hoàng Thị Hải, hàng xóm sát vách của Vư cho biết: “Gia đình của ông ấy đúng là đông người thật, nhưng chưa bao giờ thấy to tiếng với ai. Người dân ở đây ai cũng quý ông Vư, bởi rất nhiều người gặp hoàn cảnh khó khăn được ông ấy giúp đỡ bằng cách cho họ bò giống nuôi rồi lấy con bê chia đôi. Một số người cũng vì ông ấy mà có của ăn của để”.
Ông Vư bảo, cho đến thời điểm hiện tại, ông đã thỏa mãn với những gì mình có, thị trường buôn bò của ông thì đã được mở rộng sang cả các tỉnh miền xuôi.
“Để giữ được hoà khí trong gia đình không phải là điều dễ dàng. Trước tiên mình phải là một nguời gương mẫu mới có thể gắn kết các thành viên và tránh để xảy ra mâu thuẫn”, ông Vư nói.
Ngoài buôn bò, Vư còn nấu cả rượu.
Ông Vư vừa dứt lời thì bà Mai cười rồi nói như khẳng định: “Tuy gia đình đông người cũng có những mâu thuẫn nảy sinh, nhưng chưa bao giờ chúng tôi không hối hận vì đã chọn lấy ông ấy”.
Tuy nhiên, ông Vư cũng phải chịu đựng không ít lời đàm tiếu, chê trách về việc thiếu chung thủy và vi phạm Luật Hôn nhân và gia đình.
Trao đổi với chúng tôi, anh Vàng Mí Lúa (tổ trưởng Tổ 1, trị trấn Mèo Vạc) cho biết: “Ông Vư đã vi phạm luật Hôn nhân Gia đình, nhưng vì ông Vư là thế hệ lấy vợ trước khi có quy định nên chính quyền cũng chỉ tuyên truyền người dân không vi phạm. Theo đó, gia đình ông Vư cũng chưa bao giờ xảy ra xích mích”.