Chuột “đại náo” khắp Sài Gòn

Ngô Đồng |

Bất kể ngày đêm, đàn chuột vẫn “vô tư” kéo nhau ra kiếm ăn. Nạn chuột bùng phát đang tiềm ẩn nguy cơ các loại dịch bệnh truyền nhiễm nguy hiểm.

Chuột không chỉ cắn phá đồ đạc, là thủ phạm gián tiếp gây ra các vụ cháy xe, cháy nhà,.. mà còn là nguyên nhân lây dịch bệnh cho người, trở thành nỗi ám ảnh của cư dân đô thị.

Chuột vô tư kiếm ăn. Ảnh: Ngô Đồng 

Người dân khổ sở với chuột

Nhắc đến chuột, người dân sinh sống trên đường Trần Văn Đang (P.9, Q.3) không còn cảm thấy bất ngờ.

Hầu hết mọi người đã quen với cảnh đào bới, tàn phá của lũ chuột dưới cống ngoi lên.

Rất nhiều phương pháp, nhưng cuối cùng đâu lại vào đấy, chuột vẫn lộng hành.

Chị Trần Thị Bế, người dân sinh sống tại đây cho biết: “Chuột ở khu vực này rất nhiều do gần ga tàu hỏa Sài Gòn.

Lũ chuột đào lỗ tràn vào nhà dân, đục nền gạch, cắn xé bất kì thứ gì. Chúng cắn cả ống dẫn xăng xe, ống dẫn gas hoặc đường dây điện nhà chúng tôi”.

Khổ sở nhất có lẽ là những người ở các khu nhà trọ ẩm thấp, dọc bờ kênh, gần các chợ vì quanh năm suốt tháng phải sống chung với chuột.

Những khu nhà ẩm thấp dọc kênh, xả rác thiếu ý thức là điều kiện góp phần làm nạn chuột bùng phát. Ảnh: Ngô Đồng

“Ban ngày mà chúng dám kéo cả bầy vào bếp lục tung xoong nồi tìm thức ăn, gặp thứ gì cắn thứ đó”, chị Trần Thị Kiều (ngụ Q.8) nói.

Chị cho biết thêm: “Lũ chuột tinh ranh lắm, tôi dùng bẫy lồng nhưng chỉ bắt được một lần, sau đó không con nào dính nữa.

Đặt keo dính chuột cũng chỉ bắt được mấy con chuột nhắt chứ lũ chuột cống thì thua. Tôi phải nhờ đến công ty diệt chuột”.

Bẫy lồng bắt chuột trên đường Trần Văn Đang, Q.3. Ảnh: Ngô Đồng

Tương tự, người dân khu vực P.15, Q.Tân Bình, TP.HCM cũng đang đau đầu với chuột.

Người dân nơi đây cho biết, chuột nhiều có thể do kênh Tân Trụ, Cống Lở và Hy Vọng bị ô nhiễm nặng vì một số cơ sở sản xuất xả thải trực tiếp ra môi trường, tạo điều khiện thuận lợi cho đàn chuột sinh nở.

Tuy nhiên, quan sát thực tế cho thấy, hàng trăm hộ dân nơi đây đều thải rác sinh hoạt hàng ngày trực tiếp xuống kênh.

Không ít người còn "chủ động" cung cấp thức ăn cho lũ chuột hằng ngày bằng cách để sẵn trên bờ kênh với mong muốn chúng ăn no sẽ thôi không đột nhập, phá phách nữa.

Tuy nhiên, điều này đã khiến chúng sinh sôi nhiều hơn.

Nguy cơ nhiễm bệnh từ chuột

Bệnh viện Bệnh Nhiệt Đới TP.HCM từng tiếp nhận một bệnh nhân nam (55 tuổi, ngụ đường Trần Văn Đang, Q.3) có triệu chứng viêm phổi, giảm tiểu cầu, nổi mẩn da, bệnh diễn tiến nặng vì suy thận.

Theo kết quả xét nghiệm, bệnh nhân dương tính với loại virus có tên Hanta.

Được biết, cách đó 15 ngày hai cha con bệnh nhân này bị chuột cắn. Tuy nhiên, do cơ địa từng người nên khi người cha vừa chữa khỏi thì người con lại phát bệnh.

Vợ của nạn nhân cho biết: “Nhà ở gần ga xe lửa nên chuột xuất hiện nhiều lắm. Cũng có nhiều người bị cắn, chứ đâu phải riêng chồng, con tôi.

Có người bị chuột cắn, máu chảy nhưng không sao. Bởi vậy, lúc hai cha con bị chuột cắn, ổng không có đi chích ngừa vì nghĩ chẳng sao.

Tôi thì đưa thằng bé con đi chích ngừa ở Viện Pastuer TP.HCM. Tuy nhiên, sau khi ổng bị bịnh thì tới thằng con cũng sốt phải nhập viện...”.

Người dân dùng bẫy lồng để bắt chuột. Ảnh: Ngô Đồng

Theo thống kê của Trung tâm Y tế dự phòng TP.HCM, trong năm 2014 có 3 ca nhiễm Hanta virus, tăng 1 ca so với năm 2013, không có ca tử vong.

Qua khai thác bệnh sử, cả 3 bệnh nhân đều sống trong khu vực có nhiều chuột (Q.Bình Tân, Q.Tân Phú, Q.8).

Mặc dù không rõ tiền sử bị chuột cắn nhưng khi khảo sát phát hiện có nhiều chất thải của chuột (phân, nước tiểu,...).

Qua kết quả xét nghiệm chuột của Trung tâm Y tế dự phòng tại khu vực có bệnh nhân bị bệnh, phát hiện có Hanta virus tồn tại trên chuột.

Hanta virus là bệnh xuất hiện lẻ tẻ tại nước ta, nếu bệnh rơi vào thể nặng, suy thận cấp, xuất huyết nặng thì tử vong nhanh.

Nếu thể nhẹ thì có thể tự khỏi sau 1 - 2 tuần. Bệnh biểu hiện sốt cao, mỏi mệt, đau nhức cơ, chóng mặt, buồn nôn...

Hanta virus có trong chuột và có thể truyền cho người khi người bị chuột cắn hoặc tiếp xúc với nước tiểu chuột, nhưng không phải ai bị chuột cắn hay tiếp xúc với chuột cũng nhiễm Hanta virus.

Với những trường hợp bị chuột cắn hay tiếp xúc với chuột, nếu thấy sốt cao thì phải lập tức đến bệnh viện và báo cho bác sĩ để được chẩn đoán điều trị.

Theo Ths.BS Lê Hồng Nga, Trung tâm Y tế dự phòng TP.HCM, các bệnh lây truyền qua động vật, như chuột, có chiều hướng gia tăng so với những năm trước.

Do đó, cần phải được quan tâm, truyền thông cho cộng đồng về các biện pháp giảm tác hại do chuột gây ra.

Trong năm 2014, Trung tâm Y tế dự phòng TP.HCM đã triển khai đặt bả chuột tại 862 điểm, sử dụng 2.359kg hóa chất để diệt chuột. Ảnh: Ngô Đồng

Do điều kiện đô thị đông dân cư nên lượng rác thải lớn; lượng thức ăn thừa của người dân bỏ ra nhiều, đặc biệt tại các hộ kinh doanh thức ăn, nhà hàng.

Mặt khác TP.HCM lại là nơi có nhiều kênh rạch, cống rãnh nên đây chính là điều kiện thuận lợi khiến chuột sinh sôi nảy nở.

Việc diệt hết chuột sinh sống dưới cống rãnh ở TP.HCM là điều khó có thể.

Điều quan trọng, người dân phải ý thức giữ vệ sinh sạch sẽ, các cơ quan chức năng cũng cần hỗ trợ người dân trong việc phòng tránh chuột xâm nhập, tấn công mới đạt hiệu quả cao.

Trong năm 2014, Trung tâm Y tế dự phòng TP.HCM đã triển khai đặt bả chuột tại 862 điểm, sử dụng 2.359kg hóa chất để diệt chuột.

Khi người dân thấy có hiện tượng chuột tăng số lượng bất thường, gây ảnh hưởng đến sinh hoạt..., nên báo cho cơ sở y tế địa phương để cán bộ y tế xuống khảo sát và có kế hoạch đặt thuốc diệt chuột cho phù hợp.

Xử trí khi bị chuột cắn

Khi bị chuột cắn, ngoài việc săn sóc vết thương, nên đến cơ sở y tế chích ngừa uốn ván.

Trường hợp hiếm, bác sĩ có thể cho chỉ định chích ngừa dại nếu nhận thấy nguy cơ.

Tại TP.HCM, người dân có thể đến Trung tâm Y tế dự phòng TP.HCM, Viện Pastuer hoặc Bệnh viện Bệnh Nhiệt Đới để được khám và tư vấn, chích ngừa.

 

 

Đường dây nóng: 0943 113 999

Soha
Báo lỗi cho Soha

*Vui lòng nhập đủ thông tin email hoặc số điện thoại