Nhiều tồn tại trong quản lý của các Bộ trưởng
Theo chương trình nghị sự, từ thứ 2 đến hết buổi sáng ngày thứ 4, tức từ ngày 16 – 18/11, đại biểu Quốc hội sẽ có phiên chất vấn các Bộ trưởng, Thủ tướng về những vấn đề còn tồn tại, bức xúc trên thị trường, người dân quan tâm…
Trao đổi với báo chí bên lề Quốc hội, Chủ nhiệm Quốc hội Nguyễn Hạnh Phúc cho biết, kỳ này khác với các kỳ trước nên đến thời điểm này vẫn chưa biết các đại biểu sẽ chất vấn trưởng ngành những vấn đề gì.
“Trên cơ sở những gì còn tồn tại trong quá trình thực hiện 8 Nghị quyết của Quốc hội từ đầu nhiệm kỳ khóa XIII đến kỳ họp thứ 10 này để đại biểu chất vấn.
Trong đó chủ yếu là những nội dung đã được thông qua như: Báo cáo của Chính phủ về việc thực hiện các Nghị quyết của Quốc hội, báo cáo của Tòa án Nhân dân tối cao.
Báo cáo của Viện Kiểm soát Nhân dân tối cao, báo cáo thẩm tra của Hội đồng Dân tốc và các Ủy ban, báo cáo của Ban dân nguyện về công tác khiếu nại, tố cáo…”, ông Phúc cho hay.
Còn đối với những nội dung liên quan đến tổng hợp, ông Phúc cho biết sẽ có một Phó Thủ tướng trả lời. Sau đó, Thủ tướng Chính phủ sẽ trả lời chung các nội dung và sẽ trả lời những câu hỏi của đại biểu Quốc hội nếu có.
Kỳ họp thức 10 Quốc hội khóa XIII. Ảnh: CTTQH
PV: Ông đánh giá thế nào về trách nhiệm của các Bộ trưởng trong việc thực hiện những tồn tại sau khi đã trả lời các chất vấn của đại biểu Quốc hội?
Ông Nguyễn Hạnh Phúc: Các Bộ trưởng có trách nhiệm trong việc giải đáp những vấn đề đại biểu đặt ra và nỗ lực giải quyết những tồn tại của lĩnh vực mình.
Tuy nhiên cũng có những nội dung chưa đạt yêu cầu lắm và có những vấn đề đang còn tiếp tục được đại biểu quan tâm chất vấn nhiều kỳ nhưng vẫn chưa giải quyết đạt như lĩnh vực nông nghiệp.
Cụ thể như vấn đề về cơ cấu ngành nông nghiệp, tình trạng “được mùa mất giá, được giá mất mùa”, thương hiệu hàng nông sản trên thị trường thế giới…
Hay như đối với lĩnh vực y tế là tình trạng ngộ độc thức ăn, thực phẩm, an toàn vệ sinh thực phẩm, giá thuốc, giá dịch vụ y tế, tai nạn giao thông…
Đây đều là những vấn đề đang còn rất phức tạp. Tôi tin những vấn đề này sẽ còn nhiều ý kiến.
Truy đến cùng trách nhiệm của Bộ trưởng
PV: Ông có nói đến những vấn đề tồn tại. Nhưng qua theo dõi, tôi thấy có nhiều vấn đề đại biểu chất vấn rất nhiều kỳ và lần nào Bộ trưởng cũng đứng lên xin lỗi và hứa thực hiện nhưng kết quả thì vẫn không được như mong muốn.
Vậy những vấn đề đã đưa vào Nghị quyết của Quốc hội sẽ phải thực hiện thế nào khi mà Bộ trưởng ngành đó không xử lý hết trước khi kết thúc nhiệm kỳ của mình?
Ông Nguyễn Hạnh Phúc: Chính vì thế, kỳ này đại biểu sẽ hỏi những vấn đề đã được đưa vào Nghị quyết nhưng vẫn chưa thực hiện tốt, đang còn tồn tại của các ngành.
Bộ trưởng ngành đó sẽ phải báo cáo cụ thể về những vấn đề đó, giải thích trước Quốc hội nguyên nhân tại sao thực hiện chưa đạt yêu cầu.
Về cơ bản sẽ truy đến cùng vấn đề đó. Sau khi chất vấn xong Quốc hội sẽ có Nghị quyết. Nghị quyết này sẽ gửi lại cho khóa sau để có sự theo dõi liên tục, đôn đốc thực hiện và giám sát thực hiện những vấn đề từ đầu nhiệm kỳ khóa XIII vẫn chưa thực hiện xong.
Đây là một nội dung rất mới từ trước đến nay chưa làm bao giờ. Ngay cả hình thức chất vấn của kỳ họp này cũng là rất mới, chưa thực hiện lần nào.
Tôi hy vọng đây cũng là sự đổi mới để không chỉ những vấn đề cử tri quan tâm được chất vấn mà còn được thực hiện triển khai trong thực tế.
Theo đó, Quốc hội sẽ ghi nhận những gì Bộ trưởng ngành đó làm được, những gì chưa làm được thì nhiệm kỳ sau tiếp tục thực hiện, có sự kế thừa, nối tiếp.
Ý tôi muốn nói đến tính kế thừa của cán bộ trong ngành. Không phải cứ Bộ trưởng này hết nhiệm kỳ rồi thì những vấn đề không còn được thực hiện.
Những vấn đề tồn tại đó của khóa này chưa được thực hiện thì Bộ trưởng của ngành đó khóa sau phải kế thừa để giải quyết. Có nghĩa ngành đó phải giải quyết đến cùng những vấn đề đai biểu đã chất vấn.
Đây là trách nhiệm của ngành đó chứ không phải là trách nhiệm của cá nhân Bộ trưởng.
PV: Thưa ông, hiện, đại biểu Quốc hội có chất vấn và yêu cầu giám sát vấn đề của Hiệp định Đối tác xuyên Thái Bình Dương (TPP) không?
Ông Nguyễn Hạnh Phúc: Hiện nay TPP vẫn chưa được các nước thành viên phê duyệt. TPP chỉ được thực hiện và có hiệu lực khi Quốc hội 12 nước thành viên phê duyệt.
Chỉ cần Quốc hội 1 nước không phê chuẩn thì TPP không thể thực hiện được. Đến này cũng chưa có Quốc hội nước nào phê chuẩn cả và TPP mới công bố toàn văn bằng tiếng Anh.
Hiện, Chính phủ cũng chưa đề nghị Quốc hội thông qua vấn đề này vì vừa mới ký xong. Các bộ ngành có liên quan đang còn phải dịch sang tiếng Việt, sau đó triển khai phổ biến và Quốc hội sẽ nghiên cứu trên cơ sở những điều khoản trong hiệp định đó.
Đại biểu Quốc hội phải được tiếp cận những điều khoản cụ thể của TPP trước khi có quyết định chính thức.
Xin cám ơn ông!
Theo chương trình, tại phiên chất vấn, Quốc hội sẽ nghe Phó Thủ tướng Chính phủ Nguyễn Xuân Phúc trình bày Báo cáo việc thực hiện các nghị quyết của Quốc hội về hoạt động giám sát chuyên đề, hoạt động chất vấn từ đầu nhiệm kỳ khóa XIII đến năm 2015.
Chánh án Tòa án nhân dân tối cao Trương Hòa Bình trình bày Báo cáo việc thực hiện các nghị quyết của Quốc hội về hoạt động giám sát chuyên đề, hoạt động chất vấn từ đầu nhiệm kỳ khóa XIII đến năm 2015.
Viện trưởng Viện Kiểm sát nhân dân tối cao Nguyễn Hòa Bình trình bày Báo cáo việc thực hiện các nghị quyết của Quốc hội về hoạt động giám sát chuyên đề, hoạt động chất vấn từ đầu nhiệm kỳ khóa XIII đến năm 2015.
Ông Nguyễn Hạnh Phúc trình bày Báo cáo tổng hợp ý kiến thẩm tra của Hội đồng Dân tộc, các Ủy ban của Quốc hội về việc thực hiện các nghị quyết của Quốc hội về hoạt động giám sát chuyên đề, hoạt động chất vấn từ đầu nhiệm kỳ khóa XIII đến năm 2015.
Trưởng Ban dân nguyện Nguyễn Đức Hiền trình bày Báo cáo kết quả giám sát việc giải quyết kiến nghị của cử tri gửi đến kỳ họp thứ 9 của Quốc hội và tổng hợp kết quả giải quyết kiến nghị của cử tri từ đầu nhiệm kỳ Quốc hội khóa XIII đến năm 2015.
Phiên chất vấn và trả lời chất vấn sẽ được phát thanh, truyền hình trực tiếp để cử tri và nhân dân cả nước theo dõi.