Chợ Kim Biên bị oan?

NGỌC ÁNH |

Trưởng BQL chợ Kim Biên cho rằng dư luận đang hiểu nhầm; lấy hình ảnh, thông tin kinh doanh xung quanh nhưng lại nói là ở chợ Kim Biên khiến chợ mang tiếng xấu.

Ngày 30-12, HĐND TP HCM đã có buổi giám sát tại UBND quận 5 về công tác quản lý hóa chất trên địa bàn và thực tế tại chợ Kim Biên, nơi được xem là trung tâm hóa chất của TP.

Tiếp xúc với đoàn, Ban Quản lý (BQL) chợ Kim Biên cho rằng chợ bị tiếng oan từ những hoạt động của các điểm bán ngoài phạm vi quản lý của chợ.

Dư luận đang hiểu nhầm!

Theo ông Trần Ngọc Hiệp, Trưởng BQL chợ Kim Biên, hiện chợ chỉ có 16 hộ với 19 sạp kinh doanh hương liệu, phụ gia thực phẩm và chỉ chiếm 3,5% tổng số sạp tại chợ.

BQL chợ thường xuyên cắt cử 2 nhân sự quản lý ngành hàng này để bảo đảm chỉ kinh doanh hương liệu, phụ gia thực phẩm trong danh mục của Bộ Y tế và có giấy chứng nhận công bố phù hợp quy định an toàn thực phẩm.

“Dư luận đang hiểu nhầm về chợ; lấy hình ảnh, thông tin kinh doanh xung quanh chợ Kim Biên nhưng lại nói là chợ Kim Biên khiến chợ mang tiếng xấu.

Chủ trương của TP là vận động di dời các hộ kinh doanh ngành hàng hương liệu và phụ gia thực phẩm nhưng một số báo lại đăng tin xóa sổ chợ Kim Biên hoặc di dời chợ Kim Biên khiến tiểu thương các ngành khác lo lắng” - ông Hiệp nói.

Theo bà Tôn Nữ Phương Lan, chủ sạp Lan Trung trong chợ Kim Biên, mãi lực tại chợ hiện giảm sút nghiêm trọng do tiếng xấu “chợ tử thần”, “chợ độc hại” trong khi việc kinh doanh lẫn lộn phụ gia thực phẩm và công nghiệp nằm bên ngoài nhưng mọi người cứ gọi tắt là “chợ Kim Biên”.

Về “tinh chất cà phê”, theo bà Lan, thực chất chỉ là hương liệu thực phẩm hương cà phê nhập khẩu, có qua kiểm tra kiểm soát và được hầu hết các thương hiệu cà phê lớn sử dụng để tạo mùi vị hấp dẫn cho cà phê.

Khó biết thật hay giả

Tuy nhiên, ông Hiệp cũng nhìn nhận theo quy định của Bộ Y tế, có khoảng 400 loại hương liệu, phụ gia thực phẩm được phép lưu hành tại Việt Nam nhưng trong đó có rất nhiều chất được sử dụng trong công nghiệp (có tạp chất, không còn tinh khiết).

Trong khi việc kiểm tra, xác định phụ gia thực phẩm thật hay giả bằng mắt thường gần như không thể. Muốn xác định chính xác cần phải kiểm tra tại phòng thí nghiệm có chuyên môn rất phức tạp và tốn kém.

Vì vậy, BQL chỉ kiểm tra bằng cách yêu cầu các hộ trưng bày hàng hóa phải có đầy đủ nhãn mác và hồ sơ pháp lý.

Ông Chu Xuân Khoa, Phó Phòng Kinh tế quận 5, cho biết trên địa bàn đang có 121 đơn vị kinh doanh hóa chất, trong đó có 17 đơn vị vừa kinh doanh phụ gia công nghiệp và phụ gia thực phẩm.

Năm qua, đoàn kiểm tra liên ngành hóa chất đã kiểm tra 62 đơn vị, xử phạt 13 trường hợp với gần 350 triệu đồng.

Ông Khoa thừa nhận việc kiểm tra các điểm kinh doanh ngoài chợ gặp khó khăn do địa điểm phân tán trong khu dân cư; cán bộ ở tuyến quận và phường còn hạn chế về chuyên môn trong lĩnh vực hóa chất nên hầu hết chỉ kiểm tra về hành chính, khó nhận biết mức độ nguy hiểm của từng hóa chất.

Theo đại diện Sở Công Thương, với phụ gia thực phẩm, việc sang chiết từ bao bì gốc của nhà sản xuất để bán lẻ sẽ không còn bảo đảm chất lượng như ban đầu và ảnh hưởng đến thực phẩm khi chế biến.

Tuy nhiên, nhu cầu mua lẻ với số lượng nhỏ của người dân là rất lớn, gây khó khăn cho quản lý và nhiều nguy cơ mất an toàn thực phẩm.

Cần sớm quy hoạch

Ông Phạm Quốc Huy, Chủ tịch UBND quận 5, nhìn nhận hoạt động ở chợ  Kim Biên và khu vực xung quanh rất khác nhau. Việc quản lý ở chợ tốt hơn khu vực xung quanh, với khoảng 50-60 cửa hàng.

Đối với tình trạng sang chiết hóa chất, trách nhiệm quản lý là của địa phương nhưng rất khó vì nhu cầu của người dân là có thật trong khi pháp luật cấm nên rất khó ngăn chặn tuyệt đối.

Vì thế, cần sớm quy hoạch hoạt động kinh doanh hóa chất, đặc biệt là hóa chất công nghiệp vì để xen kẽ trong khu dân cư sẽ không bảo đảm phòng cháy chữa cháy.

Đường dây nóng: 0943 113 999

Soha
Báo lỗi cho Soha

*Vui lòng nhập đủ thông tin email hoặc số điện thoại