Chiều nay, siêu bão 315 km/giờ sẽ đổ bộ vào Việt Nam

BB |

(Soha.vn) - Tối qua 8-11, siêu bão Haiyan (bão số 14) đã tràn qua Philippines đi vào biển Đông, trở thành cơn bão số 14 trong năm nay.

Theo Trung tâm DBKTTV TƯ, 19 giờ ngày 08/11, vị trí tâm bão Haiyan (bão số 14) ở vào khoảng 11,8 độ Vĩ Bắc; 120,7 độ Kinh Đông, trên khu vực phía Tây Philippines, cách đảo Song Tử Tây (thuộc quần đảo Trường Sa) khoảng 690km về phía Đông.

Sức gió mạnh nhất ở vùng gần tâm bão mạnh cấp 15, cấp 16 (tức là từ 167 đến 201 km một giờ), giật trên cấp 17.

Dự báo trong 24 giờ tới, bão di chuyển nhanh theo hướng giữa Tây và Tây Tây Bắc, mỗi giờ đi được khoảng 35km.

Đến 19 giờ ngày 09/11, vị trí tâm bão ở vào khoảng 13,5 độ Vĩ Bắc; 112,3 độ Kinh Đông, cách bờ biển các tỉnh Thừa Thiên Huế - Bình Định khoảng 350 - 400km về phía Đông Đông Nam. Sức gió mạnh nhất ở vùng gần tâm bão mạnh cấp 15 (tức là từ 167 đến 183 km một giờ), giật cấp 16, cấp 17.

Do ảnh hưởng của hoàn lưu bão, khu vực giữa Biển Đông (bao gồm cả vùng biển giữa quần đảo Trường Sa và Hoàng Sa) có gió mạnh cấp 9 - 11, sau tăng lên cấp 12 - 14, vùng gần tâm bão đi qua mạnh cấp 15, cấp 16, giật trên cấp 17. Biển động dữ dội.

	Sơ đồ đường đi và vị trí của siêu bão Hải Yến.

Sơ đồ đường đi và vị trí của siêu bão Hải Yến.

Theo ông Bùi Minh Tăng, Giám đốc Trung tâm Dự báo Khí tượng Thủy văn Trung ương cho biết: trước khi bão Haiyan đổ bộ vào nước ta, từ trưa và chiều 9-11, vùng biển ngoài khơi các tỉnh Trung Bộ có gió mạnh cấp 10, sau tăng lên cấp 12, 14; vùng gần tâm bão đi qua giật cấp 16, 17; giật trên cấp 17; biển động dữ dội.

Dự kiến các tỉnh, thành có cấp gió mạnh từ cấp 12-14, thậm chí có thể giật đầu cấp từ 15-17 gồm: Quảng Ngãi, Quảng Nam, Đà Nẵng, Thừa Thiên - Huế, Quảng Trị, Quảng Bình. Đặc biệt, tại các đảo ven bờ, ngoài khơi như Lý Sơn, Cồn Cỏ, Hòn Ngư, có thể sóng sẽ đánh rất sâu vào bờ. “Các nhà ven bờ và sâu trong bờ sẽ không thể chịu nổi” - ông Tăng cho biết.

Cơ quan Khí tượng Mỹ nhận định siêu bão Haiyan đạt cấp độ 5 (cấp độ lớn nhất) theo thang báo của Mỹ, trong khi Việt Nam chưa trải nghiệm và chưa có kinh nghiệm đối phó với cơn bão nào có sức hủy diệt ở cấp độ 5.

Vào chiều 8-11, Bộ trưởng Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn Cao Đức Phát, Trưởng Ban chỉ đạo Phòng chống lụt bão trung ương (ban chỉ đạo), lo lắng: Tàu cá di chuyển với tốc độ 10 km/giờ nhưng bão Haiyan di chuyển tới 30 km/giờ. Các địa phương phải nắm chắc liên lạc với từng tàu trên biển, không nắm được thì lãnh đạo địa phương phải chịu trách nhiệm. “Giật 17 là hết sức khủng khiếp. Các cột điện, cột phát sóng phát thanh truyền hình, cột phát sóng di động có nguy cơ sụp đổ rất cao nên phải sơ tán dân triệt để trước 19 giờ ngày 9-11 đối với toàn bộ trẻ em, phụ nữ, người già; đến nửa đêm 9-11, toàn bộ dân phải sơ tán” - Bộ trưởng Phát quả quyết.

	Thủ tướng Nguyễn Tấn Dũng trao đổi với Đại tướng Trần Đại Quang, Bộ	trưởng Bộ Công an, về đảm bảo tình hình an ninh trật tự khi bão đổ bộ	vào đất liền.. Ảnh: Chinhphu.vn

Thủ tướng Nguyễn Tấn Dũng trao đổi với Đại tướng Trần Đại Quang, Bộ trưởng Bộ Công an, về đảm bảo tình hình an ninh trật tự khi bão đổ bộ vào đất liền.. Ảnh: Chinhphu.vn

Thủ tướng Nguyễn Tấn Dũng nhấn mạnh, cơn bão Hải Âu được cơ quan chức năng của ta và các cơ quan khí tượng  quốc tế dự báo là siêu bão, một trong những cơn bão có cường độ mạnh nhất đổ bộ vào Việt Nam từ trước tới nay. Bão di chuyển với tốc độ rất nhanh và diễn biến phức tạp. “Nhiệm vụ của cả hệ thống chính trị là phải tập trung chỉ đạo cao nhất, quyết tâm cao nhất bằng tất cả các giải pháp với mục tiêu hạn chế thấp nhất các thiệt hại về tính mạng và tài sản”.

Để chủ động đối phó với diễn biến của bão số 14, sáng nay, Ban chỉ đạo phòng chống lụt bão Trung ương, Ủy ban Quốc gia tìm kiếm cứu nạn yêu cầu Ban chỉ huy PCLB & TKCN các tỉnh, thành phố và các Bộ theo dõi chặt chẽ diễn biến của bão, chủ động ứng phó.

 

Đường dây nóng: 0943 113 999

Soha
Báo lỗi cho Soha

*Vui lòng nhập đủ thông tin email hoặc số điện thoại