Liệu có “ném tiền qua cửa sổ”?
Sau một thời gian chạy đà, thử nghiệm mô hình bác sĩ gia đình, đến cuối 2013, UBND TP.HCM chính thức phê duyệt đề án bác sĩ gia đình tại TP.HCM đến năm 2020 với mục tiêu đặt ra giảm tải cho các bệnh viện tuyến trên.
Tổng kinh phí thực hiện cho đề án này đến thời điểm nay là khoảng 400 triệu đồng.
Lúc này, các chuyên gia quản lý y tế, đã bắt đầu đề cập đến chuyện tồn tại hay không tồn tại mô hình bác sĩ gia đình, phòng khám bác sĩ gia đình có phù hợp trong điều kiện mạng lưới y tế của TP như hiện nay?
Để đưa ra câu trả lời này, các chuyên gia trong lĩnh vực quản lý y tế cho biết, hiện nay ở xã -phường nào cũng có trạm y tế, các phòng khám tư nhân ở khu vực nội thành mọc lên khá nhiều. Nhiều bác sĩ, nhất là các bác sĩ có “thương hiệu” ở các bệnh viện công ra mở phòng khám tư. Đó là chưa kể hàng loạt các bệnh viện quận- huyện rất gần với người dân, đang trống vắng như “chùa bà đanh”, chứ không hề quả tải.
Vậy hà cớ gì,người bệnh phải tìm đến phòng khám bác sĩ gia đình, vừa thiếu bác sĩ, vừa không có bác sĩ chuyên khoa? Nếu có chăng chỉ là những bệnh nhân nghèo, bệnh nhẹ mới đến đây khám.
Thực tế cho thấy, phần lớn bệnh nhân mắc bệnh nặng đều thuộc các bệnh chuyên khoa, trong khi đó, bác sĩ gia đình chỉ là những bác sĩ được đào tạo tổng quát (đó là những phòng khám có bác sĩ gia đình), không thể nào điều trị được như các bác sĩ chuyên khoa. Do đó, nếu những người có điều kiện, thì đến những phòng khám tư nhân- nơi có các bác sĩ chuyên khoa có “thương hiệu” đang công tác tại các bệnh viện của TP để theo dõi bệnh; còn những người không có điều kiện thì đến bệnh viện để tiếp tục theo dõi bệnh.
“Với một bác sĩ gia đình khó có thể điều chỉnh được toa thuốc của bác sĩ chuyên khoa. Do đó, để theo dõi bệnh, nhất là các bệnh mạn tính, người bệnh chỉ đến phòng khám tư nhân- nơi có các bác sĩ chuyên khoa thuộc bệnh của mình, hoặc đến các chuyên khoa của bệnh viện để kiểm tra sức khỏe, chứ khó có bệnh nhân nào đến phòng khám bác sĩ gia đình để theo dõi sức khỏe”, vị chuyên gia trong lĩnh vực quản lý y tế nhận định.
Ngay cả trong trường hợp, người bệnh chưa biết mình mắc bệnh gì, cũng khó có thể đến với bác sĩ gia đình để kiểm tra. Bởi nếu phòng khám bác sĩ gia đình phát hiện bệnh nặng, hoặc không chẩn đoán được bệnh cũng không thể làm giấy chuyển viện để bệnh nhân được hưởng bảo hiểm y tế đúng tuyến.
Vì thế các bệnh nhân, nếu ngại cảnh chen lấn, chờ đợi lâu thì đến các bệnh viện quận – huyện, nhiều nơi đang đang trống vắng bệnh nhân để khám, điều trị. Dù sao những nơi này cũng có bác sĩ chuyên khoa. Nếu không phát hiện bệnh hay bệnh vượt quá khả năng thì có thể làm giấy chuyển viện lên tuyến trên để điều trị và được hưởng bảo hiểm y tế đúng tuyến.
Lúc này, nhiều người đang mường tượng rằng, số tiền đầu tư khoảng 400 triệu đồng cho mô hình bác sĩ gia đình từ năm 2013 đến nay, trong đó có đầu tư trang thiết bị, đào tạo bác sĩ gia đình… đang gần như “ không cánh mà bay”.
Nếu không có sự thay đổi trong cách thức quản lý, cũng như mạng lưới y tế hiện nay, nhiều nhà quản lý y tế cho rằng, khoản đầu tư tiếp cho mô hình bác sĩ gia đình giai đoạn 2016 đến 2020 chẳng khác nào tiếp tục “ném tiền qua cửa sổ”. Điều đáng lo hơn nữa, hơn 300 bác sĩ chuyên khoa 1 chuyên ngành bác sĩ gia đình được đào tạo trong giai đoạn 2013-2015 bằng nguồn kinh phí nhà nước sẽ không biết về đâu.
Vì sao những nước khác lại thành công
Theo các chuyên gia quản lý y tế, sở dĩ ở một số nước trên thế giới thành công với mô hình phòng khám bác sĩ gia đình là ở đó, sau bệnh viện chỉ là phòng khám bác sĩ gia đình, chứ không có trạm y tế. Đồng thời quy định, các bác sĩ đang làm việc trong các bệnh viện nhà nước không được mở phòng khám tư nhân.
Điều quan trọng hơn, đó là quy định, các bệnh nhân muốn được hưởng bảo hiểm y tế đúng tuyến phải có giấy chuyển viện của các phòng khám bác sĩ gia đình (trừ trường hợp cấp cứu).
Điều này buộc các bệnh nhân có bảo hiểm y tế, bệnh nặng hay nhẹ phải đến phòng khám bác sĩ gia đình trước mới được chuyển đến bệnh viện. Nếu bệnh nhân tự đến bệnh viện sẽ không được hưởng chế độ bảo hiểm y tế.
Ngoài ra, các chuyên gia quản lý y tế cho biết, phòng khám bác sĩ gia đình ở các nước thành công với mô hình này được phân ở mỗi khu vực, mỗi phòng khám bác sĩ gia đình chịu trách nhiệm khám, chữa bệnh ban đầu cho người dân ở mỗi khu vực.
Ở đây, để tăng tính trách nhiệm cũng như như hiệu quả trong việc khám, chữa bệnh ban đầu, ngành y tế căn cứ vào số lượng bệnh nhân ở khu vực phòng khám bác sĩ gia đình đó chịu trách nhiệm khám, điều trị. Nếu phòng khám bác sĩ gia đình nào để nhiều bệnh nhân ở khu vực mình đi qua phòng khám bác sĩ gia đình ở khu vực khác khám, điều trị, ngành y tế sẽ sa thải người đứng đầu phòng khám đó, thay thế người khác.
Điều này giúp các phòng khám bác sĩ gia đình tự trao dồi năng lực chuyên môn, nâng cao chất lượng khám chữa bệnh để làm sao thu hút bệnh nhân đến khám, chữa bệnh ban đầu ở phòng khám mình. Đó cũng là lý do khiến bệnh nhân tin tưởng hơn vào phòng khám bác sĩ gia đình.
Hy vọng, đây sẽ điều mà ngành y tế TP có thể đúc rút kinh nghiệm để định hướng phát triển mô hình phòng khám bác sĩ gia đình phù hợp .