Chết sau ngày tiêm thứ 7, bệnh viện ‘hỗ trợ’ 30 triệu đồng

Một bệnh nhân đang điều trị tại Bệnh viện ĐK huyện Hương Khê (Hà Tĩnh) bỗng tử vong ngay sau khi tiêm kháng sinh.

Tử vong sau ngày tiêm thứ 7

Những người dân khối 19 thị trấn Hương Khê vẫn chưa hết bàn tán xôn xao sau cái chết khó hiểu của ông Mai Văn Quế (SN 1953). Bởi từ trước tới nay ông Quế vẫn khỏe mạnh bình thường.

Theo thông tin từ người nhà, ông Quế nhập viện điều trị bệnh viêm phổi đã 1 tuần. Ngày nào cũng được y bác sỹ tiêm 2 lần thuốc.

Đến ngày điều trị thứ 7 (ngày 17/2), khi điều dưỡng vừa tiêm xong thì bỗng nhiên ông Quế lên cơn co giật, tím tái rồi tử vong.

Chị Trịnh Thị Hiền, con dâu ông Quế bức xúc kể: “Những ngày nằm điều trị tại bệnh viện, ông thường kêu đau tức ngực, đau lưng mỗi khi tiêm. Khoảng 10h sáng ngày 17/2, tôi có phản ánh việc này với một cô điều dưỡng (không nhớ tên) và xin được đi kiểm tra lại nhưng không được đồng ý”.

Cũng theo chị Hiền, ngay sau khi nữ điều dưỡng rút kim tiêm ra thì ông Quế liền xuất hiện những cơn ho, khó thở, mình mẫy tím tái và sau đó thì tử vong.

“Mọi người đã cố gắng cấp cứu nhưng bố tôi đã tử vong. Tôi không thể tin mọi việc lại xảy ra nhanh như thế được. Lúc đó nếu bố tôi được kiểm tra tình trạng sức khỏe trước khi tiêm chắc bố tôi sẽ không chết”, chị Hiền nói.

“Chết do sốc phản vệ?”

Ông Phan Trường Sang, Giám đốc BV ĐK Hương Khê cho biết, bệnh nhân Quế điều trị đến ngày thứ 7 thì xẩy ra sự việc. Sau khi tiêm kháng sinh khoảng 3 phút thì bệnh nhân lên cơn co giật, tím tái. Phía bệnh viện đã tiến hành đặt nội khí quản, bóp bóng tay nhưng ông Quế đã chết sau đó.

bệnh nhân, chết, sau tiêm, bệnh viện, ‘hỗ trợ’, 30 triệu, Hà Tĩnh
GĐ bệnh viện Phan Trường Sang nói: Phía gia đình cứ đổ lỗi cho bệnh viện và đòi tiền. Mặc dù không sai nhưng thấy nhà nghèo nên bệnh viện mới hỗ trợ?!

“Bệnh nhân chết là do sốc phản vệ với thuốc kháng sinh Cefotaxim 1g. Phía bệnh viện không làm sai quy trình. Chúng tôi đã báo cáo Sở Y tế”, ông Sang nói.

Ông Sang cũng xác nhận việc bệnh viện hỗ trợ 30 triệu đồng cho người nhà nạn nhân. “Chúng tôi thấy nhà họ có hoàn cảnh khó khăn thì hỗ trợ từ nguồn quỹ công đoàn” - lời ông Sang.

Xung quanh thông tin dư luận cho rằng bệnh nhân chết là do sai sót của y bác sỹ nên phía bệnh viện mới chi ra số tiền lớn như vậy, ông Sang liền bức xúc: Phía gia đình cứ đổ lỗi cho bệnh viện và đòi tiền. Mặc dù không sai nhưng thấy nhà nghèo nên bệnh viện mới hỗ trợ?!

“Người con trai có nói là sẽ báo công an, chúng tôi cũng nói cứ mời công an, cần làm rõ thì mời khám nghiệm pháp y đến. Tôi nói bệnh viện này sinh ra không phải để giết người, chẳng lẽ thấy chết mà vẫn tiêm”, ông Sang nói.

“Việc bệnh nhân sốc phản vệ với thuốc kháng sinh là không lường trước được. Trong năm 2013, tại bệnh viện cũng đã xẩy ra 5 vụ sốc thuốc, trong đó có một bệnh nhân tử vong”, ông Sang thông tin thêm.

Cũng theo ông Sang, việc hỗ trợ bệnh nhân tử vong với số tiền lớn như vậy là chưa từng có tiền lệ.

Được biết, chỉ trong 4 ngày qua, tại Hà Tĩnh đã liên tiếp xẩy ra 3 vụ bệnh nhân tử vong, ngoài vụ việc nêu trên thì trước đó đã xẩy ra 2 vụ chết người liên quan đến Bệnh viện ĐK huyện Kỳ Anh.

 

Đường dây nóng: 0943 113 999

Soha
Báo lỗi cho Soha

*Vui lòng nhập đủ thông tin email hoặc số điện thoại