"Cháy xe còn mua được xe khác chứ chết người thì sao đây?"

Hoàng Đan |

Đó là ý kiến của kỹ sư ôtô Lê Khoát đang làm việc tại một hãng xe nổi tiếng của Nhật Bản khi chia sẻ với chúng tôi xung quanh quy định trang bị bình chữa cháy trong xe ôtô.

Kẽ hở trong Thông tư?

Kể từ 6/01/2016, nếu không trang bị bình chữa cháy khi tham gia giao thông, lái xe ôtô sẽ bị phạt từ 300.000 đến 500.000 đồng. Trước quy định bắt buộc này, người dân đã đón nhận với thái độ không mấy hồ hởi và rất nhiều ý kiến trái chiều được đưa ra.

Chia sẻ với chúng tôi, kỹ sư Lê Khoát, hiện đang làm việc ở bộ phận nhiên liệu của một hãng xe nổi tiếng tại Nhật Bản cho biết, anh đã theo dõi khá kỹ về các ý kiến trái chiều khác nhau trong những ngày qua về quy định trên.

Theo anh Khoát, cá nhân anh làm việc trong ngành ôtô tại Nhật đã khá lâu và cũng đã trực tiếp quan sát, nghiên cứu nhiều loại ôtô của nước này cũng như một số nước khác như Hàn Quốc.

Việc cháy xe ôtô là hoàn toàn có thể xảy ra nhưng tỷ lệ phần trăm xảy ra là rất thấp và tất cả các nguyên nhân đều sẽ được xác định rõ ràng để khắc phục.

"Để nói là có quy định riêng, bắt buộc phải có bình chữa cháy đối với xe dưới 9 chỗ như ở Việt Nam thì tôi chưa thấy và các mẫu xe tôi trực tiếp được làm, cũng như theo dõi thì cũng không thấy thiết kế chỗ để lắp bình chữa cháy.

Trong quá trình tôi công tác thì hãng cũng có thực nghiệm việc cháy toàn xe nhưng thông thường là 1 - 2 năm mới làm một lần vì hiện tượng cháy là cực ít khi xảy ra.

Thực tế, các hãng trước khi xuất xe ra đều phải kiểm tra rất chặt chẽ qua nhiều khâu, bộ phận. Trước, trong khi lưu thông cũng phải được đăng kiểm kiểm tra thường xuyên nên khi đạt chuẩn thì việc cháy nổ rất hiếm", anh Khoát thông tin.

Một người đàn ông tỏ ra băn khoăn không biết mua loại bình chữa cháy nào cho phù hợp - Ảnh: Nguyễn Khánh
Một người đàn ông tỏ ra băn khoăn không biết mua loại bình chữa cháy nào cho phù hợp - Ảnh: Nguyễn Khánh

Anh Khoát cũng bày tỏ, văn bản của Bộ Công an chỉ quy định dung tích, khối lượng tối đa của bình cứu hỏa mà không quy định mức tối thiểu, điều này đã vô tình tạo kẽ hở, khiến các bình chữa cháy "siêu mini" có cơ hội "hoành hành" mà vẫn hợp lý.

"Chưa kể đến thực tế là nếu có cháy xe thật xảy ra thì chắc chắn chẳng ai có đủ can đảm để lấy bình xịt ra để mà chữa cháy. Tất cả sẽ đều cùng một quan điểm là chạy thật nhanh, ra xa, thoát thân rồi hô hoán.

Cháy xe còn mua được xe khác chứ chết người ra đấy thì sao đây, có mua được người mới không. Chắc chắn là không rồi, nên tôi nghĩ rằng, các cơ quan chức năng nên xem xét lại.

Căn bản của việc phòng ngừa ở đây là chúng ta phải đáp ứng tốt hệ thống tiêu chuẩn an toàn phương tiện, đăng kiểm, hạ tầng giao thông chứ không phải để bình cứu hỏa mini trong xe như thế", anh Khoát chia sẻ.

Về khả năng gây nổ của bình cứu hỏa, anh Đỗ Văn Huy, kỹ sư ôtô, đang làm cho một đơn vị ôtô ở Long Biên (Hà Nội) cho rằng, hoàn toàn có thể xảy ra, nếu các bình này để ở nhiệt độ cao.

"Thực tế, nếu vào thời điểm mùa hè như vừa qua, thì với các xe đỗ ở ngoài trời, không có người bên trong, nhiệt độ lên đến 70 độ C là hoàn toàn có. Trong khi đó, với các bình chữa cháy mini nếu để ở nhiệt độ từ 50 độ C trở lên khả năng nổ rất cao.

Chưa kể các bình không đảm bảo chất lượng, trôi nổi thì khả năng nổ, gây nguy hiểm sẽ còn cao hơn nhiều", anh Huy cho biết thêm.

Có nên bãi bỏ quy định này?

Cũng trao đổi với chúng tôi, đại biểu QH Trần Khắc Tâm (Sóc Trăng) cho hay, ông không phản đối quy định này của Bộ Công an bởi đây là quy định dựa theo Luật đã ban hành trước đó.

"Tôi cho rằng, từng người nên có ý thức riêng trong việc này còn lẽ ra trước khi ban hành, cơ quan chức năng nên lấy ý kiến người dân trước thì sẽ tránh được xảy ra những ý kiến trái chiều.

Còn ở đây, khi áp đặt thành quy định bắt buộc thì bước đầu chúng ta cần phải tuyên truyền, phổ biến cho các chủ phương tiện để họ đánh giá.

Nếu có lợi thì họ sẽ thực hiện thôi còn ép buộc, làm ngay như vậy thì hơi khó, khiến dân người ta bỡ ngờ nên có giai đoạn, từng bước", ông Tâm chia sẻ.


Luật sư Lê Văn Thiệp.

Luật sư Lê Văn Thiệp.

Còn theo luật sư Lê Văn Thiệp, Trưởng Văn phòng Luật sư Toàn Cầu, việc ban hành thông tư này chưa có cơ sở khoa học, chưa đáp ứng được các tiêu chí cơ bản cũng như gây lãng phí tài sản xã hội, gây bất bình trong nhân dân.

"Thứ nhất, khi ban hành một văn bản hướng dẫn thực hiện một đạo luật hay văn bản quy phạm pháp luật, phải đáp ứng các tiêu chí cơ bản như: tính thống nhất, minh bạch, kinh tế, khả thi...

Trong vấn đề này thì rõ ràng là không có tính khả thi, và gây lãng phí xã hội, về vấn đề kỹ thuật cũng vậy, nhà sản xuất không thiết kế chỗ để gắn bình chữa cháy.

Thực tế cũng chưa có những báo cáo hay số liệu thống kê về số lượng, tỷ lệ xe bị cháy cũng như nguyên nhân cháy để cho rằng nhu cầu điều chỉnh bằng pháp luật đối với quan hệ xã hội này là cần thiết và cấp bách.

Việc này sẽ là nguyên nhân gây ra tiêu cực...", luật sư Thiệp nhấn mạnh.

Luật sư Thiệp cũng nhìn nhận, việc ban hành quy định này còn gấp gáp, chưa thực hiện công tác tuyên truyền, phổ biến một cách thích hợp cả về nội dung cũng như thời gian.

"Theo tôi cần dừng việc xử lý vi phạm hành chính, cũng như xem xét bãi bỏ quy định này, đồng thời  tiến hành nghiên cứu thấu đáo, khoa học, khách quan về vấn đề này nhằm đảm bảo tính khả thi cho các chính sách pháp luật", luật sư Thiệp kiến nghị.

Đường dây nóng: 0943 113 999

Soha
Báo lỗi cho Soha

*Vui lòng nhập đủ thông tin email hoặc số điện thoại