Học hết cấp 3 trở thành ông chủ
Chàng trai sinh năm 1989 này đang là chủ cửa hàng vẽ móng nghệ thuật nổi tiếng tên Star Nails trên quận Hoàn Kiếm, Hà Nội.
Mở cửa hàng được vài tháng nhưng nhiều khách hàng tìm đến anh Tùng bởi cách vẽ móng độc đáo, tỉ mẩn và giá cả phải chăng.
Thậm chí, có người từ Hải Dương tháng nào cũng đến quán của anh Tùng 3 lần để chăm sóc bộ móng. Có nhiều bộ móng công phu anh làm cả buổi như nối móng làm giả đắp bột, đắp gel 3D, đính đá với giá lên đến 500 nghìn đồng/bộ.
Hiện nay, với số lượng khách ổn định, trung bình ngày 5-10 người, mang về mức thu nhập hàng chục triệu đồng/1 tháng cho anh Tùng.
Những bộ móng độc đáo, công phu của Tùng làm cho khách.
Tuy nhiên, để trở thành ông chủ như ngày hôm nay đối với chàng trai 8X không phải dễ dàng gì.
Trò chuyện với anh Tùng, anh đưa tôi từ bất ngờ này đến bất ngờ khác. Anh học hết cấp 3, từng làm móng nghệ thuật bên Nga 6 năm và về Việt Nam tự tay mở cửa hàng làm chủ …
Sinh ra trong một gia đình nghèo, có đông anh chị em ở Hương Sơn (Mỹ Đức - Hà Nội), anh Tùng luôn có khao khát làm giàu.
Điều kiện gia đình khó khăn vì vậy sau khi học xong cấp 3, anh Tùng đi học sửa xe máy ở quê, vừa học vừa làm không lương 1 năm.
Rồi một ngày, nghe bố kể chuyện con gái ông hàng xóm đi làm móng, anh Tùng tò mò, thích thú với môn nghệ thuật này.
Buổi sáng hôm sau ngủ dậy, anh bất ngờ xin bố mẹ 10 triệu đồng để đi học làm móng. Thấy con trai quyết tâm, bố mẹ anh gật đầu đồng ý.
Mang theo số tiền đóng học phí, mấy cân gạo, anh Tùng xuống Hải Phòng học. Đối với anh, làm móng là cái duyên chính vì thế anh thích và đam mê, học quên ăn quên ngủ từ 8 giờ sáng đến 9 giờ tối mà không cảm thấy mệt mỏi.
Tùng chăm sóc cho khách hàng một cách chu đáo.
Sau khi hoàn thành khóa học, Tùng chân ướt chân ráo ra Hà Nội xin việc.
Chàng thanh niên 18 tuổi bỡ ngỡ với môi trường mới gặp không ít khó khăn.
Gọi điện đến đâu cũng không được nhận vì chẳng ai nghĩ con trai có thể làm nails. Tùng mạnh dạn đến từng cửa hàng xin thử chứng minh tay nghề nhưng đều nhận được lời đáp: “Con trai làm móng đùa hay thật?”.
Không vì thế mà Tùng bỏ cuộc, Tùng tiếp tục đi tìm, cuối cùng chủ một cửa hàng trên phố Kim Ngưu nhận anh sau khi thử tay nghề. Một thời gian sau, anh chuyển sang làm ở phố Hàng Nón.
Không có họ hàng trên này, Tùng xin ngủ lại quán, ngủ nhờ xưởng sản xuất khung tranh hay chui trong căn phòng thuê chưa đầy 10 m2 chỉ đủ kê cái phản…
“Năm 2008, lương tôi chỉ khoảng 1,2 triệu đồng/ tháng. Sau này được hơn một chút cũng chẳng đủ thuê nhà trọ. 3 tháng đầu, tôi phải đi bộ từ Hàng Nón đến phố Quốc Tử giám để ngủ nhờ xưởng sản xuất tranh.
Thời gian đầu không kiếm được việc, lang thang khắp con phố Hà Nội “nhìn như người ngoài hành tinh”.
Họ hàng khuyên can tôi nên về quê làm nghề gì đó chứ ở trên này khó xin việc nhưng tôi không nghe! Vất vả như vậy nhưng chưa bao giờ tôi bỏ cuộc vì tôi quyết tâm theo nghề đã chọn” - anh Tùng nhớ lại.
Cơ hội thay đổi cuộc đời đến với Tùng khi một vị khách nước ngoài thường xuyên đến quán quý mến và ngỏ lời muốn anh sang Nga học và làm việc vẽ móng nghệ thuật.
“Bà ấy là quản lý của một trung tâm đào tạo làm đẹp bên Nga. Thấy tôi làm tốt lại chăm chỉ nên nói sẽ lo toàn bộ giấy tờ cho tôi sang đó đào tạo một thời gian” - anh Tùng nói.
Tuy nhiên, lời đề nghị này lập tức bị gia đình, bạn bè phản đối cho rằng là “lừa đảo”, “làm gì có người tốt như vậy”.
Anh nhớ lại: “Lúc đó không ai tin tôi có thể sang Nga mà không mất bất kỳ chi phí nào”.
Không để bố mẹ lo lắng, Tùng âm thầm xin giấy tờ làm visa và 3 ngày trước khi sang Nga, Tùng về quê thông báo.
“Lúc tôi nói, bố mẹ giật mình và ngăn cản, mẹ khóc vì sợ tôi gặp nguy hiểm. Bố mẹ bảo ở nhà lấy vợ hoặc mở cửa hàng.
Tôi nói với bố mẹ cứ yên tâm và coi như đây một chuyến du lịch hay tôi đi nghĩa vụ quân sự xa nhà một thời gian. Thấy quyết tâm của tôi, bố mẹ đành gật đầu đồng ý” - Tùng chia sẻ.
Biết rằng sang đó sẽ không dễ dàng nhưng vì đam mê với nghề và luôn có ước mơ mở cửa hàng nails riêng, Tùng quyết định sang Nga.
2 lần mất trộm, suýt bỏ mạng ở Nga
Chàng trai 19 tuổi quyết tâm sang thành phố Chelyabinsk của Nga học làm nails 3 tháng. Thời gian đầu, cuộc sống thực tế bên đất nước lạ lẫm này khiến Tùng không lường trước được.
Tùng trong thời gian ở bên Nga học và làm móng gặp không ít khó khăn.
Sang được 1 tuần, Tùng bị trộm phá cửa lấy vali và số tiền 100 USD mang theo, chỉ còn lại bộ quần áo mặc trên người.
Tùng nhờ mọi người hỗ trợ, xin tạm ứng ở công ty để mua quần áo ấm. Nhưng 2 tuần sau đó, Tùng lại bị trộm hỏi thăm lần nữa lấy sạch toàn bộ đồ.
Có lần, Tùng còn bị cướp dí dao vào cổ đe dọa lấy tiền nhưng may mắn anh đánh trả và chạy thoát.
Anh bảo: “Lúc ấy chán, chỉ nghĩ làm thế nào đi khỏi đất này. Nhưng tôi nghĩ nếu bỏ cuộc thì trở về Việt Nam sẽ như thế nào”.
Vì vậy, chàng trai này mang đồ đạc lên công ty để tránh mất trộm lần nữa. Cố gắng không ngừng, chăm chỉ học, làm cả đêm, Tùng dành dụm tiền mua sách tiếng Nga tự học để giao tiếp tốt hơn với người bản xứ.
Với tinh thần cầu thị, từ nhân viên học việc, sau một thời gian Tùng được lãnh đạo trung tâm tin tưởng giao phó trọng trách làm thu ngân, quản lý…
Tốt nghiệp trung tâm, nhận được chứng chỉ, Tùng xin ở lại làm học hỏi, làm thêm dành dụm với ước mơ ngày nào đó trở về Việt Nam mở cửa hàng làm nails riêng cho mình.
Chứng chỉ mà Tùng được cấp từ một trung tâm đào tạo làm nails ở Nga.
Nguyễn Văn Tùng (giữa) khi còn ở bên Nga.
6 năm làm việc bên Nga, hàng tháng Tùng vẫn gửi 1000 USD về Việt Nam. Để gia đình yên tâm, thứ 5 hàng tuần Tùng đều gọi điện về cho mẹ.
“Những chuyện xảy ra bên này tôi không dám kể với mẹ vì sợ mẹ lo. Lần nào gọi điện qua webcam, mẹ đều khóc và hỏi bao giờ về.
Ngày trở về xuống sân bay, bố mẹ ôm chầm lấy tôi khóc. Mẹ kể, suốt một tuần trước ngày tôi về Việt Nam mẹ mất ăn mất ngủ lo cho tôi” - Tùng kể lại.
Quán Star Nails của Tùng ngày càng đông khách.
Năm 2014, Tùng mở cửa hàng và tự đi phát tờ rơi quảng cáo cho quán, anh đã nhận không ít học viên học Nails anh dạy và đào tạo họ đi sang nước ngoài.
Nhiều hôm, 11 giờ đêm Tùng mới ăn tối, có hôm bị tụt huyết áp, tối anh ngủ lại trên ghế sofa trong cửa hàng 10m2... Tuy nhiên, với đam mê của mình, Tùng chưa hài lòng với những gì mình có.
Ông chủ trẻ 8X này tâm sự: “Tôi sẽ tiếp tục theo nghề này vì tôi chưa bao giờ có ý định bỏ. Trong tương lai, tôi muốn mở thêm hai cửa hàng nữa, có thể xa hơn là ước mơ trở thành quản lý mở công ty đào tạo thợ làm nails ra nước ngoài”.