Cầu Vĩnh Tuy thành “thác” khi mưa to: Bình thường hay bất thường?

Gia Bảo |

Những ngày mưa lớn, nước từ trên cầu Vĩnh Tuy chảy ồ ạt như “thác” qua khe hở giữa cầu khiến người dân đứng trú mưa dưới gầm cầu ướt nhẹp.

Gần đây, dư luận xôn xao khi một cư dân mạng có nickname Nguyen Minh Tue chia sẻ trên các diễn đàn hình ảnh cầu Vĩnh Tuy (Hà Nội) với chú thích: “Mưa to quá ngập hết đường rồi. Có bạn nào đang ngắm thác Vĩnh Tuy không ạ?”.

Kèm theo lời chú thích trên là hình ảnh nước từ trên cầu Vĩnh Tuy chảy ồ ạt như “thác” xuống đường khiến người dân ướt nhẹp nếu đứng dưới gầm cầu trú mưa.

Cầu Vĩnh Tuy không chỉ là cây cầu rộng nhất Việt Nam, mà còn dành các kỷ lục khác như: Cây cầu hiện đại vào bậc nhất Việt Nam, cây cầu có kết cấu chuỗi nhịp chính vượt sông lớn nhất (8 nhịp liên tục), cầu dẫn bằng bê tông và bê tông cốt thép dự ứng lực dài nhất...

Do vậy, những chia sẻ của cư dân mạng khiến người ta không khỏi nghi ngại về chất lượng của cây cầu, nhất là khi đây không phải lần đầu cầu Vĩnh Tuy “gặp chuyện”.

Thủ phạm là xe quá tải?

Trao đổi với PV, TS. Phạm Sỹ Liêm - Phó Chủ tịch Tổng hội Xây dựng Việt Nam (nguyên Thứ trưởng thường trực Bộ Xây dựng) cho biết, mặt cầu gồm nhiều mảng lắp ghép lại, có những khe co giãn.

Trời nóng lên bao giờ bê tông cũng giãn ra, lạnh thì co lại nên nước mưa có thể thấm qua chỗ đó chảy xuống.

“Nước mưa ở trên cầu cũng phải thoát đi chứ, vấn đề là nó chảy vào đâu. Thông thường sẽ có các lỗ thoát, nếu nước chảy đúng vào các lỗ đó thì là chuyện thường.

Tuy nhiên, các lỗ thoát nước phải ở vị trí bệ cầu chứ không thể giữa cầu được. Nếu ở giữa cầu có nước chảy xuống tức là nước thoát qua các khe người ta lắp dầm cầu này với dầm cầu kia.

Vô lý ở chỗ mặt cầu bao giờ cũng phải được đổ liền lại. Thế nên cái đó chứng tỏ mặt cầu bị nứt, nước thấm qua khe nứt đó chảy xuống", TS. Liêm nói.


Cầu Vĩnh Tuy những ngày trời mưa to, nước trên cầu chảy xuống như thác (Ảnh: Facebook)

Cầu Vĩnh Tuy những ngày trời mưa to, nước trên cầu chảy xuống như thác (Ảnh: Facebook)

Nói về mặt cầu nứt như vậy có nguy hiểm không, ông Liêm cho rằng, phải xem kết cấu chịu lực – dầm của cầu có bị nứt không. Nếu dầm cầu không nứt mà nước thấm qua tức là mặt cầu bị nứt.

Về nguyên nhân khiến mặt cầu bị nứt, ông Liêm cho rằng có thể do thời tiết. Tuy nhiên, theo chuyên gia này, thời tiết dù có khắc nghiệt tới đâu cũng “không đến nỗi co giãn gây nứt” như vậy được.

Từ quan điểm trên, TS. Phạm Sỹ Liêm suy luận: Có thể là do chất lượng thi công kém hoặc rất có thể xe quá tải chính là “thủ phạm” gây ra hiện tượng trên.

Nếu đúng là do xe quá tải thì không những mặt cầu mà thậm chí kết cấu chịu lực cũng có thể bị ảnh hưởng.

“Hiện tượng này là bình thường”

Đối lập hoàn toàn với quan điểm của TS. Phạm Sỹ Liêm, ThS. Vũ Đình Hiền - Phó Trưởng Bộ môn Đường bộ (Trường Đại học Giao thông Vận tải Hà Nội) cho rằng, trên cầu có nhiều nhịp, giữa các nhịp có khe nối, có thể nước qua các khe đó chảy xuống.

Theo ông Hiền, hiện tượng này là bình thường, đó là các khe co giãn trên cầu, người ta đều có tổ chức thoát nước nên không ảnh hưởng gì tới chất lượng cầu.


Khe hở trên cầu Vĩnh Tuy. Ảnh: Facebook

Khe hở trên cầu Vĩnh Tuy. Ảnh: Facebook

Trao đổi về vấn đề này, Phó Giám đốc Sở Giao thông Vận tải Hà Nội Nguyễn Xuân Tân cho rằng: Tất cả những hoạt động về mặt kỹ thuật đối với việc xây cầu không thể giải thích cho toàn dân thiên hạ biết.

Tất tần tật người dân ai cũng muốn hỏi về thiết kế, tiêu chuẩn kỹ thuật thì tôi chịu. Cái đó không phải phổ biến cho tất cả mọi người. Dân muốn hiểu thì phải học, vào đại học giao thông học 5 năm quay ra mới trả lời được” – ông Tân nói.

Cầu Vĩnh Tuy là công trình kỷ niệm 1.000 năm Thăng Long - Hà Nội.

Cầu do Ban quản lý Dự án Tả Ngạn (thuộc Ủy ban Nhân dân thành phố Hà Nội) làm chủ đầu tư xây dựng.

Cầu được hoàn thành vào tháng 9/2009 và được đưa vào sử dụng năm 2010. Ngay khi được đưa vào sử dụng, cầu Vĩnh Tuy được bàn giao cho Sở Giao thông Vận tải Hà Nội quản lý.

Cầu có tổng chiều dài toàn tuyến là 5.830m, trong đó phần cầu chính vượt sông dài 3.778 m. Cầu được kết cấu bằng bê tông cốt thép dự ứng lực.

Quy mô mặt cắt ngang rộng 19,25 m. Mặt cắt ngang của các tuyến đường chính hai đầu cầu rộng 60 m (đây cũng là khổ cầu bê tông lớn nhất hiện nay tại Việt Nam).

 

 

Đường dây nóng: 0943 113 999

Soha
Báo lỗi cho Soha

*Vui lòng nhập đủ thông tin email hoặc số điện thoại