Cao tốc hai làn xe: Tranh luận trái chiều

Bàn về thắc mắc “Đường cao tốc sao chỉ có hai làn xe?”, nhà đầu tư nói đầu tư đường bốn làn sẽ không hiệu quả, còn các chuyên gia lại có ý kiến trái ngược nhau.

Ông Dương Tuấn Minh (tổng giám đốc Tổng công ty đầu tư phát triển và quản lý hạ tầng giao thông Cửu Long - viết tắt Tổng công ty Cửu Long - chủ đầu tư dự án đường cao tốc Trung Lương - Cần Thơ):

Tính toán hiệu quả đầu tư

Tháng 2-2014 Bộ Giao thông vận tải (GTVT) giao Tổng công ty Cửu Long tính toán, đầu tư xây dựng đường cao tốc có quy mô đầu tư thích hợp với nguồn vốn và thực tế số lượng xe sử dụng đường cao tốc.

Theo đó, đơn vị đã xem xét đầu tư xây dựng đường cao tốc Trung Lương - Mỹ Thuận (Tiền Giang) giai đoạn 1 làm trước hai làn xe.

Sở dĩ có tính toán đường cao tốc hai làn xe là do qua đánh giá sau hơn bốn năm đưa vào sử dụng đường cao tốc TP.HCM - Trung Lương cho bốn làn xe lưu thông thì bình quân có 25.000 ôtô lưu thông/ngày đêm, trong khi công suất thiết kế 47.000 ôtô/ngày đêm. Như vậy số lượng xe lưu thông trên đường này mới đạt 60% công suất thiết kế.

Do đó, nếu làm đường cao tốc Trung Lương - Mỹ Thuận cho bốn làn xe sẽ không hiệu quả vì vốn đầu tư quá lớn (dự kiến khoảng 28.000 tỉ đồng).

Quy mô đầu tư hai làn xe là phù hợp vì tổng mức đầu tư khoảng 13.500 tỉ đồng, nếu thực hiện theo hình thức BOT (đầu tư, kinh doanh và chuyển giao), trong đó có tính lãi vay thì tổng mức đầu tư khoảng 15.000 tỉ đồng.

Một số nước lân cận như Philippines cũng có đoạn đường cao tốc chỉ với hai làn xe lưu thông.

Đường cao tốc hai làn xe Trung Lương - Mỹ Thuận có chiều rộng mặt đường 13,5m, trong đó mỗi chiều xe lưu thông gồm một làn rộng 3,75m cho xe chạy với vận tốc 80 km/g và một làn nhỏ bên cạnh rộng 2,75m (xe chạy tốc độ 40 km/g) và có dải phân cách ở giữa cho chiều xe ngược lại. Toàn bộ các điểm giao cắt trên đường cao tốc đều được xây dựng cầu vượt.

Hiện nay lượng xe lưu thông trên quốc lộ 1 đoạn TP.HCM - Cần Thơ ngày càng đông nên rất cấp thiết đẩy nhanh xây dựng tuyến đường cao tốc hai làn xe này.

Ông Trịnh Văn Chính (trưởng bộ môn quy hoạch giao thông - Trường ĐH Giao thông vận tải TP.HCM):

Đừng làm đường không đúng chuẩn

Theo quy định về tiêu chuẩn kỹ thuật đường cao tốc VN - đây là chuẩn quốc gia, tối thiểu trên mỗi chiều giao thông phải có hai làn xe chính và một làn dừng khẩn cấp.

Như vậy, việc xây dựng đường cao tốc đoạn ở Lào Cai mỗi chiều chỉ có một làn xe chính và đường cao tốc Trung Lương - Cần Thơ (sắp xây dựng) mỗi chiều chỉ có một làn xe chính là không đúng tiêu chuẩn kỹ thuật quốc gia.

Theo tôi, đã là tiêu chuẩn quốc gia thì không thể mỗi đơn vị làm một khác.

Trường hợp các cơ quan đơn vị muốn làm đường cao tốc không đủ tiêu chuẩn trên thì phải điều chỉnh quy chuẩn kỹ thuật đường cao tốc.

Mặt khác, việc xây dựng đường cao tốc mỗi chiều chỉ có một làn xe là không đảm bảo giao thông và nguy cơ tai nạn cao.

Do đó, nếu chưa có đủ vốn thì không nên làm đường cao tốc có một làn xe ở mỗi chiều giao thông. Cần phải huy động đủ nguồn vốn rồi mới thi công xây dựng đường cao tốc đúng tiêu chuẩn, còn nếu cố xây dựng không đúng tiêu chuẩn đường sẽ rất nguy hiểm.

* PGS.TS Nguyễn Quang Toản (nguyên chủ nhiệm bộ môn đường bộ - Đại học Giao thông vận tải):

Quan trọng là tổ chức giao thông tốt

Nếu chúng ta đặt ra yêu cầu làm hoàn chỉnh những đoạn cao tốc có lưu lượng giao thông ít thì nhà đầu tư, ngân sách không chịu được, dân cũng không chịu được phí cao.

Cách làm có lợi cho Bộ GTVT và tương lai là nếu đã có quy hoạch đường cao tốc thì hãy thiết kế một con đường đúng tiêu chuẩn đường cao tốc theo quy hoạch. Việc này sẽ giải quyết được về hướng tuyến, mặt bằng dự trữ. Trong quá trình thực hiện thì căn cứ nguồn tiền và nhu cầu đến đâu thì làm đến mức độ đó.

Nếu thiết kế là cao tốc bốn làn, rộng 28m thì khi chưa đủ tiền có thể làm rộng 12m tương đương đường cấp 3, giải phóng mặt bằng dự trữ để làm nửa còn lại trong tương lai.

Nếu không gọi cao tốc hai làn xe thì có vấn đề lấn cấn cho Bộ GTVT. Bởi vì tên gọi cao tốc với đường cao tốc Nội Bài - Lào Cai là để thực thi cho một số điều luật. Nếu không định nghĩa là đường cao tốc thì đương nhiên xe máy được chạy vào và các đường khác sẽ được giao cắt cùng mức với tuyến đường này.

Khái niệm cao tốc hai làn xe đang chưa rõ nhưng nhiều nước cũng bắt buộc làm như vậy vì không thể đầu tư một lúc đạt chuẩn cả hệ thống đường. Vì vậy khi tổ chức giao thông phải hết sức linh hoạt.

Tên là đường cao tốc nhưng chưa đạt chuẩn đường cao tốc thì khi khai thác phải bớt đi một số tiêu chuẩn của đường cao tốc như giảm tốc độ chạy xe ở làn chạy xe chỉ 80 km/g hoặc có thể chạy được ở làn dừng xe khẩn cấp thay vì chỉ được dừng đỗ ở làn này.

Với đoạn đường hai làn xe ở cao tốc Nội Bài - Lào Cai thì làn chạy xe rộng 3,5m, làn khẩn cấp 2,5m. Như vậy mỗi chiều đường rộng 6m, rộng hơn quốc lộ bình thường đang cho chạy tối đa 80 km/g.

Nhưng lo ngại mất an toàn khi lái xe không tuân thủ tốc độ và lấn làn khi không có dải phân cách cứng cũng đáng lưu ý.

Nếu bố trí dải phân cách thì mỗi chiều đường còn 5,5m kể cả làn khẩn cấp cũng chạy xe được. Có điều chạy xe không được thoải mái, mỗi lần vượt phải xin và xe trước phải né qua làn khẩn cấp và dừng lại để xe sau vượt.

Nếu khu vực đó không được tạt sang làn dừng xe khẩn cấp do vạch kẻ liền thì xảy ra trường hợp xe tải chạy 40 km/g, xe con lẽo đẽo theo sau.

Vì vậy, để đảm bảo năng lực lưu thông khi quy định tốc độ tối thiểu theo tiêu chuẩn đường cao tốc thì cần điều chỉnh làn dừng khẩn cấp không còn đóng vai trò là làn dừng khẩn cấp nữa, xe được đi vào.

Trong quá trình khai thác, nếu thấy lái xe không tuân thủ quy định trên đường được chạy 80 km/g không có dải phân cách cứng ở giữa mà xảy ra nhiều tai nạn thì giảm tốc độ xuống 60 km/g cũng là bình thường.

Cái xấu là đem nhiều vụ tai nạn để thử nghiệm. Nhưng các nước nghèo thường phải chịu điều này, châu Âu ngày trước cũng thế.

 

Đường dây nóng: 0943 113 999

Soha
Báo lỗi cho Soha

*Vui lòng nhập đủ thông tin email hoặc số điện thoại