Cận cảnh săn loài thuồng luồng biển có những cú đớp kinh hồn

Sở dĩ gọi cá chình biển là “thuồng luồng” bởi hình dáng giống loại rắn biển. Chình biển cực kỳ khỏe, sống dai lại sở hữu hàm răng sắc nhọn với những cú đớp kinh hồn.

Bắt đầu từ tháng 5 (âm lịch), khi làn nước biển gần bờ lắng bớt lớp phù sa đục ngầu, trở nên xanh trong, có thể nhìn tận đáy cát là lúc ngư dân vùng biển bãi ngang huyện Triệu Phong (Quảng Trị) chuẩn bị dụng cụ cho mùa săn cá chình biển. Ngư dân vùng biển bãi ngang trải qua bao đời luôn ví loài chình biển là “thuồng luồng” bởi hình thù quái dị cũng như tập tính phàm ăn của loài cá này. Để tận mắt chứng kiến công việc săn “thuồng luồng” biển, suốt một ngày tôi phải theo những ngư dân xã Triệu An lặn ngụp tìm dấu vết “thuồng luồng”.

Hai đứa con anh Trần Văn Hải kéo những con “thuồng luồng” biển mà anh Hải vừa săn được

Từ tờ mờ sáng, anh Trần Văn Hải ở thôn Hà Tây (Triệu An, Triệu Phong) đã gọi điện thoại giục tôi có mặt tại nhà anh gấp để xuống biển săn “thuồng luồng” biển. Dụng cụ để săn “thuồng luồng” biển đơn giản chỉ là đoạn tre có chiều dài khoảng 1,7 m (to cỡ cổ tay người lớn) với một đầu đoạn tre được gia cố thêm 3 đoạn thép mài nhọn, có ngạnh mà người săn “thuồng luồng” thường gọi là cây “xỉa” cùng chiếc kính đeo mắt tự chế để có thể nhìn thấy mọi vật khi lặn xuống biển. Tôi cùng anh Hải xuống đến bờ cũng là lúc mặt trời đỏ lừ từ từ nhô lên khỏi mặt biển. Anh Hải bảo tôi ngồi nghỉ vài phút cho bớt mệt sau đoạn đường băng qua mấy đồi cát trắng và cũng để chờ thêm hai người bạn anh trước khi xuống biển săn “thuồng luồng”.

“Chú biết vì sao không chỉ riêng ngư dân vùng biển bãi ngang tỉnh Quảng Trị mà ở nhiều tỉnh miền Trung thường gọi cá chình biển là “thuồng luồng” không? Sở dĩ gọi cá chình biển là “thuồng luồng” bởi hình dáng giống loại rắn biển nhưng không có vảy. Chình biển có vây rộng, bơi lội uyển chuyển, cực kỳ khỏe, sống dai lại sở hữu hàm răng sắc nhọn với những cú đớp kinh hồn.

Cá chình biển có 3 loại thường gặp, đó là chình dừa (trên thân có màu xanh vàng như màu của trái dừa), chình bông (có màu trắng điểm những chấm màu lam đen) và chình nghệ (có màu vàng xen lẫn vài chấm đen). Cá chình biển khi trưởng thành thường sống trong các hang, ghềnh đá, có con dài 1-2 m, nặng 5-7 kg.

Cách đây mấy năm, do cuộc sống gia đình nghèo khó, tôi phải lang bạt vào tận tỉnh Bình Thuận đi biển kiếm sống, nhiều hôm ngồi uống rượu với các bậc cao niên ở đây, nhắc đến cá chình biển họ đều kể về những huyền tích xung quanh loại cá được mệnh danh là “thuồng luồng” này. Theo lời họ kể thì loài “thuồng luồng” biển thường gây bao tai ương cho người đi biển như làm đắm ghe, quật, đớp chết người...

Nhưng huyền tích cũng chỉ là huyền tích, chứ bây giờ có nhiều người đánh bắt chình biển lắm bởi thịt loài cá này thơm ngon. Cũng trong thời gian đi biển ấy, có mấy lần tôi theo ngư dân ở đây đi câu chình. Họ câu bằng cách dùng mồi cá tươi, chà lên ghềnh đá gần nước để tạo mùi tanh dụ chình biển. Khi chình ra khỏi hang thì thả mồi, cá chình sẽ ăn ngay. Lúc ấy, giật mạnh lưỡi câu rồi ghì, kéo cá chình lên khỏi mặt nước. Khi đầu cá chình vừa nhô lên thì dùng lưỡi khấu (móc thép có ngạnh, cán gỗ) móc vào mang rồi kéo mạnh sau đó dùng dùi cui đập đầu cá chình cho chết” - Anh Hải giải thích cặn kẽ cho tôi hiểu như vậy khi thấy tôi cứ băn khoăn sao không gọi là cá chình biển mà phải gọi thêm tên “thuồng luồng” biển.

Anh Trần Văn Hải và Bùi Văn Thêm bên những con “thuồng luồng” biển vừa săn được

Vài phút sau đã thấy anh Trần Văn Lộc, Bùi Văn Thêm (bạn anh Hải) lỉnh kỉnh dụng cụ săn “thuồng luồng” biển trên vai đi xuống. Nghe tôi và anh Hải sôi nổi bàn tán chuyện câu “thuồng luồng” biển ở tận tỉnh Bình Thuận, anh Lộc cười rồi cho tôi biết: “Cá chình ở vùng biển xã Triệu An không có kích thước “khủng” như cá chình biển sống trong hang hốc, ghềnh đá của vùng biển tỉnh Bình Thuận, Khánh Hòa, Phú Yên.

Con “thuồng luồng” biển lớn nhất mà tôi từng săn được cách đây vài năm cũng chỉ dài khoảng 1,5 m, nặng gần 2 kg và chủ yếu là loại chình nghệ. Mùa săn “thuồng luồng” biển thường bắt đầu từ tháng 5 kéo dài đến cuối tháng 7 (âm lịch), khi nước biển gần bờ lắng hết phù sa đục ngầu trở nên trong xanh cũng là lúc những con chình biển tìm vào gần bờ nằm vùi mình dưới cát rình bắt cá, tôm. Lúc đó, những người săn chình biển như bọn tôi chỉ việc lội ra làn nước biển sâu khoảng 1,5 – 1,7 m, sau đó mang kính tự chế vào rồi lội dọc theo bờ tìm chình biển”.

Theo sự phân công của anh Hải, tôi được trang bị một cây “xỉa”, kính tự chế đeo mắt theo anh Thêm từ từ lội ra biển. Ra đến làn nước mà theo kinh nghiệm của anh Thêm là nơi có nhiều “thuồng luồng” biển đang vùi mình dưới cát đón bắt mồi, anh bảo tôi lội cách anh khoảng 2 - 3 m để tránh đi đông người khiến lũ chình biển thấy động bơi đi nơi khác. Lặn ngụp, lần tìm theo chỉ dẫn tận tình của anh Thêm, khoảng 30 phút sau thì tôi cũng phát hiện được một con “thuồng luồng” vùi mình trong cát, chỉ có cái đầu nhô lên, cứ lắc lư theo từng đợt sóng vỗ vào bờ.

Tôi nhẹ nhàng đến gần rồi từ từ đưa cây “xỉa” đến gần đầu con “thuồng luồng” biển sau đó đâm mạnh. Bị cú đâm chí mạng, con “thuồng luồng” biển đau đớn quẫy cả thân hình ra khỏi đáy cát rồi quật mạnh đuôi vào thân cây “xỉa” mà tôi đang cầm trên tay. Hoảng quá, tôi vội gọi anh Thêm đến giúp. Anh Thêm bảo tôi cố giữ chặt cây “xỉa” ghì đầu con chình biển xuống đáy cát, đừng để nó thoát ra. Anh vội vàng lội đến chỗ tôi rồi lặn xuống, tay phải nắm chặt đầu con “thuồng luồng” biển, tay trái nắm lấy đoạn giữa cây “xỉa” sau đó ngoi lên và nhanh chóng vào bờ. Lần đầu tiên đối mặt với “thuồng luồng” biển, tôi mới thấy hết sức mạnh của nó. Dù bị anh Thêm mang lên bờ với cái đầu còn găm chặt vào cây “xỉa”, con “thuồng luồng” vẫn cố rướn mình trườn về phía biển.

Con “thuồng luồng” biển bị đưa lên khỏi mặt nước vẫn còn rướn mình quẫy mạnh

Cứ vừa di chuyển, vừa lặn ngụp dọc bờ biển để săn “thuồng luồng” cho đến giữa trưa thì nước biển bắt đầu chảy mạnh, anh Hải gọi tôi cùng anh Thêm, anh Lộc vào bờ. Theo các anh, khi nước biển chảy mạnh sẽ làm trôi lớp cát phủ trên thân mình “thuồng luồng” biển nên nó sẽ bơi ra biển chứ không còn nằm vùi mình bắt mồi nữa. Kết quả buổi sáng nhóm anh Hải săn được 10 con “thuồng luồng” biển có chiều dài 1-1,2 m, nặng từ 1-1,5 kg. Anh Hải phấn khởi: “Cá chình biển hiện tại có giá 60-70 nghìn đồng, vậy là sáng nay anh em tôi kiếm được khoảng 6-7 trăm nghìn đồng rồi đó. Săn “thuồng luồng” biển ngoài kiếm thêm thu nhập cho gia đình cũng là thú vui của ngư dân chúng tôi đó chú. Nên cả năm, chúng tôi cứ hồi hộp chờ đến mùa này để đi săn”.

Buổi chiều tại nhà anh Hải, một bếp than hồng được đặt giữa sân. Từng khúc “thuồng luồng” biển được chị vợ anh Hải khéo léo chặt dài khoảng gang tay sau đó tẩm ướp gia vị kèm sả băm nhỏ cho lên bếp than hồng, chỉ một lúc sau không gian đã thơm nồng mùi cá chình nướng. Chén rượu kèm hương vị béo ngọt của khúc chình nướng cùng câu chuyện về loài “thuồng luồng” biển như mê đắm lòng tôi, như níu giữ hồn tôi ở mãi với người dân miệt biển.

>> Xem thêm clip: Bắt "thủy quái" giống rồng dài 4,2 mét (Nguồn: Youtube)

Clip bắt "thủy quái" giống rồng dài 4,2 mét

Xem toàn bộ VIDEO HOT trên SOHA

 

Đường dây nóng: 0943 113 999

Soha
Báo lỗi cho Soha

*Vui lòng nhập đủ thông tin email hoặc số điện thoại