Nhắc tới làng Thủy Trầm (xã Tuy Lộc, Cẩm Khê, Phú Thọ), người dân khắp mọi miền của mảnh đất hình chữ S lại nhắc tới cái nôi sản xuất "siêu xe" cho ông Táo chầu trời ngày 23 tháng Chạp.
"Siêu xe" ở đây chính là hình ảnh những chú cá chép đỏ đang vào vụ thu hoạch. Đây là phương tiện để ông Táo về chầu trời theo quan niệm dân gian.
Những ngày này, tới với làng Thủy Trầm, cảnh đường sá nhớp nháp bởi những bánh xe ngày đêm chuyển bánh để giao dịch "siêu xe", người nào cũng ướt nhẻm, bàn tay lấm bùn sau những giờ ngâm mình dưới nước kéo cá... là hình ảnh rất dễ bắt gặp.
Hết năm này tới tháng khác, bằng cách nuôi đẻ, làng Thủy Trầm đã tự sản xuất cá giống và duy trì được nguồn cung cho thị trường cả nước. Nguồn giống luôn được cải thiện hàng năm để tăng cường chất lượng cá.
Tất cả diện tích đất và ruộng ở làng Thủy Trầm được ưu tiên làm ao nuôi thả cá chép đỏ để đảm bảo phương tiện đầy đủ cho ông Táo chầu trời dịp cuối năm.
Với 6 sào diện tích ao, năm nay gia đình ông Bùi Văn Khỏa (75 tuổi) cũng cho thu hoạch được hơn 70kg cá chép đỏ với giá thị trường là 100 nghìn đồng/kg.
"Thu hoạch của gia đình cao hơn năm trước" - ông Thỏa cười lớn khi trên tay vẫn cầm chú cá chép đỏ mà ông tâm đắc.
Khi nhắc tới thu nhập do cá chép đỏ mang về cho gia đình mình, anh Hà Văn Phương nói: "Hiện tại, chúng tôi vừa nuôi vừa làm dịch vụ. Thu nhập cao phải nhắc tới những lái buôn mang cá ra thị trường bán.
Có người lấy ở gia đình tôi 10kg cá chép đỏ với giá 1 triệu đồng nhưng khi bán, chỉ tính riêng tiền lãi là được 3 triệu đồng".
Dưới đây là một số hình ảnh được PV ghi lại tại đây:
Từ 17/12 (Âm lịch), những giao dịch buôn bán cá chép đỏ tại làng bắt đầu nhộn nhịp.
Năm nay, gia đình ông Kỷ cũng nuôi được khoảng 50 tạ cá chép. Với kinh nghiệm lâu năm nuôi loại cá này, ông Kỷ cho hay: "Nuôi cá chép đỏ khó khăn nhất là ở con giống. Chúng rất nhạy cảm với thời tiết, gió mùa".
Với loại cá chép đuôi dài như thế này có giá thành cao hơn. Ông Nguyễn Gia Soạn cho biết, con cá ông cầm trên tay nặng khoảng 0,5kg và có giá thành 200 nghìn đồng.