Người dân thôn Văn Minh, xã Văn Thủy, huyện Lệ Thủy (Quảng Bình) thường truyền tai nhau câu chuyện về ngôi miếu cổ, về cây sanh hàng trăm năm tuổi như là biểu tượng của làng trong cả chiến tranh và hòa bình.
Ông Đỗ Văn Nghĩa (82 tuổi), một người già trong làng kể lại rằng: “Cách đây gần 100 năm, 7 hộ dân của làng Quy Hậu (xã Liên Thủy) kéo nhau lên mảnh đất này lập nghiệp thì phát hiện ra ngôi miếu có từ bao giờ.
Ngôi miếu được xây bằng mật mía, vôi và dây tơ hồng trộn lẫn với nhau, khi phát hiện ra ngôi miếu người ta còn thấy bên trong có một cái hộp gỗ sơn son thiếp vàng, trong hộp có tờ giấy ghi nhiều chữ nho, những người già cầm lên chưa kịp đọc thì tờ giấy đã vỡ vụn vì năm tháng.
Cũng từ đó người dân coi ngôi miếu như một chứng tích lịch sử và thờ cúng vào ngày rằm, mồng một, lễ tết cho đến ngày nay”.
Cũng khoảng thời gian đó, có một cây sanh mọc trên nóc miếu, trải qua gần 1 thế kỉ, hàng trăm rễ lớn nhỏ của cây sanh đã bám chặt từ nóc xuống chân miếu, bóng cây tỏa rộng tạo nét cổ kính, linh thiêng.
Ông Đỗ Tấn Thùn ( 67 tuổi), hội trưởng hội người cao tuổi thôn Văn Minh, cũng là người giữ chìa khóa cổng vào ngôi miếu cho biết, trong chiến tranh đây là nơi trú ẩn, che giấu bộ đội, tập kết vũ khí và phương tiện chiến đấu.
Ngày 4/7/1945, tại trại sản xuất An Sinh (thôn Văn Minh hiện nay), xã Văn Thuỷ đã diễn ra Hội nghị Tổng bộ Việt Minh. Hội nghị đã thành lập khu căn cứ huấn luyện quân sự, giáo dục chính trị, các tổ, đội tự vệ tập trung.
Từ đây, lực lượng vũ trang đầu tiên của tỉnh Quảng Bình đã ra đời.
Còn đến mùa thi, rất nhiều học sinh trong làng chọn gốc cây sanh làm nơi học bài vì ở đây mát mẻ, không khí trong lành.