Trước đó, Thanh tra Chính phủ thông tin, lương viên chức quản lý (gồm 4 người) của Công ty TNHH MTV Xổ số kiến thiết Tiền Giang bình quân là 60,8 triệu đồng/người/tháng.
Và đưa ra kết luận thu nhập bình quân năm của những cán bộ này 730 triệu đồng/người/năm “là cao bất thường, cần xem xét”.
Giám đốc khẳng định là “bình thường”, “đúng quy trình”
Khẳng định tại buổi họp báo “Thông tin về tình hình kinh tế xã hội năm 2015; định hướng nhiệm vụ năm 2016”, ông Hồ Kinh Kha, Giám đốc Sở Tài chính Tiền Giang cho rằng, thu nhập ấy là “đúng quy trình”.
Ông Kha nói, sau khi rà soát, tất cả các khoản chi lương, thưởng cho viên chức quản lý và nhân viên tại Công ty Xổ số kiến thiết Tiền Giang đều phù hợp với quy định của pháp luật.
Theo hướng dẫn của Bộ LĐ-TB-XH, thì đối với doanh nghiệp nhà nước (DNNN) loại 1, lương tối đa của giám đốc là 27 triệu đồng /tháng, phó giám đốc 23 triệu đồng/tháng và kế toán trưởng là 21 triệu đồng/tháng.
Trong trường hợp doanh nghiệp đạt được các điều kiện bổ sung, chẳng hạn nộp ngân sách đạt và vượt, doanh thu đạt và vượt, đặc biệt là lợi nhuận năm sau cao hơn năm trước thì viên chức quản lý DN đó được hưởng mức lương bằng 1,5 lần mức lương tối đa.
Điều đó “có nghĩa là lương 27 triệu/tháng, thì được hưởng thêm 13,5 triệu đồng nữa, như vậy, lương bình quân là 40,5 triệu đồng đối với giám đốc và viên chức quản lý.
Tuy nhiên, theo ông Kha, ngoài khoản thu nhập như trên, viên chức quản lý doanh nghiệp còn được hưởng quỹ thưởng là 200 triệu đồng/năm; được hưởng thêm ba tháng lương từ quỹ khen thưởng phúc lợi xã hội.
“Như vậy, đối với giám đốc, ngoài tiền lương 40,5 triệu đồng, còn các khoản khác và hưởng thêm phụ cấp trách nhiệm của chủ tịch kiêm giám đốc và các trách nhiệm khác cộng lại.
Thì tổng thu nhập bình quân khoảng 60 triệu đồng/tháng, coi như thu nhập một năm hơn 700 triệu là phù hợp”, ông Kha khẳng định.
Công ty Xổ số kiến thiết Tiền Giang có mức đóng góp ngân sách năm 2015 là 1.300 tỷ đồng. Một nguồn đóng góp không nhỏ.
Công ty xổ số kiến thiết Tiền Giang. Ảnh: Sơn Hà/Trí Thức Trẻ.
Cán bộ được quá nhiều từ người bán vé số dạo
Mức thu nhập khủng như trên của cán bộ xổ số Tiền Giang nằm trong quy định thu nhập của cán bộ thuộc các doanh nghiệp nhà nước có thu.
Tuy nhiên, các khoản phúc lợi của những cán bộ này, đều được đẩy lên mức “kịch trần” nhất của quy định đó.
Nhưng đó không phải là vấn đề. Vấn đề chính là: Lợi nhuận đến từ đâu để mức thu nhập “kịch trần” ấy trở thành hợp lý.
Lợi nhuận chắc chắn đến từ những tờ vé số được bán ra. Và ai là người bán? Là những người nghèo, người tàn tật hàng ngày bán dạo trên đường, những trẻ em cơ nhỡ.
Những người mà chúng ta thấy quá nhiều trên mỗi con đường, mỗi giờ giấc bất kể ngày hay đêm, hay sáng sớm.
Thu nhập của họ cũng tỷ lệ thuận với lợi nhuận của ngành này.
Cũng tại buổi họp báo, ông Kha viện dẫn về thu nhập của người bán vé số, để lý giải cho mức thu nhập khủng của cán bộ ngành này, ở địa phương này.
Ông Kha cho rằng trẻ em vừa đi học vừa đi bán vé số vẫn có thể bán 100 - 200 tờ/ngày, lãi 100.000 - 200.000 đồng.
Ông còn dẫn chứng, có người tàn tật đi xe lăn, có thể bán 3.000 tờ/ngày (tức lãi 3,3 triệu đồng/ngày, cả trăm triệu đồng/tháng - PV).
Nếu như ông viện dẫn, thì những người đi bán vé số, với thu nhập ấy, không thể là những người nghèo khổ.
Và tình thương mà người đời dành cho họ để mua những tờ vé số mang tính ủng hộ là chính ấy, đang bị đặt nhầm chỗ.
Nhất là, tình thương ấy đã góp phần mang lại thu nhập khủng cho những cán bộ như ông Kha và vợ ông, bà Nguyễn Thị Nhãn, hiện đang là Phó Giám đốc Công ty xổ số của tỉnh này.
(Trước khi lên làm Giám đốc Sở Tài Chính Tiền Giang, ông Kha là Giám đốc công ty xổ số Tiền Giang).
Và “tình thương” ấy, đã mang đến cho vợ chồng ông Kha cùng 2 cán bộ nữa “đi Mỹ học tập kinh nghiệm”, để rồi học xong về nước thì tuổi hưu đã đến.
Một người tàn tật bán vé số dạo. Ảnh: Zing.vn.
Người nghèo lãnh đủ từ câu nói của ông Giám đốc?
Dạo qua một vòng vé số phía Nam sau sự kiện ông Kha phát ngôn về mức thu nhập khủng, chúng tôi nhận thấy một không khí lạnh nhạt của khách, đối với những người bán vé số.
Rất nhiều người bán vé số cho biết: Nếu thu nhập của họ hàng trăm triệu, thì họ đã kiếm nghề khác làm hơn là cứ đi lang thang như thế.
Ông Nguyễn Văn Tuấn, bán vé số dạo tại Tp.HCM cho biết: "Bây giờ người bán vé số đông hơn hồi xưa nên mỗi ngày tui bán cỡ 200-300 vé là khá rồi.
Có bữa bị ế không trả kịp, phải ôm mười lăm, hai chục tờ cầu may mà may mắn đâu thấy tới."
Bà Lê Thị Liễu cũng hành nghề bán vé số dạo cho biết bữa nào mà bệnh thấp khớp của bà tái phát thì coi như không có thu nhập vì đi bán không nổi.
"Mấy mối quen thì ai cũng nghèo nên tui sẵn sàng bán chịu rồi họ trả sau. Lâu lâu mới có khách sộp mua vài chục tờ một lúc nhưng hiếm lắm."- bà Liễu nói.
Khi được nghe nói về những người có khả năng bán 3.000 tờ vé số/ngày thì cả ông Tuấn và bà Liễu đều cười.
Ông Tuấn cho hay những người bán vé số được như vậy là rất rất hiếm và không phải ngày nào cũng bán được như vậy.
Có lần ông Tuấn bán được gần 500 vé khi đi gom các đại lý cho một thủy thủ mới về chỉ thích số đuôi 57 đài Tp.HCM nhưng lần đó đã cách đây.... 4 năm.