Cán bộ, công chức vi phạm Luật Giao thông: Sẽ không được xét thi đua!

Theo Danviet |

Thông tin trên được Ủy viên Bộ Chính trị, Thường trực Ban Bí thư Lê Hồng Anh đưa ra trong hội nghị ngày 25.3.

Tại Hội nghị toàn quốc Triển khai Chỉ thị 18 về tăng cường sự lãnh đạo của Đảng đối với công tác đảm bảo trật tự an toàn giao thông (TTATGT) đường bộ, đường sắt, đường thủy nội địa và khắc phục ùn tắc giao thông” diễn ra tại Hà Nội sáng qua, Trung tướng Phạm Quý Ngọ - Thứ trưởng Bộ Công an cho biết:

“Sau 8 năm (2003 - 2011) thực hiện Chỉ thị 22, các lực lượng chức năng đã lập biên bản xử lý hơn 45 triệu trường hợp vi phạm TTATGT, thu nộp Kho bạc Nhà nước hơn 10.000 tỷ đồng. Hệ thống cơ sở hạ tầng giao thông ở nhiều địa phương được nâng cấp và cải tạo mới…

Từ đó, tình hình tai nạn giao thông (TNGT) đã được cải thiện đáng kể. So với năm 2002, số vụ TNGT giảm 14.466 vụ (giảm 51,8%), số người chết giảm 1.951 người (14,8%), số người bị thương giảm 20.844 người (67,8%)”. 

Tuy nhiên, cũng theo Trung tướng Ngọ, mặc dù TNGT đã giảm sâu cả 3 tiêu chí nhưng chưa thực sự vững chắc, số người chết và bị thương do TNGT vẫn ở mức cao.

Cán bộ, công chức vi phạm Luật Giao thông: Sẽ không được xét thi đua!
Hình ảnh vi phạm Luật Giao thông này vẫn còn diễn ra nhiều ở các thành phố.

Theo số liệu thống kê của Ủy ban ATGT quốc gia, trong quý I/2013, mặc dù số vụ TNGT và số người bị thương giảm nhưng số người chết lại tăng gần 1%. Đặc biệt, trong 2 tháng đầu năm, số người chết tăng 10% so với cùng kỳ năm ngoái, trong đó, có ngày số chết vì TNGT lên đến 53 người (bình thường 25 người/ngày). 

Ban Chấp hành Trung ương đánh giá: “Tình hình vi phạm TTATGT còn diễn ra phức tạp, TNGT vẫn ở mức cao và nghiêm trọng và đang là vấn đề bức xúc của toàn xã hội”.

Trước thực trạng này, một số thành phố lớn như Hà Nội, TP. Hồ Chí Minh, Đà Nẵng, Cần Thơ… đề xuất triển khai các giải pháp tổ chức giao thông mang tính tổng thể như tăng cường năng lực lưu thông trên các tuyến đường kết hợp xử lý xung đột tại nút giao thông; cải tạo lắp đặt hệ thống camera tại các nút giao thông; rà soát các “điểm đen” có nguy cơ gây tai nạn giao thông để có giải pháp xử lý phù hợp...

Để kiềm chế ùn tắc giao thông và vi phạm an toàn giao thông, ông Nguyễn Công Soái - Phó Bí thư Thành ủy Hà Nội kiến nghị: “Tăng mức xử phạt đối với một số hành vi vi phạm ATGT và trật tự đô thị, là nguyên nhân trực tiếp gây ra TNGT và ùn tắc giao thông tại các thành phố lớn”.

Phát biểu chỉ đạo hội nghị, ông Lê Hồng Anh - Ủy viên Bộ Chính trị, Thường trực Ban Bí thư yêu cầu: Cấp ủy chính quyền, lãnh đạo công ty cần tăng cường nhắc nhở tuyên truyền cán bộ, công nhân viên chức về ý thức chấp hành Luật Giao thông, đưa vấn đề này trở thành một trong những tiêu chí đánh giá thi đua, khen thưởng. Thậm chí có thể không xét thi đua đối với những cán bộ, công chức, học sinh vi phạm Luật Giao thông.

 

Đường dây nóng: 0943 113 999

Soha
Báo lỗi cho Soha

*Vui lòng nhập đủ thông tin email hoặc số điện thoại