Như đã thông tin, ông Trần Công Khôi (46 tuổi, ngụ thôn Phú Sơn Tây, xã Hòa Khương, huyện Hòa Vang, TP Đà Nẵng) thả lưới được một con cá rô màu vàng, kích thước lớn gấp 3 cá rô bình thường.
Ông Khôi cho rằng đây là con cá rô quý hiếm nên để lại nuôi trong nhà. Nhiều người dân biết chuyện ông bắt được cá lạ nên tập trung đến xem rất đông.
Đặc biệt, một người ở huyện Đại Lộc (tỉnh Quảng Nam) trả 10 triệu đồng để mua con cá rô vàng nhưng ông Khôi chưa đồng ý bán.
Báo giới trong nước nhận định con cá rô này quý hiếm và kỳ lạ.
Sáng nay (18-2), trao đổi với chúng tôi, Tiến sĩ Võ Châu Tuấn, Trưởng khoa Sinh và Môi trường – Trường Đại học Sư phạm Đà Nẵng cho hay, cá thể cá rô có màu vàng, to hơn cá rô bình thường không có gì là ghê gớm.
Đây là hiện tượng sinh học bình thường trong tự nhiên và cũng có xuất hiện ở nhiều loài cá khác.
Theo ông Tuấn, bản thân ông có theo dõi thông tin về chú cá rô vàng do một người dân sinh sống ở xã Hòa Khương (huyện Hòa Vang, TP Đà Nẵng) đánh bắt được.
“Bà con mình thấy cá có màu khác, to lớn hơn loại cá rô thông thường nên cho rằng đó là lạ và quý cũng là điều dễ hiểu. Xác xuất đánh bắt được những cá thể này cũng khá thấp nên gây tò mò với nhiều người.
Có người cho là điều may mắn nên bỏ tiền ra mua để nuôi làm cảnh”, ông nói.
Tiến sĩ Tuấn cho rằng, con cá rô có màu vàng có thể do hai nguyên nhân. Thứ nhất có thể là do đột biến gen. Nguyên nhân thứ hai có thể là do cá thể này thay đổi màu sắc để thích nghi với môi trường sống.
“Vấn đề trọng lượng con cá rô vàng gấp 3 lần cá rô thường cũng có thể giải thích là do cá thể này sống lâu năm trong môi trường”, ông Tuấn nhận định.
Theo vị Trưởng khoa Sinh và Môi trường – Trường Đại học Sư phạm Đà Nẵng, để đánh giá hoàn chỉnh về cá rô vàng mà người dân vừa mới bắt được thì phải có nghiên cứu đầy đủ.
“Nếu nuôi cá rô vàng này một thời gian mà sinh ra cá con thì đó là do đột biến gen và cho ra một dòng cá rô mới.
Ngược lại, nếu nuôi một thời gian trong cùng môi trường với các con cá rô bình thường, màu vàng biến mất mà chuyển về màu đen thì có thể kết luận việc thay đổi màu sắc là để thích nghi với môi trường”, Tiến sĩ Tuấn cho biết.
Cũng theo ông Tuấn, không chỉ riêng cá rô mà ở các loài cá hay các loài động vật cũng có xuất hiện cá thể dị biệt.
“Con người cũng xuất hiện những cá thể dị biệt như vậy. Hoặc là hình thức bên ngoài hoặc là về những bộ phận bên trong cơ thể, ví dụ như chỉ số thông minh.
Đây không phải là hiện tượng gì đó quá ghê gớm mà là hiện tượng sinh học bình thường của quá trình chọn lọc tự nhiên.
Sinh vật trong tự nhiên luôn thay đổi để phù hợp với môi trường sống luôn thay đổi”, ông nói.