Cá chết hàng loạt do nước nhiễm hóa chất

ĐỨC VỊNH |

Ngày 12-2, nhiều người dân làng bè mới gượng dậy nổi sau mấy ngày nằm liệt kể từ khi cá nuôi của họ bỗng nhiên đột ngột chết sạch.

Ngày xuân làng bè hầu như không có cái tết, nhà nào cũng buồn hiu, vắng lặng.

Cá chết sạch trơn, nợ mua thiếu thức ăn 200 triệu đồng không có tiền trả, không còn vốn để nuôi lại, tới đây không biết làm gì để sống nữa” - bà Nguyễn Thị Em (Long Hòa, Phú Tân, An Giang) thở dài não ruột.

Bên kia sông, làng bè thuộc xã Phú Thuận A, Hồng Ngự (Đồng Tháp) cũng chìm trong cảnh đìu hiu. “Mỗi hộ nuôi vài ba bè, cá đều chết sạch, mất trắng hàng trăm triệu đồng, nhiều người ngất lên xỉu xuống.

Trước mắt là cảnh nợ nần ngập đầu nên chẳng ai màng ăn tết nữa” - ông Nguyễn Văn Thành, trưởng trạm thủy sản Hồng Ngự, cho hay.

Trước đó liên tiếp trong ba ngày từ 4 đến 6-2, cá nuôi trong các lồng bè trên sông Cái Vừng giữa Hồng Ngự và Phú Tân bất ngờ chết sạch, gây thiệt hại cho nông dân khoảng 25 tỉ đồng.

Theo báo cáo của Sở NN&PTNT tỉnh An Giang, trên địa bàn huyện Phú Tân có 120 bè với lượng cá các loại bị chết hơn 630 tấn. Còn tại huyện Hồng Ngự, theo trạm thủy sản huyện này, có 54 bè nuôi với lượng cá chết 150 tấn.

Theo người dân, cá chết do nước sông bị nhiễm độc bởi hóa chất.

Tại đoạn sông thuộc xã Long Hòa - nơi đầu tiên xuất hiện cá chết đột ngột, có nhà máy của Công ty CP Toàn Cầu làm gạo xuất khẩu, quá trình sản xuất sử dụng nhiều nước để nấu và chế biến sản phẩm.

Ngay khi xảy ra cá chết, PV Tuổi Trẻ cùng đoàn công tác của tỉnh nhận thấy nhiều đường ống của nhà máy đang xả nước thải thẳng xuống sông.

Ngay sau đó cá trong các bè từ đoạn sông này trở về phía hạ lưu tới ngã ba sông Tiền bị chết hàng loạt và kéo dài tới ngày 6-2.

Sở Tài nguyên và môi trường tỉnh An Giang đã lấy mẫu nước để phân tích. Kết quả trong thành phần nước lấy tại nơi cá chết có gốc nitric (NO2) - vượt mức trung bình 2,6 - 11 lần, phosphat (PO4) - vượt 1,6 lần, hàm lượng DO (oxy hòa tan) thấp hơn mức trung bình 1,5 lần...

“Ở trong nước có khá nhiều hóa chất công nghiệp. Với nước sông có thành phần như thế, cá không thể sống được” - ông Trần Anh Thư, giám đốc Sở NN&PTNT tỉnh An Giang, đánh giá.

UBND tỉnh An Giang chỉ đạo Sở Tài nguyên và môi trường, Cảnh sát môi trường tỉnh điều tra xác định nguồn gốc hóa chất được thải ra từ đâu.

Đại tá Dương Thanh Hải, trưởng Phòng cảnh sát môi trường Công an An Giang, cho hay đã mời cán bộ quản lý và kỹ thuật của Công ty CP Toàn Cầu làm việc, hiện tiếp tục điều tra làm rõ.

Đường dây nóng: 0943 113 999

Soha
Báo lỗi cho Soha

*Vui lòng nhập đủ thông tin email hoặc số điện thoại