Hàng chục tấn rác thải y tế độc hại lẽ ra phải bị tiêu hủy theo đúng quy trình nghiêm ngặt tại những cơ sở được cấp phép lại đang được “âm thầm” sơ chế tại một trong những cơ sở khám - chữa bệnh lớn và uy tín nhất Việt Nam: Bệnh viện Bạch Mai (Hà Nội).
Những phế phẩm vô cùng nguy hại này được tái chế thành những sản phẩm nhựa tại những cơ sở sản xuất thủ công ngay ngoại thành Hà Nội.
Liên quan đến vấn đề này, trong chiều nay (8/1), BV Bạch Mai đã tổ chức buổi họp thông tin với sự tham gia của lãnh đạo Bệnh viện.
Thừa nhận thông tin mà báo chí đưa
PGS.TS Nguyễn Việt Hùng – Trưởng khoa Kiểm soát nhiễm khuẩn, Bệnh viện Bạch Mai thừa nhận những thông tin mà báo chí đưa về việc xử lý chất thải ở bệnh viện là đúng sự thật, nhưng chỉ ở thời điểm nào đó công nhân làm sai quy trình.
Ông Hùng cho biết, ngay sau khi nhận được thông tin báo chí, ông đã tiến hành kiểm tra ngay và báo cáo lên ban lãnh đạo bệnh viện.
Về cá nhân mình, ông sẽ nhận trách nhiệm về việc này. Bản thân ông cho biết, mình làm công việc này 16 năm, cũng đã trải qua những đợt thanh tra kiểm tra về việc tuân thủ các quy định, quy trình phân loại thu gom xử lý rác thải y tế, trong đó có chất thải lây nhiễm nguy hại.
Bệnh viện có quy trình rất nghiêm ngặt bao gồm việc phân loại tại nguồn theo ba nhóm chất thải chính là chất thải thông thường, chất thải y tế nguy hại và chất thải tái chế.
Mỗi ngày Bệnh viện Bạch Mai có khoảng 5,7 tấn rác thải y tế, trong đó chủ yếu là chất thải thông thường, chiếm đến 4,5 tấn; chất thải tái chế khoảng 3 tạ, chất thải lây nhiễm khoảng 8 tạ.
Về quy trình thuê khoán xử lý rác thải, bệnh viện không xử lý tại chỗ vì trong khu dân cư nên bệnh viện đã thuê các công ty đấu thầu từng năm một.
Ông Hùng khẳng định vẫn làm theo đúng quy trình của Bộ Y tế và những công ty mà bệnh viện ký hợp đồng là những công ty có trách nhiệm chuyên trách để làm và những công ty đó họ đã thực hiện nhiều năm qua ở các bệnh viện tại Hà Nội.
Ông Hùng cho biết, Khoa Kiểm soát nhiễm khuẩn BV Bạch Mai đã tiến hành một công trình nghiên cứu đó là hấp diệt khuẩn rác thải tái chế để đưa ra ngoài tái chế lại.
Ông phân trần, công trình này đã bắt đầu được vài tháng nên công nhân phải đập vỡ bơm tiêm để diệt hết vi khuẩn.
Ở nhiệt độ cao, các mẫu đã kiểm tra không thấy có vi khuẩn sống sót nên khi đưa ra ngoài không có chuyện đưa rác thải y tế nhiễm khuẩn ra ngoài môi trường. Các khâu đều được quản lý rất kỹ. Có thể lúc báo chí phản ảnh là lúc nhân viên đã làm sai qui trình.
Khi các phóng viên yêu cầu cung cấp hợp đồng giữa bệnh viện với các công ty thì phía Bệnh viện Bạch Mai không cung cấp và cho rằng sẽ trả lời bằng văn bản tới từng cơ quan báo chí nếu có câu hỏi muốn gửi tới bệnh viện.
"Chúng tôi sẽ xử lý nghiêm"
Tại buổi họp, ông Nguyễn Ngọc Hiền, Phó Giám đốc BV Bạch Mai cho biết, ngay sau khi nắm được thông tin báo chí nêu, lãnh đạo bệnh viện đã giao cho khoa chống nhiễm khuẩn kiểm tra và báo cáo.
"Báo cáo của khoa khẳng định, không để rác thải lây nhiễm ra môi trường và kiểm soát, quy trình", ông Hiền thông tin.
Cũng theo ông Hiền, tuy đã nhận được báo cáo nhưng giám đốc sẽ căn cứ vào kiểm tra của bệnh viện cũng như thông tin của báo chí để có các cuộc họp kiểm điểm các cá nhân, tập thể, sai phạm đến đâu sẽ tiến hành xử lý, kỷ luật đến đó.
"Chúng tôi sẽ xử lý nghiêm vì đây là vấn đề rất quan trọng với bệnh viện", ông nói.
Ông Hiền cho biết, hàng tháng ông đều trực tiếp họp 1 lần để kiểm điểm việc thu gom, phân loại rác thải y tế trong bệnh viện và việc phân loại tại nguồn là rất quan trọng.
"Tôi kiểm soát rất chặt chẽ và yêu cầu không được để chất thải nguy hại thẩm lậu ra môi trường và trình giám đốc bệnh viện những văn bản rất mạnh mẽ. Nếu để thẩm lậu chất thải nguy hại ra môi trường sẽ phải chịu hình thức kỷ luật.
Chúng tôi cũng đã giao cho Khoa Kiểm soát nhiễm khuẩn là người giám sát, kiểm tra phân loại tại nguồn. Phòng bảo vệ an ninh trật tự tuần tra, giám sát 24/24h để kiểm tra bệnh nhân, người nhà bệnh nhân, nhân viên khi qua cổng và các cổng đều lắp camera.
Những nơi có thể ném chất thải qua tường rào chúng tôi đều đã rào lại rồi", ông cho hay.
Theo ông Hiền, sau khi các biện pháp được tăng cường thì đã giảm rất nhiều và cho tới nay, không có vụ việc nào phải đưa ra hội đồng kỷ luật của bệnh viện.
"Với những trường hợp đồng nát bắt được, chúng tôi đều có xử lý, đặc biệt, người nhà bệnh nhân đều có cam đoan không được tuồn rác thải ra ngoài. Việc vận chuyển rác thải đến kho chúng tôi đã giao cho Khoa Kiểm soát nhiễm khuẩn đảm nhiệm, xử lý.
Các đơn vị như Urenco phải chịu trách nhiệm hoàn toàn với bệnh viện trong quá trình nhận từ bệnh viện, xử lý đúng quy trình của pháp luật, làm sai phải chịu trách nhiệm", ông Hiền nêu.
Ông Nguyễn Quý Châu, Phó Giám đốc Bệnh viện khẳng định, không có việc bán các sản phẩm rác thải y tế độc hại đó.
"Chúng tôi sẽ nghiêm túc tiếp thu và ban giám đốc bệnh viện đã quyết định ngừng toàn bộ hoạt động này. Đồng thời, yêu cầu rà soát lại toàn bộ các khâu từ đơn vị trong bệnh viện đến Khoa Kiểm soát nhiễm khuẩn và khâu đưa rác th từ đây đến các đơn vị bên ngoài.
Nếu sau khi khảo sát, các đơn vị bên ngoài nào làm không đúng chúng tôi sẽ xem xét lại hợp đồng. Bệnh viện chúng tôi không cho làm những việc như báo chí phản ánh. Không có chuyện bán rác thải lây nhiễm ra cộng đồng.
Chúng tôi làm rất kiên quyết và những việc nào làm chưa đúng sẽ xử lý. Những cá nhân nào làm chưa đúng cũng sẽ bị xem xét nghiêm túc.
Qua đây, công tác quản lý rác thải nói riêng và quản lý trong bệnh viện nói chung sẽ được tăng cường", ông Châu nhấn mạnh.
Ông Châu cũng bày tỏ, đây sẽ là bài học cho không chỉ Khoa Chống nhiễm khuẩn mà còn cho cả ban giám đốc bệnh viện trong việc quản lý, giám sát.
Về việc chịu trách nhiệm, ông Nguyễn Việt Hùng, Trường Khoa Kiểm soát nhiễm khuẩn, Bạch Bạch Mai cho biết, ông sẽ chịu trách nhiệm về những vấn đề còn tồn tại, khiếm khuyết trong khoa.