Bưởi "mỹ nhân" đẹp lộng lẫy đãi quý nhân

Hiếu Xuân |

Lấy chiếc khăn nhúng rượu để lau lớp bụi bám trên quả bưởi vừa hái trên cây, chiếc khăn đi đến đâu lớp bụi thời gian tích trữ trên vỏ bưởi biến mất đến đó, quả bưởi hiện ra hồng rực dưới nắng chiều, lớp vỏ tựa như da của thiếu nữ đương lúc xuân thì.

Năm nào vườn bưởi đỏ của ông Ái cũng có khách đặt mua hết sạch, với giá 100.000 đồng/quả. Từ khi trồng bưởi đến giờ, ông chưa từng phải mang bưởi đi bán, bởi khách đã mua bưởi của ông năm nay, năm sau khắc tìm đến mua cho kỳ được.

Giờ ông Ái đang nuôi khát vọng, nhân rộng giống bưởi Ái Nhân này ra trồng trên diện rộng để nhiều người được thưởng thức hương vị độc đáo của giống bưởi quý đất Kinh Bắc.

Bưởi quý đãi quý nhân

Tại các hội chợ được tổ chức vào dịp cuối năm chào đón Tết Nguyên đán ở thủ đô Hà Nội, năm nào cũng có một gian hàng giới thiệu bưởi đỏ Ái Nhân.

Ông chủ của gian hàng là Phạm Nhân Ái (SN 1964) ở thôn Mãn Xá Tây, xã Hà Mãn, huyện Thuận Thành, tỉnh Bắc Ninh. Ông lấy tên mình để đặt tên cho giống bưởi quý này.

Lần nào tham gia hội chợ, ông cũng chỉ ở đến ngày thứ hai là phải khăn gói về quê. Điều này khiến ông buồn lắm. Chẳng là bưởi của ông vừa bày ra, bà con đã mua hết veo.

Thửa vườn ở nhà lại quá nhỏ, không có đủ bưởi mang ra trưng bày. Ông đành tiu nghỉu về quê mà cứ tiếc rẻ, giá như có thêm bưởi để bán.

Lần theo địa chỉ mà ông quảng cáo, tôi tìm về thôn Mãn Xá Tây hỏi thăm ông, người dân chỉ bảo rất tận tình. Vừa gặp chúng tôi ông xoa tay: “Không có bưởi bán đâu. Mọi người đặt hết rồi.

Năm nay người ta đặt mua bưởi trước tết 3 tháng cơ”, vào những ngày cận tết, ông Ái liên tục phải từ chối khéo khách hàng như thế.

Chưa kịp mời khách vào nhà, ông Ái liền bảo: Muốn hiểu vì sao bưởi của tôi đắt hàng đến thế, mời các anh đến thăm vườn bưởi. Hóa ra ngôi nhà to rộng nằm cạnh đường cái là nơi ông bán thuốc thú y.

Nom dáng lão nông đất Kinh Bắc có thân hình nhỏ nhắn, mái tóc đã muối tiêu, nhưng thao tác lại nhanh nhẹn.

Sau vài phút đi xe máy, vượt qua con ngõ nhỏ ngoằn ngoèo đặc trưng của những ngôi làng cổ đất Bắc, ông Ái dừng lại bên một ngôi nhà cổ có khoảng sân rộng. Vừa vào đến nơi, hương bưởi thơm lồng đã bao trùm cả con ngõ nhỏ.

Hương bưởi thơm quyến rũ chẳng kém gì loại nước hoa quý phái của nước Pháp. 6 gốc bưởi quý được ông Ái trồng quanh nhà. Cây nào cũng to khỏe và sai trĩu quả. Có quả to bằng cả cái mũ cối. Ông Ái phải dùng chống và dây đỡ từng quả.

“Quả nào cũng có chủ cả rồi. Họ đặt tiền trước, chờ đến giáp tết mới vào hái”- ông Ai không giấu nổi niềm tự hào.

Đứng từ xa nhìn cây bưởi quả treo lúc lỉu, nhìn mã bưởi, ai cũng có cảm nhận là giống bưởi này chẳng có gì khác thường so với các loại bưởi của miền Bắc.

Như đoán được sự sốt ruột của người khách lạ, ông Ái nhẹ nhàng dùng chiếc ghế kê ra gần gốc bưởi. Hái quả bưởi quý trên cây xuống, ông trịnh trọng bê hai tay rồi đưa vào nhà.

Thay vì bổ ngay cho người khách thưởng thức, ông Ái nhẹ nhàng lấy chiếc khăn mặt trắng treo bên cửa sổ nhúng rượu. Vị khách chưa kịp hình dung ra ông Ái làm gì với cái khăn mặt đó, ông Ái liền dùng chiếc khăn lau lớp bụi bám trên quả bưởi.

Ông nhẹ nhàng di chuyển chiếc khăn, chiếc khăn đi đến đâu lớp bụi thời gian tích trữ trên vỏ bưởi biến mất đến đó, quả bưởi hiện ra hồng rực dưới nắng chiều. Khi công việc hoàn tất, ông nâng niu và giơ quả bưởi lên ngắm.

Lớp vỏ của quả bưởi hồng diện tựa như da của thiếu nữ đương lúc xuân thì. “Đấy anh xem, ở miền Bắc có giống bưởi nào có mã đẹp lộng lẫy như thế này không. Nó là bưởi mỹ nhân chứ không phải là bưởi xoàng đâu”- ông Ái tự tin khẳng định.


Ông Phạm Nhân Ái rất tâm huyết với giống bưởi quý này. Ảnh: Hiếu Xuân

Ông Phạm Nhân Ái rất tâm huyết với giống bưởi quý này. Ảnh: Hiếu Xuân

Sau vài thao tác, ông đã bổ xong quả bưởi. Cái sọ bưởi vừa to, từng múi dài, căng mọng nước có màu đỏ tươi, nom thật hấp dẫn. Từng múi bưởi đỏ được đặt lên chiếc đĩa sứ cổ.

Màu đỏ của múi bưởi căng mọng nước, tương phản với màu trắng của đĩa sứ khiến vị khách ứa nước miếng. Ai cũng sốt ruột mong được thưởng thức thứ bưởi trân quý này. Nom bưởi mọng nước, nhưng tôm bưởi khô ráo, không bị ướt tay.

Đưa lên miệng thưởng thức, tôm bưởi vừa chạm đầu lưỡi đã cảm nhận được hương thơm dịu và vị ngọt thanh. Vị ngọt được chắt chiu bằng những tháng năm vất vả chăm nom cây của lão nông đất quan họ. Ai đã ăn một lại muốn ăn hai.

Vị ngọt của bưởi đọng lại nơi đầu lưỡi khiến ta có cảm giác êm ái như vừa được trở về bên quê hương vậy. Có lẽ đó là lý do giải thích vì sao, vườn bưởi đỏ Ái Nhân, chưa bao giờ có đủ bưởi để bán cho khách hàng.

Cái cảm giác được ăn bưởi quý tại đất quan họ còn đang lâng lâng, ông Ái mới nhẹ nhàng kể: Tôi có cơ duyên mới gặp được giống bưởi này. Do làm nghề phối giống lợn nên tôi đi khắp hang cùng ngõ hẻm.

Một lần tôi đến phối giống lợn cho gia đình hai cụ già ở huyện Thuận Thành. Biết tôi là người làm nghề chân thực, họ đã mời tôi nán lại ăn thử múi bưởi. Lần đầu tôi được thưởng thức giống bưởi ngon và ngọt đến thế.

Qua câu chuyện của hai cụ già, tôi được biết hai cụ chỉ có mỗi một cây bưởi. Năm nào nó cũng cho 200 quả. Quả nào cũng to như ấm tích.

Sau cuộc gặp đó, ông Ái còn trở lại gia đình hai cụ già kia nhiều lần. Ông muốn xin giống về trồng, nể lắm, họ mới chiết cho ông Ái mấy cành. Ông Ái mang về vườn trồng.

Bẵng đi vài năm, ông Ái mới có dịp trở lại nhà hai cụ già kia, tiếc thay cây bưởi đó đã bị chết vì mấy người con sơ ý đào thùng vôi gần gốc bưởi.

Rất may, mấy cây bưởi ông Ái mang về trồng đều sống cả. Từ đó, ông Ái mới có cơ hội giữ lại được giống bưởi có một không hai ở xứ Kinh Bắc này.

Khát vọng nhân rộng giống bưởi quý

Sau nhiều năm cần mẫn ươm trồng được 6 cây bưởi quý, ông Ái âm thầm đợi cây ra hoa kết trái. Giờ đây, giống bưởi quý này đã được người tiêu dùng biết đến. Ông Ái than thở: “Chỉ tiếc vườn nhà tôi quá nhỏ, không có đất trồng cây”.

Cách đây 3 năm, ông Ái đã mạnh dạn chiết 200 cây bưởi mang ra thửa ruộng bỏ hoang nhiều năm của gia đình để trồng.

Ông kỳ công đi các nơi lấy từng thùng đất để đắp ụ trồng cây. Ngày ngày ông đổ mồ hôi, công sức chăm sóc đám bưởi, mong đến ngày hái quả.

Giống bưởi này khỏe cây nên chúng phát triển rất nhanh. Chẳng mấy chốc, tán của chúng đã xòe rộng. Ngoài thời gian đi phối giống lợn, ông Ái lại ra vườn ngắm cây phát triển mà lòng vui phơi phới.

Niềm vui của ông ngắn chẳng tay ngang vì đúng dịp đó ông nhận được “tráp” của chính quyền xã Hà Mãn, yêu cầu ông không được trồng bưởi trên đất lúa.

Xã chưa có chủ trương quy hoạch vùng này trồng cây ăn quả. Ông Ái bị “sốc” nặng khi nhận được giấy thông báo.

Ông đã rất nhiều lần lên xã thuyết phục, trình bày rằng, đây là giống bưởi quý, hiệu quả kinh tế cao gấp cả trăm lần trồng lúa. Nó cần được nhân rộng và ưu tiên phát triển. Rồi ông nói cả những lời gan ruột của mình:

“Tôi chỉ khát khao có được vườn bưởi quý này để bà con các nơi về chiêm ngưỡng. Chỉ một năm sau thôi là bưởi sẽ ra hoa, bói quả”.

Rất thông cảm với hoàn cảnh của ông Ái, nhưng UBND xã Hà Mãn vẫn giữ nguyên quyết định. Họ cho phép ông Ái lùi thời hạn để di chuyển cây đi nơi khác, chứ nhất quyết không cho ông trồng cây trên đất ruộng bỏ hoang.

Sau nhiều lần thuyết phục không được, từ chính quyền xã về nhà ông Ái khóc như mưa. Ông tiếc công, tiếc của và ông chua xót vì cái dự định lớn của đời người là mong muốn trồng thật nhiều giống bưởi Ái Nhân đã không thành.

Suốt những ngày sau đó, ông bần thần như người mất hồn. Ngày ngày ông ra vườn vuốt từng chiếc lá, trò chuyện với từng cây bưởi. Ông nâng niu chúng như vật báu của đời người. “Khi đó, tôi như bị ai cắt từng khúc ruột vậy.

Ở xã Hà Mãn đất ở còn chật lắm, tôi chưa biết chuyển đám bưởi này đi đâu”, đến giờ mỗi khi nhắc lại quãng thời gian đó, ông Ái vẫn còn tiếc rẻ.

Hạn chuyển cây sắp hết, rất may cho ông Ái là có một người ở huyện Đông Anh (Hà Nội) đến nhà ông hỏi mua giống. Ông Ái đã dẫn người đàn ông này ra thăm vườn bưởi ông đã kỳ công trồng từ 2 năm trước.

Như là người vớ được vàng, vị khách đã không ngại trả ông giá cao để đưa 200 cây bưởi về đất Đông Anh. Mua được giống bưởi vị khách kia vui mừng bao nhiêu thì ông Ái buồn bấy nhiêu.

Bán giống bưởi với giá cao, ông Ái vẫn cảm thấy mình vừa mất đi vật báu của đời. Vụ bưởi năm nay, vị khách kia vui mừng thông báo, bán vườn bưởi được cả nửa tỷ đồng.

Tuy không trực tiếp được chứng kiến những cây bưởi mình đã kỳ công chăm sóc, nuôi dưỡng ra hoa kết trái, nhưng ông Ái cũng thấy rất vui.

Rõ ràng về chất lượng bưởi Ái Nhân chẳng kém giống bưởi nào. Nó có lợi thế là thu hoạch muộn nhất so với các dòng bưởi ở miền Bắc. Hơn nữa, cùi nó dày để lâu mà vẫn giữ được chất lượng. Tất cả những ưu thế trên đã khẳng định bưởi Ái Nhân vượt trội hơn cả về thời vụ lẫn chất lượng và mẫu mã. Yếu tố thời vụ sẽ quyết định đến giá cả của quả bưởi. Bưởi Ái Nhân thu vào dịp giáp tết, một mình “đá một sân”, không phải cạnh tranh về giá cả chắc chắn sẽ thắng lớn.

Câu chuyện đó đủ thấy rằng, tiềm năng sinh lời từ việc trồng giống bưởi Ái Nhân này là rất quý. Ông Ái thẳng thắn chia sẻ, tôi muốn mở rộng việc trồng bưởi Nhân Ái không phải vì để bán giống.

Tôi chỉ mong các địa phương ở miền Bắc trồng được giống bưởi quý này là tôi mừng rồi. Quả thực, tấm lòng của người anh hai quan họ này quả là đáng quý và trân trọng.

Rất thông cảm với hoàn cảnh của ông Ái, nhưng UBND xã Hà Mãn vẫn giữ nguyên quyết định. Họ cho phép ông Ái lùi thời hạn để di chuyển cây đi nơi khác, chứ nhất quyết không cho ông trồng cây trên đất ruộng bỏ hoang. Sau nhiều lần thuyết phục không được, từ chính quyền xã về nhà ông Ái khóc như mưa.

Ông tiếc công, tiếc của và ông chua xót vì cái dự định lớn của đời người là mong muốn trồng thật nhiều giống bưởi Ái Nhân đã không thành.

Suốt những ngày sau đó, ông bần thần như người mất hồn. Ngày ngày ông ra vườn vuốt từng chiếc lá, trò chuyện với từng cây bưởi.

Ông nâng niu chúng như vật báu của đời người. “Khi đó, tôi như bị ai cắt từng khúc ruột vậy.

Ở xã Hà Mãn đất ở còn chật lắm, mỗi nhà có vài miếng, nói chi đến đất trồng cây, tôi chưa biết chuyển đám bưởi này đi đâu”, đến giờ mỗi khi nhắc lại quẵng thời gian đó, ông Ái vẫn còn tiếc rẻ.

Hạn chuyển cây sắp hết, rất may cho ông Ái là có một người ở huyện Đông Anh (Hà Nội) đến nhà ông hỏi mua giống. Ông Ái đã dẫn người đàn ông này ra thăm vườn bưởi ông đã kỳ công trồng từ 2 năm trước.

Như là người vớ được vàng, vị khách ở đất Thủ đô kia đã không ngần ngại trả ông giá cao để đưa 200 cây bưởi về đất Đông Anh. Mua được giống bưởi vị khách kia vui mừng bao nhiêu thì ông Ái buồn bấy nhiêu.

Bán giống bưởi với giá cao, ông Ái vẫn cảm thấy mình vừa mất đi vật báu của đời. Vụ bưởi năm nay, vị khách kia vui mừng thông báo, bán vườn bưởi được cả nửa tỷ đồng.

Tuy không trực tiếp được chứng kiến những cây bưởi mình đã kỳ công chăm sóc, nuôi dưỡng ra hoa kết trái, nhưng ông Ái cũng thấy vui vì những “đứa con” của ông đã biết trả ơn chủ.

Câu chuyện đó đủ thấy rằng, tiềm năng sinh lời từ việc trồng giống bưởi Ái Nhân này là rất quý. Ông Ái thẳng thắn chia sẻ, tôi muốn mở rộng việc trồng bưởi Nhân Ái không phải vì để bán giống.

Tôi chỉ mong các địa phương ở miền Bắc trồng được giống bưởi quý này là tôi mừng rồi. Quả thực, tấm lòng của người anh hai quan họ này quả là đáng quý và trân trọng.

Đường dây nóng: 0943 113 999

Soha
Báo lỗi cho Soha

*Vui lòng nhập đủ thông tin email hoặc số điện thoại