Bức thư 'thiêng' ở Thành cổ Quảng Trị

daquynh |

Những con chữ cuối cùng trong bức thư định mệnh đã trở thành tấm bản đồ dẫn người thân tới nơi anh yên nghỉ.

Đến với Bảo tàng Thành cổ Quảng Trị trong những ngày tháng 7 cả nước đang tổ chức các hoạt động hướng về kỷ niệm 65 năm ngày Thương binh liệt sĩ (27/7/1947-27/7/2012), mọi người sẽ được đọc những dòng thư của người chiến sĩ trẻ chưa kịp gửi về cho người thân vẫn còn vẹn nguyên. Những câu từ trong bức thư thật giản dị nhưng cũng cho chúng ta biết rằng, những người lính cầm súng vì họ khát khao được hạnh phúc, đất nước được hòa bình.

Sau mấy chục năm, dưới sâu trong lòng đất người dân vẫn thường tìm được những bức thư thiêng của những người lính chưa kịp gửi về gia đình trước ngày bước vào trận đánh cuối cùng.

Phút xúc động bên những bức thư thiêng tại Thành cổ, Quảng Trị.

Trong đó, đặc biệt là lá thư của liệt sĩ Lê Văn Huỳnh, quê ở xóm Một, xã Lê Lợi, huyện Kiến Xương, tỉnh Thái Bình, sinh viên năm thứ tư Khoa Xây dựng, khóa 13 của ĐH Bách khoa Hà Nội được tìm thấy ngày 28/10/2002.

Bức thư đã để lại cho người đọc biết bao cảm xúc. Lời lẽ trong thư thể hiện bao tâm tư tình cảm, hoài bão đành gác lại phía sau để quyết tử cho Tổ quốc quyết sinh. “Toàn thể gia đình kính thương... Con viết mấy dòng cuối cùng trước khi “đi nghiên cứu bí mật trong lòng đất”. Xin mẹ đừng buồn để sống đến ngày tin mừng chiến thắng. Con đi, mẹ ở lại trăm tuổi bạc đầu, coi như con lúc nào cũng ở bên mẹ, coi như con đã sống trọn đời cho Tổ quốc mai sau…”.

Người lính trẻ Lê Văn Huỳnh viết bức thư cuối cùng vào ngày thứ 77 của chiến dịch 81 ngày đêm bảo vệ Thành cổ Quảng Trị, khi sự khốc liệt của đạn bom lên đến tột cùng. Bức thư anh không kịp gửi bởi anh cùng những đồng đội cuối cùng trong tiểu đội đã ngã xuống ở trong Thành cổ.

Bức thư viết vội trước trận đánh là tâm tư của anh dành cho người mẹ già yếu, cho người vợ mới cưới bảy ngày, cho anh trai, chị dâu, cho cha mẹ vợ, cho đứa cháu đích tôn, cho người bạn thân thuở nhỏ và cho bà con lối xóm. Đặc biệt, bức thư có đoạn: “Ngày thống nhất, em hãy vào Nam tìm anh. Đường đi như sau: Đi tàu vào thị xã Quảng Trị, qua sông Thạch Hãn là nơi anh hy sinh. Từ thị xã, qua cầu ngược trở lại hỏi thăm đường về thôn Nhan Biều I. Nếu tính xuôi theo dòng nước thì mộ anh ở cuối làng”

Không ai có thể ngờ rằng, đó là manh mối để đồng đội tìm thấy anh sau ngày giải phóng. Hơn ba mươi năm, miền quê từng bị hủy diệt tàn khốc nhất trong cuộc chiến tranh xâm lược của đế quốc Mỹ đổi thay, thanh bình và trù phú. Và đúng như bức thư, mọi người không khỏi ngạc nhiên khi tìm thấy anh…

Có lẽ, đó chỉ là một trong số hàng vạn lá thư mà những người lính Thành cổ Quảng Trị chưa kịp gửi đi trước trận đánh cuối cùng.

40 năm trôi qua, những lá thư như thế tiếp tục được gửi về cho những người đang sống hôm nay và cho cả mai sau. Nhưng có một điều thật kỳ diệu là những dòng chữ viết dưới làn bom đó dù chưa kịp gửi đi thì người ở hậu phương năm xưa, những người đang sống hôm nay và các thế hệ mai sau đã, đang và sẽ còn cảm nhận được nhịp đập của trái tim các anh.

Theo Infonet

Đường dây nóng: 0943 113 999

Soha
Tags
Báo lỗi cho Soha

*Vui lòng nhập đủ thông tin email hoặc số điện thoại