Bộ trưởng Nguyễn Bắc Son: Cần đánh giá thẳng thắn về Biển Đông

Hoàng Đan |

Đó là ý kiến của Bộ trưởng Bộ Thông tin và Truyền thông Nguyễn Bắc Son trước tình hình Biển Đông diễn biến phức tạp như hiện nay.

Đánh giá đúng, thẳng thắn về tình hình Biển Đông

Sáng 23/10, Quốc hội đã tiến hành thảo luận tại tổ về các dự thảo văn kiện trình Đại hội đại biểu toàn quốc lần thứ XII của Đảng.

Đóng góp ý kiến liên quan đến tình hình Biển Đông cũng như bảo vệ chủ quyền, lãnh thổ, Bộ trưởng Bộ Thông tin và Truyền thông Nguyễn Bắc Son (Đoàn Hà Nội) cho rằng, văn kiện cần phải sửa lại một số câu chữ để phù hợp với thực tế của tình hình.

Theo Bộ trưởng Son, ở nhiệm kỳ trước chúng ta cũng đã nêu tranh chấp biển đảo ngày càng gay gắt thì ngay trong buổi khai mạc kỳ họp Quốc hội thứ 10, Chủ tịch Quốc hội Nguyễn Sinh Hùng đã nhấn mạnh “tình hình Biển Đông diễn biến nguy hiểm khó lường”. 

"Nếu trước chúng ta chỉ đánh giá là tranh chấp chủ quyền lãnh thổ biển đảo ngày càng gay gắt, thì giờ có thể thấy nguy cơ mất ổn định ở khu vực này lớn hơn nhiều.

Do vậy, phần về đánh giá tình hình, Báo cáo chính trị Đại hội Đảng XII cần phải nhìn thẳng vào sự thật như vậy”, Bộ trưởng Nguyễn Bắc Son đề nghị.

Phân tích thêm về nội dung này trong phần nhận định tình hình trong thời gian tới của dự thảo báo cáo chính trị, Bộ trưởng Nguyễn Bắc Son cho biết:

Báo cáo viết “Tranh chấp chủ quyền biển đảo trong khu vực và trên Biển Đông tiếp tục diễn biến phức tạp và gay gắt, như thế là đánh giá chưa đúng tầm, chưa đủ độ".

“Thực tế trong kết luận của Hội nghị Trung ương 12 mới đây đã nêu rõ rằng tranh chấp chủ quyền biển đảo trong khu vực và trên Biển Đông diễn ra rất phức tạp và gay gắt.

Chúng tôi đề nghị phải đánh giá đúng thực tế như vậy để thấy không thể mơ hồ, không mất cảnh giác được vì họ phát triển, xây dựng như thế và diễn biến rất phức tạp hiện nay.

Trung Quốc không còn giấu mình chờ thời mà bộc lộ hết ý đồ của họ trong độc chiếm Biển Đông...”, Bộ trưởng Bộ Thông tin và Truyền thông nhấn mạnh.

Trước đó, đóng góp ý kiến khác liên quan đến tình hình Biển Đông, ĐB Trương Trọng Nghĩa (Tp Hồ Chí Minh) cho rằng cần sửa lại nội dung liên quan đến diễn biến mới trên thực tế.


Ảnh quang cảnh buổi thảo luận của Đoàn Tp Hồ Chí Minh. Ảnh: QH

Ảnh quang cảnh buổi thảo luận của Đoàn Tp Hồ Chí Minh. Ảnh: QH

Theo ông Nghĩa, trong báo cáo chính trị đánh giá tình hình thế giới và Châu Á - Thái Bình Dương có đánh giá:

"Tranh chấp lãnh thổ chủ quyền biển đảo trong khu vực và trên Biển Đông tiếp tục diễn ra gay gắt, phức tạp” là chưa đẩy đủ về nguy cơ, thấp hơn nguy cơ đang diễn ra.

"Trước tình hình năm 2015, trước những diễn biến mới từ phía Trung Quốc, tôi đề nghị bổ sung là:

Tranh chấp lãnh thổ chủ quyền biển đảo trong khu vực và trên Biển Đông tiếp tục diễn ra gay gắt phức tạp, xuất hiện những thách thức mới đe dọa chủ quyền của đất nước, tự do và an ninh hàng hải”, ông Nghĩa đề xuất.

Giải thích lý do vì sao phải sửa nội dung này theo hướng trên, ĐB Trương Trọng Nghĩa cho rằng thực tế đã xuất hiện những sự kiện mới.

Ví dụ, Trung Quốc xây đảo nhân tạo là sự báo động hết sức lớn, là một biểu hiện mới của tranh giành chủ quyền.

Ngoài ra, còn có việc Trung Quốc xây hải đăng, xây dựng những công trình có thể quân sự hóa, có thể chuyển cho mục đích quân sự ngay lập tức, ví dụ những đường băng.

Cần xóa bỏ xã hội tiền mặt

Nêu ý kiến của mình, Đại biểu Chu Sơn Hà, Phó trưởng đoàn đại biểu Quốc hội chuyên trách Tp Hà Nội cho rằng, công tác tuyển chọn cán bộ hiện mới coi trọng bằng cấp, tức coi trọng hình thức chứ không phải bản chất bên trong và năng lực thực sự.

Chỉ ra 4 việc liên quan công tác cán bộ là tuyển chọn, giáo dục - đào tạo, sử dụng và giám sát, ông Chu Sơn Hà nhấn mạnh phải quan tâm đạo đức và phẩm chất , tức cái “tâm” trước tiên bởi cái “tầm” chưa đạt thì đào tạo.

Cùng với đó là giám sát minh bạch, công khai, đánh giá khách quan.

“Nếu làm được 4 giai đoạn trên thì bộ máy sẽ có con người hoạt động tốt, từ đó hiệu quả hoạt động của bộ máy nâng cao, như các cụ nói muốn làm tiên sinh trước hết phải làm học sinh của nhân dân.

Trước hết coi trọng bố trí, sắp xếp người làm công tác tổ chức của cả hệ thống chính trị có tâm, có tầm để bộ máy vận hành tốt hơn, như đưa viên gạch vào đúng nơi của nó thì mới bền vững”, đại biểu Chu Sơn Hà nêu ý kiến.

Đánh giá Báo cáo chính trị đề ra phương hướng về phòng, chống tham nhũng khá đầy đủ, nhưng theo ông Chu Sơn Hà, điều quan trọng nhất để bảo đảm phòng chống tốt nhất là kiểm soát và tiến tới xoá bỏ xã hội tiền mặt.

Bởi hiện nay tiêu tiền mặt là chủ yếu nên không kiểm soát được thu nhập, nguồn thu khác, là cơ hội cho tham nhũng và tiêu cực xảy ra.

Vừa qua thực hiện trả lương cho cán bộ công nhân viên chức chuyển qua tài khoản, nhưng khoản đó rất nhỏ, còn khoản khác lớn hơn không kiểm soát được dẫn đến tham nhũng tràn lan và phức tạp.

Ta đã làm được một số việc về xoá đô la hoá, ổn định thị trường vàng nên việc kiểm soát tiền mặt phải đặt cho nhiệm kỳ này, các nước cũng làm thế thôi. Còn cải cách bộ máy này khác là không cơ bản trong phòng, chống tham nhũng”, ông Hà nói.

Còn đại biểu Trần Du Lịch (Tp HCM) cho rằng sau khi gia nhập Hiệp định Đối tác xuyên Thái Bình Dương (TPP), Việt Nam chắc chắn không thể phát triển mọi thứ mà buộc phải lựa chọn lĩnh vực thế mạnh.

“Đến lúc phải đánh đổi, không phát triển hàng ngang được nữa đâu. Phải chọn thế mạnh của mình và theo tôi là có 5 lựa chọn.

Đó là nông nghiệp kỹ thuật cao, công nghệ thông tin, phát triển logistics, phát triển du lịch có trọng điểm, tạo chính sách để doanh nghiệp tham gia sản xuất chuỗi giá trị ”, ông Lịch đánh giá.

Đường dây nóng: 0943 113 999

Soha
Báo lỗi cho Soha

*Vui lòng nhập đủ thông tin email hoặc số điện thoại