Bộ tộc suýt tuyệt chủng ở Việt Nam và những tục lệ “độc nhất vô nhị”

H.Mai |

Nhiều tục lệ đã được tộc người Đan Lai (xã Môn Sơn, huyện Con Cuông, tỉnh Nghệ An) lưu truyền từ hàng trăm năm nay…

Người Đan Lai sống trong sâu thăm thẳm rừng quốc gia Pù Mát (Con Cuông, Nghệ An) là một trong những tộc người có dân số ít nhất Việt Nam - khoảng hơn 3.000 người.

Già làng La Văn Quyết – một người Đan Lai chính gốc giải thích trên tờ Tuổi trẻ về cái tên bộ tộc mình: “Theo như ta biết thì từ “Đan” là do từ Đan Nhiệm, tên làng ngày xưa tổ tiên ta cư ngụ dưới xuôi, còn từ “Lai” là bởi bao thế hệ người Đan Lai chung sống với nhiều cộng đồng các dân tộc khác để che giấu thân phận nên có nhiều nét sống, sinh hoạt bị lai tạp”… Cũng theo già làng Quyết thì người Đan Lai vẫn cho rằng, có thể tổ tiên xưa của họ cũng là người Kinh.

Tiếng nói của người Đan Lai là một thứ thổ âm lai tạp giữa ngôn ngữ Mường – Việt cổ. Đây là hệ quả của việc những người khởi tổ của tộc người này xưa chạy vào nơi rừng thiêng, nước độc, bị cách biệt với thế giới bên ngoài hàng trăm năm nên dần quên tiếng mẹ đẻ, quên chữ viết cũng như văn hóa của dân tộc mình. Cũng chính từ đây, những phong tục, lối sống khác xa với đời sống hiện đại của người Đan Lai xuất hiện.

Tộc người Đan Lai (Ảnh: Lao động)
Tộc người Đan Lai (Ảnh: Lao động)

Đẻ ngồi

Tờ Nông nghiệp Việt Nam viết, phụ nữ Đan Lai 13-14 tuổi đã lấy chồng. Dân số ít ỏi khiến cho những chuyện như con cháu trong cùng dòng họ lấy nhau, sinh con đẻ cái không phải là chuyện xa lạ. Đến ngày chuyển dạ, một mình họ phải vào rừng “vượt cạn”, đẻ trong tư thế ngồi tại một cái chòi tạm giữa rừng. Đứa trẻ vừa lọt lòng mẹ, dù nắng mưa, sương gió, dù giá rét căm căm, người mẹ vẫn phải mang con xuống suối tắm 3 lần. Đứa trẻ nào có thể sống sót vượt qua 3 lần tắm ấy, dù cho da dẻ tím tái, khóc lóc ngặt nghẽo thì mới được mang về nhà nuôi.

Thức ăn hằng ngày của người Đan Lai là những động vật dễ kiếm như cá suối, ếch nhái, rau rừng… Đôi khi họ còn bắt cả nòng nọc để ăn những khi không săn bắt được. (Ảnh: Lao động)
Thức ăn hằng ngày của người Đan Lai là những động vật dễ kiếm như cá suối, ếch nhái, rau rừng… Đôi khi họ còn bắt cả nòng nọc để ăn những khi không săn bắt được. (Ảnh: Lao động)

Ngủ ngồi

Tục ngủ ngồi của người Đan Lai (Ảnh: Nông nghiệp Việt Nam)
Tục ngủ ngồi của người Đan Lai (Ảnh: Nông nghiệp Việt Nam)

“Ngủ ngồi cũng là cái nếp tự xa xưa. Ngày xưa con khái (hổ) nơi này nhiều vô kể. Nếu mình không cảnh giác là nó vồ ngay, đó là chưa kể quan quân truy lùng bộ tộc có thể đến bất cứ lúc nào nên mới sinh tật ngủ ngồi khi nào cũng chẳng hay, ngủ ngồi là để có thế mà vùng dậy chạy ngay vào rừng sâu... Ngủ ngồi cũng có nhiều kiểu. Ngồi đưa hai bàn tay nắm lại đỡ lấy trán để ngủ, hoặc đẽo cây chàm ngàm kê vào dưới cổ để ngủ cho khỏi mỏi, hoặc hai tay nắm chặt đầu thanh củi tì vào trán cũng ngủ được. Ngay chỗ ta ngồi đây hồi trước có một con khái đã thò chân lên qua kẽ hở ô bếp để ăn thịt ta nhưng ta đã nhanh tay cho nó một mồi lửa, nếu không thì...”. Báo Tuổi trẻ dẫn lời già làng Quyết nói về tục ngủ ngồi có một không hai của người Đan Lai.

Tục ngủ ngồi đã hình thành trong tộc người Đan Lai từ hơn 300 năm trước, đã ngấm vào máu thịt của bất cứ một người dân nào thuộc bộ tộc này. Người Đan Lai không có nhà, họ sống trong những túp lều dựng tạm bợ. Trong lều cũng không có giường, bởi họ đâu cần đến giường để làm chỗ ngả lưng.

Người chết không quần áo

Viết về bộ tộc Đan Lai và những tập tục đặc biệt của họ, báo giới trong nước chia sẻ: Người Đan Lai không bao giờ chôn người chết bằng hòm gỗ. Theo họ, việc khâm liệm người quá cố bằng hòm gỗ là sai lệ làng và khi xuống cõi âm, người đó sẽ không được tổ tiên chấp nhận.

Người chết không được mặc quần áo, chỉ đóng một chiếc khố rồi vùi trần xuống đất.

Theo dấu chân nai/ đi gieo hạt lúa/ theo dấu chân hổ/ đi trồng hạt ngô/ lang thang đầu suối/ bâng khuâng lưng đèo/ sống đời nghèo khổ/ như dòng suối nhỏ/ như gió rừng chiều...

(Bài cúng tổ tiên của người Đan Lai)

 Tổng hợp

 

Đường dây nóng: 0943 113 999

Soha
Báo lỗi cho Soha

*Vui lòng nhập đủ thông tin email hoặc số điện thoại