Bổ nhiệm “đúng quy trình” sao dư luận vẫn băn khoăn

Dũng Nguyễn |

Theo ĐB Lê Minh Thông (Thanh Hóa), không ít trường hợp nói bổ nhiệm “đúng quy trình”, tại sao dư luận vẫn băn khoăn xôn xao, việc này cần phải xem lại. Tuy nhiên ĐB Thông cho rằng, trẻ hóa cán bộ lãnh đạo các cấp là một “luồng gió mới”.

Bổ nhiệm “đúng quy trình” sao vẫn băn khoăn?

Ngày 23/10, góp ý cho các văn kiện trình Đại hội Đảng XII, Đại biểu (ĐB) Lê Minh Thông (Thanh Hóa) cho rằng, công tác xây dựng Đảng, trọng tâm vẫn phải lấy cán bộ làm khâu đột phá, quyết định. Dân chủ trong Đảng phải nhấn mạnh.

Đó là một bước quyết định dân chủ ngoài xã hội. Phải có sự cạnh tranh trong công tác bầu cử, để chúng ta thực sự lựa chọn được những người có đức, có tài.

“Dư luận xôn xao không ít trường hợp nói bổ nhiệm “đúng quy trình”, tại sao dư luận vẫn băn khoăn xôn xao, việc này cần phải xem lại.

Tôi nghĩ rằng quy trình công tác cán bộ của ta chưa tạo được yên tâm trong xã hội”, ĐB Thông đề nghị, song vẫn có quan điểm trẻ hóa cán bộ lãnh đạo các cấp là một “luồng gió mới”.

“Tôi hi vọng thời gian sẽ chứng minh, các đồng chí lãnh đạo trẻ sẽ chứng tỏ được mình”, ông Thông kỳ vọng

Nói về điều này, ĐB Bùi Sỹ Lợi, Phó chủ nhiệm Uỷ ban các vấn đề xã hội tiết lộ, có thể sẽ chất vấn Bộ trưởng Bộ Nội vụ Nguyễn Thái Bình về công tác bổ nhiệm cán bộ.

“Việc bổ nhiệm cán bộ trẻ là rất tốt, xu thế rất hay. Tuy nhiên giữa quy định pháp luật của Nhà nước với cái chúng ta làm “đúng quy trình” là hoàn toàn sai”.

Theo ĐB Lợi, giải pháp đầu tiên là nên chấp nhận con đường lựa chọn của xã hội, cứ người nào có tài thì được trọng dụng.

Bên cạnh đó phải làm bài bản, tức là phải ngồi vị trí đó tối thiểu 5 năm, phải là chuyên viên chính, phải cao cấp lý luận chính trị như quy định đặt ra…

“Anh chưa đến một năm thì có thể ngồi vị trí đó không? Chúng ta phải rõ ràng, một là sửa quy trình, cứ người dân đồng tình, Đảng lựa chọn thì bổ nhiệm. Hai là tuân thủ đúng quy trình”, ĐB Lợi đề nghị.

Cán bộ phải như viên gạch đặt đúng chỗ

ĐB Chu Sơn Hà (Hà Nội) cho rằng, nguyên nhân chủ yếu của tất cả mọi vấn đề là con người.

Từ nhận thức, phương thức tổ chức đến phương thức lãnh đạo, đến những cái đạt được, hay hạn chế đều xuất phát từ con người và công tác tổ chức.

Tuy nhiên theo ĐB Hà, công tác tuyển chọn cán bộ hiện mới chỉ coi trọng bằng cấp, tức coi trọng hình thức chứ không phải bản chất bên trong và năng lực thực sự.

Đề cập đến 4 việc liên quan đến công tác cán bộ là tuyển chọn, giáo dục- đào tạo, sử dụng và giám sát, ông Hà cho rằng, cần phải quan tâm đến yếu tố đạo đức và phẩm chất.

Tức là phải coi trọng cái “tâm” trước, bởi cái “tầm” chưa được thì có thể đào tạo, cùng với đó là giám sát minh bạch, công khai, đánh giá khách quan.

“Nếu làm được bốn giai đoạn trên thì bộ máy sẽ có con người hoạt động tốt. Từ đó hiệu quả hoạt động của bộ máy được nâng cao, như các cụ nói muốn làm tiên sinh trước hết phải làm học sinh của nhân dân.

Trước tiên phải coi trọng bố trí, sắp xếp người làm công tác tổ chức của cả hệ thống chính trị có tâm, có tầm để bộ máy vận hành tốt hơn.

Cũng giống như đặt viên gạch vào đúng vị trí thì mới bền vững”, ĐB Hà ví von.

“Con người không tốt là hỏng hết. Cán bộ nói phải đi đôi với làm, không tham vọng hay say sưa quyền lực, trong thực hiện không được đặt lợi ích cá nhân, lợi ích nhóm mà phải đặt trong lợi ích chung của đất nước”, ĐB Phạm Huy Hùng (Hà Nội) nêu quan điểm.

“Có ngành qua báo chí đánh bóng, che đậy hay tuyên truyền một phía. Cá nhân này vào hàng ngũ cán bộ chủ chốt thì nguy hiểm lắm”, ĐB Hùng cảnh báo.

 

Đường dây nóng: 0943 113 999

Soha
Báo lỗi cho Soha

*Vui lòng nhập đủ thông tin email hoặc số điện thoại