Bộ GTVT vừa có công điện yêu cầu các đơn vị đẩy nhanh tiến độ thi công, hoàn thành toàn bộ dự án đầu tư điều chỉnh nút giao giữa dự án cầu Thanh Trì với QL5-TP.Hà Nội.
Theo lãnh đạo Bộ GTVT, dự án đầu tư điều chỉnh nút giao giữa dự án cầu Thanh Trì với QL5 đã tổ chức thông xe và đưa vào khai thác các nhánh cầu vượt từ ngày 18/10, tuy nhiên đến nay đã gần hai tháng, các công việc còn lại không được nhà thầu tập trung thi công dứt điểm, làm ảnh hưởng nghiêm trọng đến việc lưu thông của các phương tiện và gây bức xúc trong dư luận xã hội.
Để khắc phục ngay tình trạng nêu trên, Bộ GTVT yêu cầu Ban QLDA Thăng Long chỉ đạo tư vấn, nhà thầu khẩn trương triển khai thi công ngay các khối lượng còn lại, hoàn chỉnh toàn bộ dự án, đảm bảo chất lượng công trình, an toàn, thuận lợi trong khai thác.
Mặt khác, trong quá trình thi công cần kiểm soát chặt chẽ chất lượng công trình, đảm bảo an toàn giao thông, an toàn lao động, vệ sinh môi trường theo quy định, không gây ùn tắc giao thông. Tiến độ hoàn thành toàn bộ dự án trước ngày 30/12/2015.
“Nếu nhà thầu không tập trung khẩn trương thi công đáp ứng tiến độ nêu trên, yêu cầu Ban QLDA Thăng Long cắt toàn bộ khối lượng, điều chuyển cho đơn vị khác thực hiện, đồng thời Bộ GTVT sẽ đánh giá xếp hạng năng lực nhà thầu trong năm 2015”, công điện nêu rõ.
Cầu vượt quốc lộ 5 khớp nối với cầu Thanh Trì được đưa vào khai thác từ năm 2007 với thiết kế một nhánh hoa thị.
Tuy nhiên, những năm gần đây, lưu lượng phương tiện tăng đột biến nên nút giao này thường xuyên ùn tắc, nhất là hướng từ Hà Nội đi Hải Phòng.
Để giải quyết tình trạng này, Bộ Giao thông Vận tải đã xây dựng dự án điều chỉnh nút giao cũ thành nút giao liên thông khác mức dạng hoa thị hoàn chỉnh.
Dự án bao gồm gói thầu số 1 mở rộng quốc lộ 5 qua nút mặt đường rộng 60 m, vận tốc thiết kế 80 km/h; các nhánh cầu để tách nhập từ vành đai 3 với quốc lộ 5 rộng từ 7 đến 9 m, vận tốc thiết kế 40 km/h.
Đoạn vành đai 3 nối nút giao được mở rộng 52 m, quy mô 6 làn xe, vận tốc thiết kế 100 km/h.Ngoài ra, gói thầu 1A thi công chuyển dịch 2 km đường sắt Hà Nội - Hải Phòng về phía nam khoảng 40 m.
Dự án có tổng mức đầu tư 1.700 tỷ đồng từ nguồn vốn ODA của Chính phủ Nhật Bản và vốn đối ứng của Việt Nam, thực hiện trong 12 tháng.
Hai đơn vị thực hiện gói thầu chính là Tổng công ty Xây dựng công trình giao thông 4 (CIENCO 4) và Tổng công ty Thăng Long.
Đến ngày 18/10 vừa qua, Bộ Giao thông Vận tải tổ chức thông xe nút giao cầu Thanh Trì và quốc lộ 5, xóa điểm đen ùn tắc tại cửa ngõ phía đông thủ đô Hà Nội.