Là một tỉnh miền Trung với nhiều tiềm năng du lịch, Tết hẳn là dịp người Bình Định có thể kiếm thêm một khoản lợi nhuận từ việc "chặt chém" du khách, dù đời sống người dân còn nghèo.
Thế nhưng, người Bình Định quyết nói không để "giữ thể diện cho một vùng đất có tinh thần thượng võ cao". Nhiều du khách đến đây ước rằng giá như Đà Nẵng, Đà Lạt, Vũng Tàu hay bao thành phố lớn khác học được điều này ở Bình Định.
Người bán thường đưa ra cái giá sẵn để nói "tôi không chặt chém" nhưng du khách bị rơi vào tình huống "hoặc nhịn đói hoặc ăn", thì người Bình Định cho rằng, đó là sự ma mãnh kiểu con buôn, họ không thể làm thế.
Tại sao Bình Định quyết không "tham lam" như thế? Chúng tôi đã có một cuộc trao đổi đầu năm với phó giám đốc Sở Văn hóa, Thể thao & Du lịch Bình Định- ông Nguyễn Minh Đoan.
Ông Nguyễn Minh Đoan. Ảnh: Nhân vật cung cấp
Để phát triển bền vững, hãy nói không với "chặt chém"!
PV: Thưa ông, nói Bình Định không "chặt chém" du khách dịp Tết, ông có thấy...khó tin không?
Ông Nguyễn Minh Đoan: Đâu ai nắm tay cả ngày được, có thể khẳng định thế. Nhưng cứ cố gắng hết sức, quyết liệt hết sức, hơn là không làm gì.
Chúng tôi chia cả sở ra cũng chỉ có 45 người để tản đi kiểm tra dịp Tết, nhất là vấn đề vệ sinh, giá cả nhưng không ai dám đảm bảo khi về thì rác lại không bị ném ra ngoài môi trường.
PV: Tết mà...chia cả Sở ra để kiểm tra? Chứ không phải, Tết nhất là dịp mà các cấp quản lý thường...ở nhà tiếp khách chứ, thưa ông?
Ông Nguyễn Minh Đoan: Thì cũng có người nghĩ vậy nhưng chúng tôi vận động từ trước Tết với dân về giá dịch vụ. Khi không tăng giá ngày Tết nghĩa là dịch vụ phải cố găng nhiều và đó là một trong các yếu tố giữ khách quay lại.
Theo tôi, giữ khách quay lại quan trọng hơn hút khách vì nó bền vững.Tăng giá dịch vụ vô tội vạ dịp lễ, Tết là cái dở cần phải tránh. Nó càng sai so với chủ trương làm du lịch bền vững do tỉnh đề ra.
Khách đến Bình Định ngày một đông. Ảnh: Internet
Đại gia đến Bình Định chưa thể tiêu tiền thoải mái
PV: Hiện tại, hình như Bình Định lại không có đường dây nóng để người dân, doanh nghiệp địa bàn và du khách các nơi phản ánh, thưa ông?
Ông Nguyễn Minh Đoan: Chúng tôi cũng đau đầu về việc này và sắp tới sẽ có chuyển biến thông qua quảng bá du lịch trên website chính thống của tỉnh lẫn mạng xã hội, công ty tư nhân và người dân, du khách.
Nhưng rất khó, vì hạ tầng du lịch Bình Định kém lắm!
PV: "Kém" như thế nào, thưa ông?
Ông Nguyễn Minh Đoan: Ví dụ như chúng tôi chưa có khách sạn 5 sao. Năm 2016 mới khởi công 1 cái và nâng cấp vài khách sạn 3 sao hiện tại.
Hiểu đơn giản là dân du lịch đại gia đến Bình Định không thể tiêu tiền thoải mái vì dịch vụ chưa đáp ứng được hết.Các dịch vụ đi kèm khách sạn cũng chưa mạnh, nhìn thực tế không thể không thừa nhận.
PV: Vậy còn yếu tố con người, thưa ông?
Ông Nguyễn Minh Đoan: Chúng tôi cực kỳ may mắn khi các doanh nghiệp trên địa bàn rất có ý thức xây dựng thương hiệu. Họ xây dựng thương hiệu du lịch bền vững của họ tốt cho du lịch của tỉnh lẫn du lịch Việt Nam.
Nhưng trên bình diện chung thì đây không phải chỉ là chuyện nhà nước và doanh nghiệp mà là chuyện của toàn xã hội. Chúng tôi phân loại khách du lịch và thấy khách du lịch cũng là một yếu tố quan trọng.
Người Bình Định làm du lịch bằng tinh thần thượng võ. Ảnh: Internet
PV: Hãy nói rõ thêm ý ông vừa nói về khách du lịch, thưa ông?
Ông Nguyễn Minh Đoan: Họ có ba loại. Loại khách giàu có chúng tôi đang cố đáp ứng dịch vụ cao cấp. Loại khách phổ thông đi du lịch tour sẽ có các công ty lữ hành lo. Loại thứ ba mà mọi người hay gọi là "dân phượt".
Khách nào chúng tôi cũng hoan nghênh nhưng thực sự nhiều khách rất kém ý thức khi xả rác vô tội vạ, không tuân thủ các quy định an toàn khiến ai cũng đau đầu.
Chuyện phát triển đâu chỉ của riêng ai. Nếu tất cả mọi người không đồng lòng thì rất khó.
Nói riêng Bình Định thì chúng tôi học tập các nơi và đón cơ hội. Ví dụ như sau bộ phim Tôi thấy hoa vàng trên cỏ xanh thì người ta du lịch Phú Yên nhiều và Bình Định cũng được ảnh hưởng tích cực cũng nhiều.
Nhưng muốn phát triển lâu dài thì phải có sự đồng bộ trong ý thức!
PV: Xin cảm ơn ông!