Bi hài chuyện dọa “có bom” trên máy bay

vytran |

Gần đây, hành vi dọa có bom trên máy bay có dấu hiệu tăng, người vi phạm không chỉ là hành khách mà còn có nhân viên hãng.

Tối 23/6, lại có thêm một chuyến bay của Hãng Hàng không Việt Nam (Vietnam Airlines-VNA) bị đặt trong tình trạng dọa đặt bom. Sự việc bắt đầu từ một câu nói đùa của hành khách, khi một thanh niên 25 tuổi chỉ vào cô bạn gái đi cùng và nói với nhân viên hàng không: “Trên người cô ấy có cài bom!”.

Máy bay của VNA đã nhiều lần bị dọa "có bom"

Sáu tháng có đến năm vụ

Ở Việt Nam, việc dọa có bom trên chuyến bay thương mại lần đầu tiên xảy ra vào tháng 5/2006. Hai hành khách có hơi men là Bạch Trường Sơn, Nguyễn Xuân Hoàng (thường trú tại TPHCM) khi đã yên vị trên chuyến bay VN740, hành trình Hà Nội – TPHCM, nói với tiếp viên rằng vali của mình có cài bom. Sự việc này đã đặt ngành vận tải hàng không Việt Nam vào tình trạng có hiện tượng dọa đánh bom, nhà chức trách hàng không vì thế phải bắt tay vào xây dựng hành lang pháp lý cần thiết để ngăn ngừa, xử lý hành vi vi phạm mới này.Sau đó chỉ 3 tháng, một hành khách khác là Nguyễn Thái Sơn (Hà Nội) đi trên chuyến bay VN 267 cũng “vui miệng” dọa có bom và trở thành người đầu tiên bị khởi tố với tội danh cản trở giao thông đường hàng không, theo điều 217 Bộ Luật Hình sự. Chỉ 2 tháng sau, hành khách Lâm Tấn Ngạn (ngụ TPHCM) đi trên chuyến bay VN785 hành trình Hà Nội – TPHCM loan tin có bom và bị xử phạt hành chính. Những vụ việc tương tự tiếp tục diễn ra trên nhiều chuyến bay khác, đều của VNA và chỉ có năm 2009 là không ghi nhận vụ việc tương tự nào.

Đến năm 2010, thời điểm Việt Nam có nhiều hội nghị quốc tế quan trọng và diễn ra sự kiện kỷ niệm 1.000 năm Thăng Long - Hà Nội, an ninh hàng không được siết chặt nhưng cũng đã xảy ra đến 5 vụ dọa có bom trên máy bay. Đáng lưu ý là 6 tháng đầu năm nay, VNA ghi nhận tổng số 10 vụ gây rối thì có đến 5 vụ là đe dọa có bom trên máy bay!

Không chỉ người thiếu hiểu biết

Đa số các vụ đe dọa đặt bom ở ngành hàng không xảy ra đối với hành khách thiếu hiểu biết, không ý thức được hậu quả từ câu nói vô ý của mình nhưng vụ việc được đánh giá là nghiêm trọng nhất lại xảy ra đối với chính nhân viên của VNA.

Ngày 9/11/2010, trực ban Trung tâm Khai thác Nội Bài và trưởng đoàn tiếp viên của VNA nhận được tin nhắn nặc danh qua điện thoại di động đe dọa có bom trên chuyến bay VN845 hành trình Hà Nội - Siem Reap (Campuchia).

Do tính chất nghiêm trọng của vụ việc, VNA phải đổi máy bay khai thác để rà phá bom mìn. Bộ Công an phải tiến hành các biện pháp an ninh để xác định thủ phạm. Sau hơn 20 ngày triển khai các biện pháp nghiệp vụ, Tiểu đoàn Cảnh sát đặc nhiệm số 1 Bộ Công an khoanh vùng, xác định tin nhắn được gửi từ chính nội bộ của VNA.Thủ phạm được xác định là ông Nguyễn Bằng Việt, SN 1974, nhân viên điều độ đoàn tiếp viên. Nguyễn Bằng Việt sau đó đã bị bắt tạm giam 3 tháng, đến tháng 5-2011, Cơ quan An ninh Điều tra Bộ Công an đã có kết luận điều tra vụ án và đề nghị VKSND Tối cao truy tố về tội danh cản trở giao thông đường không. Vụ án chuẩn bị được đưa ra xét xử.

Trước đó, học viên lái phụ thuộc Đoàn bay 919 của VNA cũng bị xử phạt hành chính vì đe dọa có bom trong hành lý của chuyến bay xuất phát từ Đà Nẵng ngày 6/2/2011. Khi qua cửa, nhân viên an ninh sân bay hỏi có mang gì lên máy bay không, học viên Nguyễn Văn Quang nói là có mang bom! Hậu quả, bên cạnh việc nộp phạt, Nguyễn Văn Quang phải học lại quy trình an ninh hàng không.

Đối với một quốc gia có giao thông hàng không mới phát triển mạnh trong vài năm trở lại đây như Việt Nam, khi xảy ra những vụ việc dọa có bom hoặc vụ việc gây rối trên chuyến bay, nguyên nhân đầu tiên được chỉ ra là do khách quan. Tức là số lượng vận chuyển khách tăng nhanh mỗi năm, dân trí của người dân không đồng đều, hiểu biết về pháp luật và các quy định của ngành hàng không còn hạn chế…

Về phía nguyên nhân chủ quan cũng đã được đề cập như chưa tuyên truyền, phổ biến Luật Hàng không và các quy định pháp luật về an ninh hàng không sâu rộng trong xã hội… Tuy nhiên, việc ngay cả phi công tương lai của hãng hàng không cũng dọa có bom chẳng vì động cơ gì; hay nhân viên điều độ dọa đặt bom vì hiềm khích cá nhân, cho thấy ngay cả những người đã được đào tạo huấn luyện về quy trình hàng không, an toàn hàng không vẫn là đối tượng có thể vi phạm.

Do đó, ngành hàng không cần đánh giá đúng mức hơn những nguyên nhân từ phía chủ quan để có biện pháp ngăn ngừa tốt nhất những hành vi tương tự, thiết lập môi trường hoạt động ổn định và tránh gây thiệt hại cho cả nhà khai thác và hành khách.

Theo Lao Động

Đường dây nóng: 0943 113 999

Soha
Tags
Báo lỗi cho Soha

*Vui lòng nhập đủ thông tin email hoặc số điện thoại