Bé 4 tuổi bị hành hạ dã man: Khi nào thì khởi tố tội Giết người?

Hoàng Đan |

Theo LS Cường, nếu trong quá trình điều tra xác định hành vi hành hạ bé 4 tuổi có khả năng dẫn đến tử vong và các đối tượng biết mà vẫn làm thì có thể xử lý tội giết người...

Liên quan đến vụ việc cháu Đỗ Thị Kim Ngân (4 tuổi) bị mẹ và người tình hành hạ dã man, đang điều trị tại Bệnh viện đa khoa Bình Dương, luật sư Đặng Văn Cường, Trưởng Văn phòng Luật sư Chính Pháp (Đoàn Luật sư Hà Nội) cho rằng, trước hết hành vi của hai đối tượng Đỗ Trọng Minh (27 tuổi, ngụ Đồng Nai) và Nguyễn Thị Thuỳ Trang (26 tuổi, quê Vĩnh Long) đã xâm phạm quan hệ giáo dục, chăm sóc, nuôi dưỡng. Đây là quan hệ pháp luật thuộc lĩnh vực hôn nhân và gia đình.

"Cơ quan công an đang tiến hành tạm giữ hình sự Minh và Trang để điều tra hành vi Cố ý gây thương tích. Ở đây, bố mẹ cháu bé đã đánh đập và gây thương tích nên nếu có đủ căn cứ để khởi tố về hành vi này theo Điều 104 BLHS, cơ quan điều tra sẽ đưa cháu đi giám định tỷ lệ thương tật để xác định khung hình phạt. Nếu dùng hung khí nguy hiểm để gây thương tích tỷ lệ thương tật dưới 11% vẫn bị khởi tố. Và theo khoản 4, Điều 104 BLHS thì mức án cao nhất mẹ bé Ngân và người tình có thể đối mặt sẽ từ mười năm đến hai mươi năm hoặc tù chung thân.

Tuy nhiên, trước hết, hành vi của Minh và Trang đã có dấu hiệu trực tiếp xâm phạm quy định tại Điều 151 Bộ luật Hình sự về tội ngược đãi hoặc hành hạ ông bà, cha mẹ, vợ chồng, con, cháu, người có công nuôi dưỡng mình, hình phạt được quy định như sau:

"Người nào ngược đãi hoặc hành hạ ông bà, cha mẹ, vợ chồng, con, cháu hoặc người có công nuôi dưỡng mình gây hậu quả nghiêm trọng hoặc đã bị xử phạt hành chính về hành vi này mà còn vi phạm, thì bị phạt cảnh cáo, cải tạo không giam giữ đến ba năm hoặc phạt tù từ ba tháng đến ba năm.".

Hành vi “ngược đãi” được hướng dẫn cụ thể tại Điểm 7.1 Thông tư liên tịch 01/2001/TTLT-BTP-BCA-TANDTC-VKSNDTC: “7.1. Hành vi ngược đãi, hành hạ thông thường được hiểu là việc đối xử tồi tệ về ăn, mặc, ở và về các mặt sinh hoạt hàng ngày khác đối với người thân như: nhiếc móc, bắt nhịn ăn, nhịn uống, bắt chịu rét, mặc rách một cách không bình thường hoặc có hành vi bạo lực xâm phạm thân thể người bị hại như: đánh đập, giam hãm,... làm cho người bị hại bị đau đớn về thể xác và tinh thần.”

Hành vi này không chỉ được quy định tại Hiến pháp mà nó được quy định cụ thể trong Luật hôn nhân và gia đình: “Cha mẹ không được phân biệt đối xử giữa các con, ngược đãi, hành hạ, xúc phạm con” (khoản 2 Điều 34).

Hai đối tượng Minh và Trang đã có hành vi ngược đãi, đánh đập đối với cháu Ngân, dẫn đến những thương tích và tổn hại cả về sức khỏe và tinh thần cho cháu Ngân. Hành vi này của hai đối tượng trên cần phải được cơ quan điều tra tiến hành điều tra, xác minh làm rõ bằng việc tiến hành giám định thương tích đối với cháu Ngân và lấy lời khai của những người có liên quan.

Sau khi có kết quả giám định và căn cứ xác định các đối tượng đó thực hiện hành vi hành hạ thì có thể khởi tố với tội danh phù hợp", Luật sư Cường nói.

Luật sư Đặng Văn Cường.
Luật sư Đặng Văn Cường.

Cũng theo Luật sư Cường, nếu trong quá trình kiểm tra, xác minh nguồn tin hoặc trong quá trình điều tra giải quyết vụ án hình sự mà xác định hành vi hành hạ bé Ngân của Minh và Trang có khả năng dẫn đến tử vong, đồng thời, các đối tượng biết mà vẫn làm thì có thể xử lý tội giết người theo quy định tại Điều 93 Bộ luật hình sự.

"Nếu trong quá trình kiểm tra, xác minh nguồn tin hay trong quá trình điều tra vụ án hình sự về tội hành hạ theo Điều 151 BLHS hoặc Điều 104 BLHS mà có căn cứ xác định hành vi của những đối tượng trên có thể dẫn đến hậu quả chết người, họ biết hậu quả chết người có thể xảy ra nhưng vẫn thực hiện hành vi đánh đập, hành hạ và sẵn sàng đón nhận hậu quả chết người có thể xảy ra thì có thể xử lý về tội giết người (chưa đạt, đã hoàn thành) theo quy định tại Điều 93 Bộ luật hình sự. Hành vi ngăn cản mọi người cứu giúp là căn cứ để điều tra theo hướng này.

Ở đây, cần phải nói rõ thêm là, nếu cơ quan điều tra chưa khởi tố các đối tượng theo Điều 151 BLHS hoặc Điều 104 BLHS  nhưng sau quá trình kiểm tra, xác minh nguồn tin ban đầu đã có đủ căn cứ khởi tố về tội giết người thì khởi tố luôn về tội giết người theo Điều 93 BLHS.

Còn trong trường hợp, nếu đã khởi tố tội theo Điều 151 BLHS hoặc Điều 104 BLHS trước rồi, sau đó quá trình điều tra xác định hành vi, hậu quả có thể dẫn đến chết người thì cơ quan điều tra sẽ ra quyết định để chuyển tội danh sang tội giết người.", luật sư Cường nhấn mạnh.

Về việc trang có bị truất quyền nuôi con hay không, luật sư Cường cho rằng pháp luật hiện hành không có quy định nào như vậy. Tuy nhiên, trong quá trình điều tra, cơ quan công an có thể yêu cầu gia đình cử người giám hộ cho cháu bé để đảm bảo quyền và lợi ích hợp pháp bị hại theo quy định của pháp luật, trong trường hợp mẹ cháu bị bắt tạm giam.

Luật sư Đặng Văn Cường cũng chia sẻ thêm, từ đầu năm đến nay, qua báo chí và các phương tiện thông tin đại chúng, chúng ta đã bao phen phẫn uất với những vụ bạo hành trẻ em đủ mọi lứa tuổi. Chưa bao giờ dư luận xã hội lại thấy bức xúc trước vấn nạn bạo hành trẻ em như lúc này.

"Có một điều không thể phủ nhận là, những đứa trẻ bị bạo hành chịu ảnh hưởng rất lớn về tinh thần lẫn thể chất.

Để hạn chế tiến tới ngăn chặn, loại bỏ bạo lực gia đình, bảo vệ bà mẹ, trẻ em.... theo tôi trước hết, các cơ quan, tổ chức, đoàn thể chức năng cần tổ chức tuyên truyền sâu rộng pháp luật về chăm sóc, bảo vệ quyền trẻ em nói chung và phòng chống bạo hành trẻ em nói riêng đến mọi vùng miền đất nước, đến từng gia đình, nhà trường, khu dân cư.

Với từng vụ bạo hành, vi phạm quyền trẻ em, các cơ quan chức năng cần xử lý toàn diện, tận gốc. Việc xét xử lưu động các vụ án cha mẹ vi phạm nghĩa vụ của mình đối với con cái, đồng phạm (giúp sức...) với những người khác bạo hành con mình cần được thực hiện thường xuyên nhằm mục đích phòng ngừa chung đối với xã hội.

Các cơ quan chức năng, đoàn thể nên có những biện pháp giáo dục, xóa bỏ tư tưởng ở một số bộ phận gia đình coi con cháu như là một cái gì đó thuộc “quyền sở hữu” của mình, coi việc giáo dục con cái bằng roi vọt là biện pháp hiệu quả nhất.

 Cần xem xét cụ thể trách nhiệm của các cơ quan quản lý nhà nước và người đứng đầu như: Ủy ban dân số - gia đình và trẻ em, cơ quan lao động – thương binh và xã hội, Ủy ban nhân dân và Mặt trận Tổ quốc các cấp nơi xảy ra nạn bạo hành trẻ em, chứ không chỉ là kết luận, kiểm điểm chung chung...", Luật sư Cường bày tỏ.

Đường dây nóng: 0943 113 999

Soha
Báo lỗi cho Soha

*Vui lòng nhập đủ thông tin email hoặc số điện thoại