Bất lực nhìn 7 người chết cháy

Đó là cảm giác của những người tham gia cứu hộ vụ cháy nhà số 416 Nguyễn Trãi, P.8, Q.5, TP.HCM vào rạng sáng 16-9.

“Tôi nghe tiếng một người đàn ông la lớn “ối! ối!” được 5, 6 tiếng là im luôn. Chắc người này chạy ra phía cửa nhưng cháy từ ngoài cửa vào, không mở được nên chạy vô trong nhà, không có lối thoát” - Nguyễn Văn Hiền (17 tuổi), nhân viên phục vụ của khách sạn Như Phượng (412 Nguyễn Trãi), kể lại. Hiền là người đầu tiên phát hiện lửa cháy trong ngôi nhà số 416 và chạy đến trước cửa ngôi nhà này dập lửa.

Bà Trần Thị Châu Lan (thứ hai từ trái sang), thân nhân của bảy người thiệt mạng, tại hiện trường vụ cháy - Ảnh: Hữu Khoa
Nỗi đau của bạn bè, người thân các nạn nhân - Ảnh: Hữu Khoa
Trong mớ tro tàn, bà Lan tìm thấy cuốn album có hình cô cháu gái - nạn nhân Trần Trân Trân mới 21 tuổi - Ảnh: Hữu Khoa
Bà Trần Thị Châu Lan như hóa đá trước nỗi đau bảy thành viên của gia đình hai người anh tử nạn trong vụ hỏa hoạn - Ảnh: Hữu Khoa

Ra đi cùng giờ, cùng ngày, cùng tháng...

Nhà một cửa thoát hiểm ra sao?

Theo đại tá Lê Tấn Bửu, trường hợp căn nhà chỉ có lối thoát hiểm duy nhất khi xảy ra cháy, những người trong nhà cần giữ bình tĩnh để tìm cách thoát ra ngoài. Đặc điểm khi cháy là khói sẽ lan tỏa lên cao, nên những người trong nhà cần cúi thấp người xuống và sử dụng khăn tay, chăn màn... thấm nước quấn kín người để thoát qua những vùng cháy.

Chủ nhà cần phải có phương án phòng ngừa, trong đó phương án tốt nhất là tạo ra một lối thoát hiểm phụ hoặc tìm một lối thoát hiểm qua nhà lân cận. Ngoài ra, chủ nhà có thể trang bị búa, vật nặng... để khi xảy ra cháy, có thể dùng các vật nặng phá tường tạo khoảng trống để thoát thân. Và cách phòng ngừa hữu hiệu là chủ nhà nên hạn chế để các vật liệu, hàng hóa dễ cháy trong nhà.

9g sáng 16-9. Tại nhà xác của Bệnh viện Nguyễn Tri Phương, không khí tang thương phủ lên những gương mặt đờ đẫn, bàng hoàng đẫm nước mắt của người thân những người bị nạn. Những vành khăn tang trắng được mọi người lặng lẽ buộc lên đầu cho nhau.

Ngay cả những phóng viên có mặt cũng không dám nhìn quá mấy giây, không nỡ đưa máy ảnh lên chụp trước cảnh tượng đau lòng: bảy thi thể trong hai gia đình anh em ruột nằm xếp lớp cạnh nhau. Tất cả đều cháy đen, biến dạng.

Bảy chiếc quan tài đã được đặt mua cho bảy thành viên trong gia đình về thế giới bên kia cùng với nhau, trong một giờ, một ngày, một tháng, một năm...

Tất cả xảy ra quá nhanh.

Chỉ một buổi sáng thức dậy, bà Trần Thị Châu Lan (50 tuổi) đã mất đi hai người anh trai, hai chị dâu và ba đứa cháu. Có mặt ở nhà xác, bà chẳng nói nên lời. Đôi mắt bà thất thần, đong đầy nỗi bàng hoàng, đau đớn.

Tuy đã lập gia đình nhưng bà Lan vẫn hay lui tới căn nhà 416 Nguyễn Trãi phụ hai anh bán hàng. Tối đến bà mới về nhà chồng. Bà Lan cho hay đêm trước đó, lúc 19g bà rời cửa hàng như bao buổi tối khác và không thể ngờ đó là lần cuối cùng bà nhìn thấy những người thân ruột thịt của mình.

Căn nhà gia đình hai người anh trai bà Lan ở là nhà gỗ, làm từ sau giải phóng. Gác và cầu thang đã mục. Một hàng xóm cho biết căn nhà đã được rao bán mấy năm nay nhưng chưa bán được.

Tại hiện trường, khi lực lượng cứu nạn cứu hộ đưa tất cả đồ đạc - hầu hết đã bị cháy, chúng tôi nhìn thấy một tấm giấy khen còn nguyên vẹn. Đó là giấy khen học sinh xuất sắc của em Trần Trân Trân khi Trân học lớp 3 (năm 2002) Trường tiểu học Phạm Hồng Thái.

Anh Võ Văn Lộc (34 tuổi), quản lý khách sạn Như Phượng, kể: “Khoảng 3g sáng, khi tôi đang trực thì nghe mùi khét, chạy lên các tầng trên kiểm tra thì không thấy lửa nhưng khói mù mịt, tôi không thở nổi, muốn xỉu. Khi đứng trên sân thượng nhìn xuống đường thấy rực lửa, tôi chạy xuống đập cửa các phòng, la toáng lên để khách chạy xuống hết rồi chạy ra đường la lên cho bà con cứu”.

Khi đó ngoài trời đang mưa khá lớn. Chỉ trong tích tắc, ba nhân viên của khách sạn Như Phượng và một người dân gần đó nghe tiếng la xô cửa chạy đến. Trong tay họ chỉ có mỗi chiếc bình chữa cháy nhỏ xíu nhưng tất cả vẫn nỗ lực tiếp cận cánh cửa, hi vọng có thể dập tắt phần nào ngọn lửa rừng rực hắt ra từ trong nhà. Những tia nước nhỏ xịt vào cánh cửa khiến lửa chỉ tắt vài giây rồi lại bùng lên.

“Lúc chúng tôi chạy sang thì lửa đã cháy rất lớn. Khói mịt mù. Tôi không nghe thấy tiếng la hét kêu cứu. Có lẽ mọi người đã bị ngạt... Cửa thì quá nóng, chúng tôi không tới gần mở cửa được, phải đạp nhưng không đạp nổi” - anh Lộc nói.

Trước tình thế quá nguy cấp, những người dân quanh đó lúc này đã đổ ra nhiều hơn, làm tất cả những thứ có thể để cứu người. Một gia đình có năm cha con đã cùng nhau lăn hai bình chữa cháy lớn đến tham gia dập lửa. Một người đã chạy đến cây xăng gần đó mượn bình cứu hỏa. Một người khác chặn xe đang tưới cây, nhờ họ cùng khẩn cấp chữa cháy.

Nhưng vòi của xe tưới cây ngắn, là vòi chảy, không phun nước lên cao được.

“Lúc đó cứu người là trên hết nhưng lửa quá lớn, chúng tôi không thể làm gì được, xịt hết sạch bình rồi chỉ biết đứng nhìn, thấy đau lòng và buồn lắm” - anh Lộc kể.

Khoảng 15 phút sau, năm xe cứu hỏa của lực lượng PCCC đã nhanh chóng tiếp cận hiện trường và một tốp sáu chiếc sau đó cũng đến yểm trợ để dập tắt ngọn lửa.

Vừa đậu 3 trường ĐH

Là một trong những người chứng kiến cảnh lực lượng chức năng đưa các thi thể ra ngoài, anh Lộc không thể quên được cảnh tượng đau lòng khi đó.

“Họ chết thảm quá - anh Lộc xót xa - Tất cả đều bị biến dạng, cháy đen, co quắp. Hai cái xác được tìm thấy trong nhà vệ sinh, mặt úp xuống nước, trong tư thế như đang tát nước lên người... Xác cô con gái lớn nguyên vẹn nhất, bị cháy nhẹ nhất, trong tư thế nằm như đang ngủ, đeo túi balô phía sau lưng. Xác hai đứa nhỏ nhất thì cháy đen trong tư thế đang ôm nhau”.

Đến trưa, một số người thân trong gia đình hai anh em ông Minh, ông Hùng từ huyện Châu Thành, tỉnh Long An đã khăn gói lên tới nơi. Anh Nguyễn Thái Thanh, người gọi nạn nhân Trần Châu Hùng là chú, cho biết: “Chú Ba (tên gọi trong gia đình của ông Hùng) nói tháng tới giỗ ngoại sẽ về quê. Vậy mà... Hồi mẹ chú Ba chết cũng vào mùa mưa. Mất hơn một năm rồi. Giờ cả nhà hai anh em bảy mạng người cũng đi vào mùa mưa...”.

Nhiều người dân quanh đó tỏ vẻ thương cảm và tiếc nuối, cho biết ông Hùng là tổ trưởng dân phố lâu đời nhất ở đây, từ sau giải phóng.

“Ông Hùng là người sống ở đây mấy chục năm rồi, từ năm 1975. Ổng rất hiền lành, vui vẻ, hay giúp đỡ bà con. Hai gia đình anh em ông Hùng sống rất hòa thuận”, một hàng xóm nói và không giấu được nỗi buồn khi nhớ lại những hình ảnh đáng mến về người tổ trưởng.

Một người thân trong gia đình cho hay ông Hùng từng làm đơn tình nguyện hiến xác cho Bệnh viện Đại học Y dược TP.HCM. Được biết, con trai ông Hùng là em Trần Chấn Huy học rất giỏi, vừa đậu ba trường đại học.

Đại tá Lê Tấn Bửu, giám đốc Cảnh sát PCCC TP.HCM - Ảnh: H.K.
Đại tá Lê Tấn Bửu, giám đốc Cảnh sát PCCC TP.HCM - Ảnh: H.K.

Nạn nhân bị mắc kẹt

Khoảng 8g, UBND TP.HCM, Cảnh sát PCCC TP và các đơn vị liên quan đã họp báo thông tin sơ bộ về vụ cháy.

Tại cuộc họp báo, đại tá Lê Tấn Bửu, giám đốc Cảnh sát PCCC TP, cho biết khoảng 3g10, Công an P.8, Q.5 nhận được tin báo cháy tại căn nhà trên từ người dân địa phương và đã điều động lực lượng công an phường, bảo vệ dân phố... đến nơi dùng các phương tiện chữa cháy tại chỗ dập lửa.

Tuy nhiên, do đám cháy quá lớn nên lực lượng chữa cháy tại chỗ không thể khống chế và đã thông báo cho Cảnh sát PCCC TP.HCM lúc 3g15. Cảnh sát PCCC TP đã điều động 30 cán bộ chiến sĩ từ phòng cảnh sát PCCC Q.8, Q.1 và phòng cứu nạn, cứu hộ cùng năm xe chữa cháy chuyên dụng đến hiện trường để triển khai phương án chữa cháy.

Ngay khi đến hiện trường, đại tá Bửu đã chỉ đạo lực lượng chữa cháy phá cửa sắt, dỡ tôn trên nóc, phía sau nhà... để khói thoát ra ngoài. Từ những nơi này, lực lượng chữa cháy đã dùng vòi nước xịt vào, sau 30 phút thì lửa đã được dập tắt. Một tổ cứu nạn, cứu hộ đã vào trong căn nhà bị cháy để tìm các nạn nhân.

Căn nhà có diện tích khoảng 4x14m, có một gác gỗ. Tầng trệt là nơi chứa hàng hóa làm tóc như ghế, giường nằm, bồn rửa và các loại sơn móng... bị cháy đen, đổ sập trên nền nhà khiến cảnh sát phải thu dọn, đào bới mới tìm được thi thể bốn nạn nhân ở khu vực này.

Trên gác gỗ, tổ cứu hộ phát hiện thêm ba thi thể. Các nạn nhân trong gia đình ông Trần Châu Minh (54 tuổi) được xác định gồm: ông Minh, bà Châu Kim Phượng (57 tuổi) cùng con gái là chị Trần Mỹ Yến (31 tuổi). Gia đình ông Trần Châu Hùng (51 tuổi) gồm: ông Hùng, bà Lâm Phụng (47 tuổi) và hai con là Trần Trân Trân (21 tuổi), Trần Chấn Huy (18 tuổi). Cả bảy nạn nhân đều ngụ cùng địa chỉ trên.

Đại tá Bửu cho biết do căn nhà khép kín, chỉ có cửa sắt phía trước là lối thoát hiểm nên khi xảy ra cháy, các nạn nhân đã bị mắc kẹt, không thể thoát ra ngoài.

Theo nhận định ban đầu, các nạn nhân tử vong là do bị ngạt khói. Nguyên nhân của vụ cháy có thể do người trong gia đình sử dụng các thiết bị điện hoặc đốt nhang, đèn... Hiện Cảnh sát PCCC TP phối hợp với Công an TP khám nghiệm hiện trường, tử thi các nạn nhân để xác định nguyên nhân chính thức của vụ cháy.

Một công an viên P.8, Q.5 cho biết căn nhà có hai hộ gia đình sống chung và đăng ký tám nhân khẩu. Riêng bà Trần Thị Châu Lan (50 tuổi, em gái ông Minh) dù có đăng ký hộ khẩu tại địa chỉ trên nhưng đã theo chồng về sống ở P.11, Q.5 nên không gặp nạn.

Ông Phạm Quốc Huy, phó chủ tịch UBND Q.5, cho biết đây là một sự cố đau lòng. Bước đầu địa phương đã liên hệ được với bà Trần Thị Châu Lan để động viên tinh thần, đồng thời địa phương sẽ đứng ra lo hậu sự chu đáo cho bảy nạn nhân.

 

 

Đường dây nóng: 0943 113 999

Soha
Tags
Báo lỗi cho Soha

*Vui lòng nhập đủ thông tin email hoặc số điện thoại