Việc khai thác cát trong trạm Z được thực hiện trên bình diện rộng, hoạt động cả ngày lẫn đêm. Bà T. - một người dân có nhà đối diện trạm này - nói: “Người ta múc cát cả hai tháng nay rồi. Bên trong làm ầm ầm nhưng họ đóng kín cửa”.
Trạm Z thuộc doanh trại của lữ đoàn 683 thuộc Cục Vận tải (Tổng cục Hậu cần), đóng tại đường Nguyễn Lương Bằng, quận Liên Chiểu, TP Đà Nẵng.
“Mong các anh thông cảm”
Chiều 8-1, bên trong khu vực trạm Z vốn được vây kín bởi bốn bức tường bêtông, việc múc cát diễn ra công khai trước sự chứng kiến của một nhóm cán bộ, chiến sĩ thuộc lữ đoàn 683.
Tại đây, một xe gàu loại lớn đang múc cát từ dưới hố sâu gần 2m đổ vào thùng các xe tải chờ sẵn để chuyển sang một bãi tập kết cách đó khoảng 70m, chờ khô trước khi vận chuyển ra ngoài.
Ghi nhận của Tuổi Trẻ cho thấy sau khi cát được múc lên thì xe ben chở đất đá của Công ty Minh Hòa (chở từ bãi thải Xuân Thiều) đem vào đổ lấp lại vị trí đã lấy cát.
Theo người dân, thời gian gần đây việc chở cát ra ngoài chỉ diễn ra vào ban đêm, còn ban ngày họ múc cát lên tập kết thành bãi lớn và chủ yếu chở đất đá từ ngoài vào để phục vụ việc san lấp.
Chiều 12-1, khi trời vừa chập choạng tối, đội xe tải của Công ty Minh Hòa chuyển toàn bộ cát từ bên trong trạm Z về bãi tập kết Xuân Thiều của Công ty Minh Hòa cách đó chừng 2km.
Sau khi cát được múc lên xe, tài xế liền lấy bạt phủ lại. Cứ một xe cát chở ra khỏi trạm Z, ngay lập tức có nhân viên kéo cửa đóng kín. Đến 19g30 cùng ngày, việc vận chuyển cát kết thúc.
Ông Nguyễn Văn Thuần, giám đốc Công ty Minh Hòa, không thừa nhận việc chở cát lậu từ bên trong trạm Z ra ngoài vào đêm 12-1. Tuy nhiên, khi PV Tuổi Trẻ trưng ra các bằng chứng thì ông bảo rằng: “Mong và xin các anh thông cảm”.
Ông Thuần thừa nhận trước đó công ty ông từng bị UBND TP Đà Nẵng xử phạt 70 triệu đồng vì không chứng minh được nguồn gốc của cát đang tập kết ở bãi Xuân Thiều do công ty ông quản lý.
Trả lời câu hỏi vì sao Công ty Minh Hòa lại được phép vào bên trong trạm Z để khai thác cát, ông Nguyễn Văn Thuần trưng ra một bản hợp đồng được ký giữa công ty ông với đơn vị quản lý trạm Z - lữ đoàn 683.
Theo hợp đồng ký ngày 29-9-2015, giữa một bên là Công ty Minh Hòa (do ông Nguyễn Văn Thuần làm giám đốc) và một bên là lữ đoàn 683 (do thượng tá, lữ đoàn trưởng Phạm Văn Dũng), phía Công ty Minh Hòa thuê 3.000m2 đất tại trạm Z để làm nhà hàng tiệc cưới và kho bãi tập kết vật liệu.
Thời gian thuê 10 năm, bắt đầu từ 15-10-2015 với giá thuê chỉ 5 triệu đồng/tháng. Hợp đồng nói rõ trong quá trình thi công phần móng, Công ty Minh Hòa được vận chuyển đất, cát do đào móng ra khỏi khu vực thi công.
Khi hoàn thành phần móng, phía Minh Hòa phải chịu trách nhiệm hoàn thổ bằng chính số đất cát đã chuyển đi.
“Trước đây tôi tính thuê để làm nhà hàng tiệc cưới nhưng tính lại làm sân tennis hiệu quả hơn nên tôi quyết định xây dựng ở đây hai sân tennis” - ông Thuần nói.
“Làm sân tennis thì ông chở cát ra khỏi trạm Z để làm gì?”, ông Thuần trả lời: “Các anh hỏi ít thôi, hỏi vậy tôi rối lắm”.
Lãnh đạo lữ đoàn 683 nói gì?
Ngày 13-1, trao đổi với Tuổi Trẻ, thượng tá Phạm Văn Dũng khẳng định đơn vị không có chức năng làm kinh tế nên không ký bất cứ một hợp đồng với doanh nghiệp nào cả.
“Lữ đoàn không bao giờ cho bất cứ ai thuê khu đất đó để làm nhà hàng tiệc cưới, vì khu đất đã được quy hoạch làm xưởng sửa chữa ôtô.
Có thể có sự nhầm lẫn gì đó, chứ không có đối tác nào được làm nhà hàng tiệc cưới ở đây. Khu đất đang tạo mặt bằng để sau này xây nhà xưởng” - ông Dũng nói.
Khi PV Tuổi Trẻ trưng ra hợp đồng kinh tế do chính thượng tá Dũng ký với Công ty Minh Hòa thì ông Dũng tỏ ra ngập ngừng. Vòng vo một hồi, ông Dũng xác định đó là hợp đồng thật, do chính ông ký.
Thượng tá Dũng phân trần: “Đúng là có hợp đồng nhưng hợp đồng đó chỉ chở cát thôi chứ không có xây dựng nhà hàng tiệc cưới gì hết.
Do đơn vị không có xe chuyên chở cát nên phải hợp đồng với phía Minh Hòa để nhờ họ chở cát từ trạm Z phục vụ việc thi công sân tập thể thao của đơn vị”.
Ông Dũng cho biết hợp đồng giữa đơn vị với Công ty Minh Hòa có trị giá “tầm 100 triệu đồng gì đó”, nhưng khi được đề nghị cho xem bản hợp đồng vận chuyển cát với Công ty Minh Hòa thì ông Dũng “hẹn dịp khác”, vì người giữ hợp đồng không có mặt tại đơn vị.
Trả lời câu hỏi việc xin cải tạo mặt bằng trạm Z có được sự chấp thuận bằng văn bản nào của cấp trên không, ông Dũng nói chỉ báo cáo “xin phép mồm với cấp trên”.
Theo ông Dũng, không có chuyện lén lút chở cát ban đêm. “Chúng tôi chỉ chở cát ban ngày thôi” - ông Dũng nói. Nhưng khi được cho biết có nhiều bằng chứng ghi lại cảnh xe chở cát ban đêm thì thượng tá Dũng im lặng.
Lúc sau ông Dũng nói: “Có thể lúc đó cán bộ lữ đoàn trực đã về ngủ”.
Trao đổi về việc khai thác, đại tá Đỗ Hữu Cẩn - chính ủy lữ đoàn 683 - cho biết trước đây trạm Z rộng tầm 10.000m2 là nơi đóng quân của tiểu đoàn 410, sau đó đơn vị này dời ra Quảng Trị.
Hiện khu đất này được tính toán sẽ làm nhà xưởng, không cho ai thuê lâu dài.
Theo đại tá Cẩn, việc múc cát tại trạm Z có độ sâu khoảng 1,5-2m, bên dưới có nhiều nước nên không thể múc sâu hơn được. Còn việc chở cát vào ban đêm ông hoàn toàn không biết.
Địa phương không biết
Chiều 14-1, phó chủ tịch UBND P.Hòa Khánh Bắc (Q.Liên Chiểu) Phan Văn Đại khẳng định đến thời điểm này địa phương hoàn toàn không nắm được việc khai thác cát ở trạm Z, bởi đây là doanh trại quân đội nên mọi hoạt động bên trong đều do phía quân đội quản lý.
Một lãnh đạo UBND Q.Liên Chiểu cũng cho rằng ông chưa nghe thông tin gì về việc khai thác cát lậu tại trạm Z nói trên. “Chúng tôi sẽ cho lực lượng đi kiểm tra ngay bây giờ” - vị lãnh đạo này nói.
Theo tìm hiểu của Tuổi Trẻ, đến thời điểm này chưa có doanh nghiệp nào trên địa bàn Q.Liên Chiểu được UBND TP Đà Nẵng cấp phép khai thác cát trắng.
Tuyên bố của lãnh đạo TP Đà Nẵng mới đây nêu rõ nếu để xảy ra nạn khai thác cát trái phép trên địa bàn thì chủ tịch quận, phường phải chịu hoàn toàn trách nhiệm, thậm chí có thể bị cách chức.