Ngôi nhà hai gian nằm heo hắt giữa cánh đồng lúa, là nơi cư ngụ của gia đình ông Hoàng Văn Giáp suốt nhiều năm qua.
Thấy thương cho hoàn cảnh khốn khó của gia đình ông Giáp, nên ông Nguyễn Văn My (cậu ruột của ông Giáp) đã để lại mảnh đất rộng chừng 70m2, mà trước đây ông khai hoang được, cho ông Giáp làm nơi dựng nhà.
Anh em, họ hàng và nhà chùa ở địa phương cũng đã góp gạch xây cho ông mấy gian nhà ở tạm trên mảnh đất ấy, để họ lấy chỗ che mưa, che nắng.
Ở cái tuổi gần 60, với thân hình ốm yếu, khuôn mặt khắc khổ và mái tóc bù xù dường như ít khi cắt tỉa, ông Giáp vẫn phải lang thang cùng vợ con trên khắp các nẻo đường của Thành phố Hưng Yên để xin ăn.
Được biết trước đây khi còn nhỏ, ông Giáp cũng đã phải theo bố mẹ tha phương khắp nơi để xin ăn và bây giờ ông lại tiếp tục “nối nghiệp” xưa, nhưng với ông thì: “May mà bố mẹ để lại cho cái nghề không thì chết đói”.
Ông Giáp vốn thể trạng yếu, lại thêm tâm trí không được bình thường nên không có khả năng lao động; miếng cơm ông ăn, manh áo ông mặc hầu như đều là những thứ mà ông xin mới có được.
Hiện ông sống cùng vợ là bà Tạ Thị Ngàn, hai người con gái và một người em. Tuy nhiên, bà Ngàn và người em gái của ông Giáp cũng mắc chứng tâm thần và họ cùng sống dựa vào “những chuyến đi xin” là chính.
Do người em gái sống cùng với gia đình ông Giáp nên hai gian nhà và bếp đều phải phân đôi cho người em của ông một nửa, bên trong chỉ còn kê được vỏn vẹn có chiếc giường đã bị mục nát và mấy thứ linh tinh, vụn vặt.
Trong gian nhà ẩm thấp, xập xệ, thiếu ánh sáng do không có điện này, chúng tôi không thấy gì đáng giá ngoài những bao tải quần áo mà họ xin được, chất thành đống trong nhà, trong bếp, bờ rào và bất cứ nơi nào mà họ có thể chất được.
Và cuộc hành trình tìm kiếm kế sinh nhai của gia đình 4 miệng ăn này, bắt đầu khi mặt trời mọc và kết thúc khi mặt trời xế bóng.
Họ đi bộ hàng trăm cây số mỗi ngày, len lỏi qua từng ngóc ngách của phố thị với mong muốn được một bữa no.
“Đi xa nên nhiều hôm mỏi chân quá phải nghỉ giữa đường. Ai cho gì cũng lấy, có người cho quần áo, có người cho ăn cơm, có người lại cho tiền, nhưng được khoảng vài chục thôi, có hôm đi cả ngày nhưng chả ai cho đồng nào” - bà Ngàn tâm sự.
Buổi sáng trước khi lên đường, vợ chồng ông Giáp và hai đứa con cũng kịp lót dạ bằng ít cơm nguội chế với bột canh. Còn những khi hết cơm nguội thì cả nhà nhịn đói, may ra đến trưa có người cho mẩu bánh mì thì cả nhà chia nhau.
Vẫn còn đó mùi ngai ngái của cà muối bị úng, và vẫn còn đó cái mùi khó tả của rau muống nấu lẫn với khoai dại, “hai đứa nhỏ cũng ăn rau thôi, chúng không đòi ăn thịt nên cũng không hay mua” - bà Ngàn chia sẻ.
Điều đặc biệt ở vợ chồng ông Giáp khiến cho hàng xóm phải “ngưỡng mộ”, vì cái tính “nghèo nhưng sạch”.
Bà Nguyễn Thị Đào, hàng xóm của ông Giáp cho biết: “Gia đình họ mang tiếng ăn xin vậy thôi, nhưng đồ đạc của chúng tôi ở đây có bao giờ họ lấy đâu.
Tôi có miếng đất trồng rau trước nhà anh Giáp nhưng họ cũng không lấy, chỉ khi nào có tôi ở đấy thì họ mới xin thôi".
Hàng tháng gia đình ông Giáp cũng được hỗ trợ tiền hộ nghèo và tàn tật với mức 360.000đ/tháng nhưng vì cả nhà 4 miệng ăn, hai đứa trẻ lại đang trong tuổi ăn tuổi lớn, nên số tiền ấy cũng chẳng thấm vào đâu.
Được biết hai người con của ông bà đến thời điểm hiện tại vẫn chưa có giấy khai sinh, cho dù chúng đã 4-5 tuổi và cũng không ai nhớ rõ ngày sinh của chúng.
Không ai còn nhớ ngày những đứa trẻ đáng yêu này được sinh ra
Chia sẻ với chúng tôi, ông My nghẹn ngào: “Hai đứa nhỏ nó thiệt thòi quá, vì bố mẹ chúng như thế, nhà lại nghèo nữa, không biết sau này chúng nó có đi học được cái chữ không.
Giờ tôi chỉ mong muốn có người quan tâm đến hoàn cảnh của chúng một tí thôi là tôi cũng mừng lắm rồi”.
Nói về những đứa trẻ, bà Đào nói thêm: “Không biết sau này thế nào, chứ bây giờ hai đứa bé vẫn nhanh nhẹn lắm; được trời sinh trời dưỡng hay sao ấy, chúng kháu khỉnh và cũng khỏe mạnh, đi nắng suốt ngày mà không thấy ốm đau gì”.
Ông Vũ Minh Đảm - Phó Chủ tịch Uỷ ban nhân dân xã Liên Phương cho biết: “Gia đình ông Giáp thuộc diện hộ nghèo nhất trong những hộ nghèo ở địa phương chúng tôi.
Hàng tháng, ngoài tiền được trợ cấp cho hộ nghèo thì đến ngày lễ Tết địa phương cũng tặng gạo và vật phẩm tiêu dùng. Nhưng vì kinh phí của địa phương còn eo hẹp nên việc giúp đỡ cho gia đình ông Giáp cũng hạn chế”.
Hãy chung tay giúp đỡ những hoàn cảnh thương tâm bằng cách gửi tiền ủng hộ đến Quỹ Tấm lòng Thiện, Báo điện tử Trí thức trẻ. Tài khoản: 1912.832.546.5015 Báo Điện tử Trí Thức Trẻ - Techcombank Lĩnh Nam - Hà Nội Địa chỉ: Tầng 21, tòa nhà Hapulico Center Building, số 1 Nguyễn Huy Tưởng, quận Thanh Xuân, Hà Nội. Tòa soạn sẽ là nhịp cầu nối Tấm lòng thiện của độc giả tới những hoàn cảnh khó khăn. |