Bất chấp phản biện, Long An vẫn quyết đập cầu cổ

Mai Quốc Ấn |

Tỉnh Long An vừa tổ chức cuộc họp báo để thông tin về số phận của cầu đúc Tân An, cây cầu cổ được dư luận quan tâm suốt thời gian qua.

Làm ngược

Phát biểu tại cuộc họp, nhà báo Lê Đại Anh Kiệt, báo Pháp luật VN nêu ý kiến: “Tôi đang có trong tay thư trình bày của một chuyên gia tên Vũ Tiến Thành đã tham gia xây, sửa chữa hàng trăm cầu tại Việt Nam.

Ông Thành khẳng định hiện trạng cầu như hiện nay thì chỉ cần sửa với chi phí khoảng 7 tỷ để sử dụng thêm 50-100 năm nữa so với xây mới tốn 62 tỷ”.

Ông Anh Kiệt đánh giá việc chính quyền địa phương nhất quyết giữ phương án đập cũ, xây mới cầu đúc Tân An không khác gì đập một món đồ cổ để tạo ra một cây cầu giả cổ.

“Cầu cổ mà chưa được xác định là di sản là lỗi của chính quyền địa phương”, ông Kiệt phát biểu.

Đa số các nhà báo đều phát biểu rằng thông tin mà địa phương cung cấp quá vắn tắt, không cụ thể.

Nhà báo Hữu Danh, báo Nông Thôn Ngày Nay thắc mắc rằng địa phương cho rằng cần đập cầu là do có văn bản từ Pháp nhưng đến nay chưa thấy công bố văn bản ấy.

Nhà báo Sơn Lâm, báo Tuổi Trẻ đặt ra một loạt các câu hỏi về quy trình của địa phương đã “làm ngược”. Ví dụ như đập cầu trước, dân phản ứng thì dừng lại rồi mới thẩm định sau.

Tuy nhiên, nhà báo Minh Thông của báo Sài Gòn Giải Phóng lại nghĩ khác. Ông Minh Thông cho biết: “Theo tôi, cầu đường là để đi, cầu tiêu là để... Nếu nó cũ thì cứ đập!”. 

Nhà báo Thanh Bình của Thông Tấn Xã Việt Nam nhận định về vụ cầu Tân An: “Tôi nghĩ làm sao cho hợp lý chứ lỡ đập rồi phải đập luôn xây mới.”

Chỉ cần sửa, nhưng vẫn quyết đập

Giám đốc Sở Giao thông - Vận tải tỉnh Long An Phạm Văn Cảnh cho biết sẽ cung cấp hình ảnh và tài liệu khảo sát hiện trạng cầu cho báo chí bằng văn bản.

Ông thừa nhận quy trình phá dỡ cầu Tân An là không đúng và Thường vụ tỉnh ủy Long An đã yêu cầu kiểm điểm trách nhiệm.

Ông Cảnh nói thêm: “Chúng tôi cũng có lỗi vì không hỗ trợ thành phố Tân An vụ này. Vì ban đầu không phải nhiệm vụ của sở Giao thông. Việc cần xây cầu là dành cho tương lai khi thành phố Tân An sẽ lớn hơn bây giờ".

Ông Lê Văn Hùng, Chủ tịch thành phố Tân An, tỉnh Long An cho biết: “Việc đập cũ, xây mới là chủ trương đã có từ những năm 2000 đến nay.

Báo chí thắc mắc tại sao chưa có nhà thầu mà vẫn ra quyết định đập thì xin thưa là do chờ chủ trương của tỉnh ủy, ủy ban nên chúng tôi chưa dám chọn nhà thầu.

Nếu chọn sẽ yêu cầu nhà thầu làm nhanh để đảm bảo thời gian dự kiến.”

Chốt lại, chính quyền địa phương tại Long An vẫn quyết tâm đập bỏ cầu đúc Tân An với kế hoạch đập cầu cũ, xây cầu mới trong 22 tháng và hoàn thành trong năm 2017.

Tuy nhiên, đến phần trình bày của đơn vị tư vấn sau khi đã khảo sát rất kỹ lại đưa ra một kết luận hoàn toàn khác với “mong muốn” của chính quyền địa phương:

“Cầu đúc Tân An được khai thác với tải trọng xe 8 tấn. Tuy nhiên một số bộ phận kết cấu có hiện tượng xuống cấp. Do đó để đảm bảo khai thác cầu đúc Tân An cần sửa chữa ngay các hư hỏng trong cầu, vì các hư hỏng này sẽ ảnh hưởng đến khả năng khai thác của cầu”.

Nhà báo Nguyễn Phấn Đấu nhận định: “Tôi cảm nhận rằng đây không phải là họp báo mà là họp thông báo về quyết định đập Cầu Đúc Tân An theo chỉ đạo của tỉnh ủy, UBND tỉnh Long An.

Tôi là người gắn bó với xứ Tân An hơn 30 năm nhưng nghĩ rằng nếu chưa rõ ràng mà đã đập cầu thì rất đáng tiếc.” 

Nhà báo Lê Đại Anh Kiệt nói: "Nói không phong di sản để đập là không thuyết phục. Muốn phong di sản thì phải lập hồ sơ báo lên trên chứ.

Nếu nói là cầu của người Việt xây thì càng đáng quý nữa, sao lại không giữ? Tỉnh ủy bảo tạm dừng lại nhưng từ đó đến nay chiếc xe múc vẫn đậu trên cầu như chờ sẵn để đập".

Cầu đúc Tân An là cây cầu đúc bê tông đầu tiên bắc qua kênh Bảo Định, thủy lộ nhân tạo đầu tiên nối liền Gia Định với miền Tây. Cầu đúc Tân An nằm trên địa bàn thành phố Tân An, tỉnh Long An.

Ngày 25/10/2015, chính quyền địa phương tiến hành đập cầu và thật lạ lùng là chiếc xe múc nặng 28 tấn đã chịu thua cầu đúc Tân An và hư trục cần múc ngay tại chỗ.

Đến 2/11/2015, chính quyền tạm dừng đập cầu nhưng cầu đúc Tân An đã bị đập hư hại một số chỗ.

Đường dây nóng: 0943 113 999

Soha
Báo lỗi cho Soha

*Vui lòng nhập đủ thông tin email hoặc số điện thoại