Bàn thờ và mâm cơm cúng ngày Tết nên bày thế nào cho đúng?

Hoàng Đan |

Tết Nguyên đán là dịp con cháu con thể hiện sự tri ân với tổ tiên. Hãy cùng nghe các chuyên gia khuyên về việc bày bàn thờ cũng như mâm cúng cho đúng trong những ngày này.

Trang trí bàn thờ thế nào cho đúng?

Theo Đại đức Thích Thanh Thắng, Ủy viên Ban Văn hóa Trung ương GHPGVN, bàn thờ là nơi thiêng liêng nhất trong không gian sinh sống của người Việt.

Trước đây, với kiến trúc nhà ở truyền thống (nhà 3 gian, 5 gian), bàn thờ bao giờ cũng được đặt ở gian chính giữa.

Không chỉ vào những ngày tuần rằm, giỗ chạp người ta mới tổ chức cúng lễ, mà mỗi khi đi xa về gần, có hoa trái ngọt đầu mùa người ta đều ý thức dâng cúng ông bà tổ tiên.

Bàn thờ của người Việt thường được sắp đặt hướng theo hướng chính và trang trọng nhất của ngôi nhà, cũng có những người tin vào thuật phong thủy thì đặt theo hướng hợp với cung mệnh của người chủ nhà.

Ngày nay, không gian thờ cúng của người Việt có nhiều thay đổi, thường thì người ta dành tầng cao nhất trong tòa nhà cho việc thờ cúng, để không lẫn với không gian sinh hoạt thường ngày.

Không gian cao hơn này thuận lợi cho người trẻ, nhưng bất tiện cho người lớn tuổi, nhất là người già yếu. Trong khi họ lại là những người quan tâm tới việc thờ cúng nhiều hơn.

Chỉ cần người trẻ mải mê làm ăn, thì không gian ấy sẽ rất dễ lâm vào tình trạng hương lạnh khói tàn.

Đại đức Thích Thanh Thắng.
Đại đức Thích Thanh Thắng.

"Có thể nói, ngày Tết, không gian ấm cúng, sung túc nhất chính là ban thờ, nơi thể hiện rõ nhất cái tâm của chủ nhà đối với tổ tiên.

Bàn thờ được chăm chút sạch sẽ, ấm cúng sẽ mang lại hòa khí, mỗi khi buồn bực, nóng giận, nhìn vào đó người ta sẽ dịu lòng mình lại.

Thế nên, việc ông bà, cha mẹ thường quan tâm đến nghi lễ thờ cúng sẽ giúp cho con cháu cảm nhận được ý nghĩa thiêng liêng, đặc biệt trong những ngày Tết", Đại đức Thích Thanh Thắng nói.

Còn theo thạc sỹ Nguyễn Văn Kiên, chuyên gia nghiên cứu phong thủy độc lập, bàn thờ tổ tiên chính là một cách thể hiện chữ Hiếu.

"Việc giữ gìn bàn thờ luôn sạch sẽ, mát mẻ không chỉ thể hiện sự chăm sóc và tôn kính của con cháu đối với ông bà tổ tiên mà còn là sự chăm sóc đến cái tôi tâm linh ở mỗi con người", ông Kiên bày tỏ.

Cũng theo ông Kiên, trên bàn thờ tổ tiên, ở chính giữa đặt bát hương (tượng trưng cho tinh tú) và trên bát hương có cây trụ để cắm hương vòng (tượng trưng cho trục vũ trụ);

Ở hai góc ngoài bao giờ cũng có hai cây đèn dầu (hoặc nến) tượng trưng cho mặt trời ở bên trái và mặt trăng ở bên phải. Khi cần “giao tiếp” với tổ tiên (có lúc thỉnh cầu, có khi sám hối…), người ta thường đốt nến (đèn dầu) và thắp hương.

Mọi nguyện cầu theo các vòng khói hương chuyển đến ông bà tổ tiên.

Bàn thờ tổ tiên luôn cần được thanh tịnh. Vì thế, đồ tế lễ chỉ có thể là hương, hoa, trà, quả… Những ngày giỗ Tết, con cháu muốn dâng cúng cỗ mặn phải đặt ở một chiếc bàn phụ phía trước và thấp hơn bàn thờ chính.

Mâm cơm cúng ngày Tết cần những gì?

Theo Đại đức Thích Thanh Thắng, không khí Tết rõ nhất sau ngày tiễn ông Công ông Táo về trời, đến ngày 30 Tết, người ta làm lễ tất niên, bày cỗ chính thức thỉnh mời tổ tiên về ăn Tết với con cháu.

Đến giao thừa người ta bày mâm cúng ngoài sân để cúng trời đất và các vị thần linh. Hết 3 ngày, người ta làm lễ tiễn ông bà tổ tiên.

Đối với đạo Phật, việc thờ cúng chỉ là một hình thức mang tính biểu tượng, còn cái tâm của chủ nhà mới là điều quan trọng.

Một gia đình làm nghề nghiệp chân chính, con hiền cháu thảo, thì việc thờ cúng tổ tiên càng có ý nghĩa thiêng liêng hơn.

Các cụ nói “tùy tiền biện lễ”, không cứ phải mâm cao cổ đầy, nhưng một số vật phẩm như mâm ngũ quả, bánh chưng, xôi oản… là không thể thiếu trong dịp Tết.

Quan trọng là không chỉ vào ngày Tết, mà việc thờ cúng suốt quanh năm nên được chăm chút sao cho sạch sẽ trang nghiêm, không trang trí lỉnh kỉnh, rườm rà,  lòe loẹt, không nên thắp quá nhiều hương (nhang), không nên đốt vàng mã...

Còn theo ông Kiên, mâm cơm cúng ngày Tết được tổ chức nấu nướng và bày biện khá công phúc.

Tuỳ từng hoàn cảnh kinh tế của mỗi gia đình mà các mâm cỗ cúng lớn nhỏ khác nhau, nhưng tựu chung đầy đủ 4 món cơ bản là: bánh chưng, thịt lợn, dưa hành và cơm tẻ.

Món bánh chưng tượng trưng cho sự sinh sôi nảy nở của muôn loài và con người mỗi năm một tuổi. Thịt lợn chế biến thuộc về âm, dưa hành thuộc về dương, âm dương hài hoà tượng trưng cho sự phát triển.

Cơm tẻ là lương thực hàng ngày, nên trong mâm cỗ có nếp, có tẻ cũng như có âm có dương đầy đủ lẽ sinh sôi.

Bát nước chấm đặt giữa mâm hình tròn với 4 bát cơm đặt 4 góc mâm, tượng trưng cho trời đất vũ trụ, mà con người dù ở cõi âm hay dương đều có cuộc sống trong đó.

Tết Nguyên đán thường tổ chức 4 ngày và lễ cúng gia tiên cũng được trình tự cúng trong 4 ngày với những ý nghĩa khác nhau. Chiều 30 Tết có lễ cúng tất niên, tức là cúng trình với ông bà, tổ tiên năm cũ đã hết.

Đêm 30 cúng giao thừa, thời điểm chuyển tiếp năm cũ sang năm mới.

Sáng mùng 1 Tết là cúng Nguyên đán, nghĩa là cúng sáng sớm của một ngày đầu năm. Chiều mùng 1 Tết cúng Tịch điện, tức là cúng cơm chiều.

Ngày mùng 2 Tết có 2 lễ cúng, buổi sáng cúng mời tổ tiên gọi là Chiêu điện, buổi chiều cúng Tịch điện. Ngày mùng 3 là ngày cuối của tết, nên cúng Tạ Ông vải, với ý nghĩa 4 ngày tết đã đầy đủ.

 

Đường dây nóng: 0943 113 999

Soha
Báo lỗi cho Soha

*Vui lòng nhập đủ thông tin email hoặc số điện thoại