Băn khoăn với tàu điện Trung Quốc

Văn Duẩn |

Dự kiến từ ngày 20-10, toa tàu điện mẫu của tuyến đường sắt trên cao Cát Linh - Hà Đông sẽ được trưng bày tại Trung tâm Triển lãm Giảng Võ (Hà Nội) trong 3 tháng để lấy ý kiến người dân và giới chuyên môn.

Theo đại diện Ban Quản lý dự án Đường sắt - Bộ Giao thông Vận tải, toa tàu mẫu này dài 20 m, mô phỏng tỉ lệ 1/1 cả về hình dáng, kết cấu, nội ngoại thất.

Sau khi lấy ý kiến người dân và các cơ quan chuyên môn, toa tàu sẽ được chỉnh sửa cho phù hợp trước khi sản xuất chính thức.

Màu sắc không sang, không đẹp

Theo hợp đồng đã ký kết với Trung Quốc, Việt Nam sẽ mua 13 đoàn tàu cho dự án đường sắt đô thị Cát Linh - Hà Đông, tổng chi phí hơn 63,2 triệu USD.

Mẫu tàu đường sắt Cát Linh - Hà Đông do Trung Quốc sản xuất và nội thất bên trong (ảnh nhỏ) Ảnh: KIM THÀNH
Mẫu tàu đường sắt Cát Linh - Hà Đông do Trung Quốc sản xuất và nội thất bên trong (ảnh nhỏ) Ảnh: KIM THÀNH

Đoàn tàu gồm 4 toa. Thân tàu sử dụng vật liệu thép không gỉ do Công ty TNHH Trang thiết bị tàu điện ngầm Bắc Kinh sản xuất.

Tàu có màu xanh lá cây, họa tiết trang trí biểu tượng Khuê Văn Các ở giữa đầu tàu và tại các vị trí nổi bật, phía dưới là dòng chữ Cát Linh - Hà Đông.

“Sau khi tiếp thu ý kiến, trong quá trình chế tạo sản xuất đoàn tàu chính thức sẽ cập nhật vài chi tiết cho phù hợp hơn” - ông Lê Kim Thành, Tổng Giám đốc Ban Quản lý dự án Đường sắt, cho biết.

Trước đây, giữa tháng 9-2015, một số hình ảnh về đoàn tàu mẫu tuyến Cát Linh - Hà Đông đã được công bố và nhận được nhiều ý kiến trái chiều xung quanh thiết kế kỹ thuật, mỹ thuật.

Ông Nguyễn Văn Ninh - cán bộ hưu trí ở quận Nam Từ Liêm, TP Hà Nội - cho rằng màu xanh lá cây của tàu nhìn không đẹp, không sang.

“Sao chúng ta không tham khảo những mẫu tàu ở các nước phát triển như Nhật Bản hay châu Âu? Chúng ta cũng có thể dùng màu xanh lục kết hợp màu trắng hoặc màu trắng với đỏ, nhìn sẽ đẹp và sang hơn” - ông Ninh nhận xét.

Trong khi đó, anh Nguyễn Khắc Tiến - một kỹ sư xây dựng ở quận Thanh Xuân, TP Hà Nội - thì cho rằng mẫu tàu này không quá xấu nhưng nếu dùng màu xanh ngọc thì sẽ đẹp hơn. Anh Tiến còn tỏ ra băn khoăn về chất lượng của tàu.

Theo một số chuyên gia giao thông, do mới công bố các mẫu tàu qua những bức ảnh nên rất khó để đánh giá chính xác về đoàn tàu.

“Khi toa tàu trưng bày, được xem trực quan thì lúc đó mới có thể nhận xét, đánh giá xác đáng” - một chuyên gia nhìn nhận.

Dự án nhiều tai tiếng

Dự án đường sắt đô thị Hà Nội tuyến trên cao Cát Linh - Hà Đông được đầu tư xây dựng bằng vốn vay ODA của Trung Quốc theo Hiệp định khung ký ngày 30-5-2008.

Dự án có tổng mức đầu tư 8.770 tỉ đồng (tương đương 552,86 triệu USD), trong đó vốn vay của Trung Quốc là 419 triệu USD.

Dự án do Công ty Hữu hạn Tập đoàn Cục 6 Đường sắt Trung Quốc (Tổng thầu EPC) tổng thầu thi công toàn bộ.

Dự án có chiều dài tuyến trên cao hơn 13 km, từ nút giao Cát Linh - Giảng Võ đi dọc theo dải phân cách phố Hào Nam, phố Hoàng Cầu, ngõ Thái Thịnh I, tới đường Láng rẽ trái men theo sông Tô Lịch và tiếp tục đi dọc theo dải phân cách đường Nguyễn Trãi về Hà Đông.

Ngày 10-10-2011, Bộ Giao thông vận tải đã khởi công dự án này. Đến đầu năm 2014, dự án được các bên liên quan đề xuất điều chỉnh tổng mức đầu tư lên 868,04 triệu USD.

Dự án khi khởi công được cam kết hoàn thành vào cuối năm 2014, chạy thử toàn tuyến vào năm 2015 và quý I/2015 sẽ vận hành chính thức.

Tuy nhiên, do nhiều vướng mắc về mặt bằng, điều chỉnh vốn và gặp sự cố nên mốc hoàn thành dự án để đưa vào khai thác được lùi tới cuối năm 2016.

Dự án chậm tiến độ ở hàng loạt hạng mục, gây ùn tắc giao thông khiến người dân Hà Nội khốn khổ và bức xúc mỗi khi đi qua các tuyến đường này.

Chưa kể trong quá trình thi công, tổng thầu Trung Quốc còn để xảy ra hàng loạt sự cố như vụ 2 thanh sắt từ giàn giáo bắc qua đường Nguyễn Trãi rơi xuống đè chết 1 người và làm 2 người khác bị thương vào sáng 6-11-2014. Hơn 1 tháng sau, một giàn giáo bê tông của dự án bất ngờ đổ sập đè bẹp một chiếc taxi.

Mới đây, Thanh tra Bộ Lao động - Thương binh và Xã hội cũng phát hiện hàng loạt sai phạm về an toàn lao động, trả lương thấp, trốn đóng bảo hiểm cho người lao động của tổng thầu Trung Quốc.

Cơ quan thanh tra còn phát hiện tổng thầu chưa kiểm định kỹ thuật an toàn lao động với 8 máy móc, thiết bị thuộc danh mục yêu cầu nghiêm ngặt về an toàn lao động; chưa lập phương án xử lý, ứng cứu khẩn cấp khi xảy ra sự cố với máy móc, thiết bị trong hồ sơ kỹ thuật, biện pháp thi công như quy định.

Không phải muốn thay đổi là được

Trong một lần trao đổi với báo chí, Bộ trưởng Bộ Giao thông Vận tải Đinh La Thăng cho biết vì việc mua đoàn tàu của Trung Quốc cho tuyến đường sắt Cát Linh - Hà Đông mà ông nhận được rất nhiều tin nhắn với nội dung đề nghị, khuyên giải, thậm chí đe dọa đừng mua đoàn tàu của Trung Quốc.

Có người còn đặt câu hỏi với tư lệnh ngành giao thông vận tải: “Hay là có vấn đề gì với Trung Quốc?”.

Bộ trưởng Đinh La Thăng cho rằng việc mua đoàn tàu của Trung Quốc là 1 trong các điều kiện theo hiệp định đã được ký giữa hai Chính phủ.

Vì vậy, việc thay đổi là rất khó khăn. Thậm chí, ngay cả chuyện nhà thầu Trung Quốc rất yếu kém, nhiều lần Bộ Giao thông Vận tải muốn thay nhưng cũng không thể thay được.

Đường dây nóng: 0943 113 999

Soha
Báo lỗi cho Soha

*Vui lòng nhập đủ thông tin email hoặc số điện thoại