Bấm còi, Mỹ phạt 7,5 triệu đồng, Việt Nam phạt... 100.000 đồng

Đặng Tươi - Trà My |

Bấm còi, “cướp” đường, vượt đèn đỏ, lấn tuyến..., chuyện biết rồi mà “khổ lắm nói mãi” khi đi trên đường phố Việt Nam. Và tiền phạt ở VN bằng 1,3% so với Mỹ!

Ba giây là bấm - Tranh: Thành Phong

Nhiều người đã than trời vì đi trên đường phố Việt Nam, nhất là các thành phố lớn, inh ỏi tiếng còi xe. Cứ chầm chậm ba giây thôi là chắc chắn nghe tiếng còi xe bấm.

Còi của tôi, tôi cứ bấm

Không ai phủ nhận tác dụng của chiếc còi xe nhưng có những người lại sử dụng nó một cách vô tội vạ, làm ảnh hưởng đến sức khỏe và tinh thần của những người cùng tham gia giao thông.

Anh Hoàng Nhân (Q.10, TP.HCM) dẫn lại những tai nạn thương tâm vì tiếng còi xe làm người đi đường hoảng hốt và không vững tay lái.

“Tôi là đàn ông mà nghe tiếng còi xe tải, xe buýt còn giật mình, huống hồ gì những chị em phụ nữ, tay lái không vững như mình. Nghe tiếng còi lớn, giật mình, run tay hay loạng choạng tay lái một chút là nguy hiểm tính mạng như chơi.

Tôi nghĩ cái còi trên xe mình là của mình nhưng phải dùng cái đầu để suy nghĩ lúc nào nên bấm, lúc nào không nên chứ không thể bấm bừa chỉ vì muốn đi nhanh, về lẹ”, anh Nhân bức xúc nói.

Anh Johnson Lee, một người Singapore đến Việt Nam du lịch, kể lại câu chuyện của mình khi ngồi trên taxi vào giờ cao điểm.

“Tài xế cứ bấm còi liên tục dù chẳng có tác dụng gì vì các phía đều kín xe. Trong khi chúng tôi cũng không hề hối thúc anh ta phải lái nhanh hay gì cả. Tiếng còi chỉ làm người ngồi trong xe và cả người đi đường khó chịu thêm”, anh kể.

Anh Bảo Huy chia sẻ “nhiều người bấm còi cứ như hù người đi trước”. Đồng tình, anh Hùng Cường nhận xét nhiều xe (nhất là ôtô, xe buýt) có thói quen rất vô văn hóa: đường thì đông, biết không chạy lên được nhưng vẫn cứ bấm còi um sùm.

Một bạn đọc khác chia sẻ quan điểm ở Việt Nam ra đường mà không bấm còi thì rất nguy hiểm nhưng văn hóa bấm còi của các phương tiện tham gia giao thông rất bát nháo.

“Chờ đèn đỏ chưa kịp lăn bánh là xe sau bấm còi, qua mặt bấm còi, đi chậm bấm còi, đi nhanh bấm còi và đôi khi bấm theo tiếng nhạc cho vui...”, bạn đọc ngao ngán.

Nhiều độc giả cho rằng chỉ nên bấm còi khi có những việc cấp bách, cần thiết phải sử dụng còi để cảnh báo.

“Chẳng hạn khi người đi trước cứ lạng lách hay nhắn tin, nghe điện thoại thì phải bấm còi để nhắc họ, nếu không có thể gây nguy hiểm cho họ, cho mình và những người xung quanh nữa.

Tuy nhiên, phải phạt những hành vi bóp còi vô văn hóa, vô tội vạ thì đường phố mới văn minh, lịch sự và đôi khi tai nạn cũng có thể được hạn chế”, chị Ngọc Hân (Đồng Nai) chia sẻ.

Khi bốn bề không chỗ nào nhích được, nhiều người vẫn bấm còi xe dù biết chẳng có tác dụng gì

Kiểu gì cũng bị chửi

"Đèn đỏ còn vài giây mà không chạy... bị chửi. Đèn vàng còn một giây mà dừng... bị chửi. Dừng xe bên phải ở góc đường, xe phía sau không rẽ phải được... bị chửi. 

Muốn vượt lên xe phía trên: bấm còi. Muốn rẽ phải, rẽ trái: bấm còi. Thấy người ta bấm: bấm còi theo... cho vui. Ra đường chạy xe cẩn thận chút là có nguy cơ bị chửi như chơi", anh Quốc Bảo (Gò Vấp, TP.HCM) đúc kết kinh nghiệm.

“Có lần mẹ mình chạy xe sát lề lúc trời mưa, bị một cô gái phía sau cứ bấm còi thúc ép để cô ấy vượt lên… bên phải.

Mẹ mình khó chịu quá nên quyết định dừng xe lại rồi dắt lên lề, nhường chỗ cho cô gái kia vượt lên. Vậy mà cô ấy còn quay lại chửi mẹ mình: bà già hâm, không biết chạy xe ở nhà ngủ đi”, anh Bảo bức xúc kể.

Chị Nguyên Thảo (Q.Bình Thạnh, TP.HCM) cho biết một lần mình bị chửi vì “dám” không nhường đường cho một đôi nam nữ muốn rẽ phải tại một ngã tư.

“Đường lúc đó lại rất đông, mình không còn chỗ nhích nên đành phải dừng xe ngay góc. Đôi nam nữ đó cứ chửi vọng lên những từ ngữ rất khó nghe và vô văn hóa.

Đi đường đông đã bực, còn gặp thêm những người như vậy thì khó chịu vô cùng”, chị Thảo chia sẻ.

Một bạn đọc khác kể với TTO: “Có lần ở ngã tư, taxi đi trước xinhan quẹo phải đã qua được nửa xe. Mình ở phía sau chạy chậm lại để nhường đường vì cái xe nằm ngang thế kia sẽ bị kẹt xe mà phía trước cũng không có đường chạy.

Thế mà một ông thanh niên chạy phía sau cố tình ủi vào xe mình rồi còn chửi rủa đèn xanh sao không chạy, sau đó cố vượt lên bên phải cái taxi và cả đoàn xe phía sau kẹt cứng ở đó”.

Chị Nguyễn Ngọc (Q.7, TP.HCM) cũng từng… bị mắng vì “đèn đỏ còn có vài giây sao không chạy đi”.

“Nhiều người cứ thấy không có cảnh sát giao thông là bất chấp luật lệ, đèn đỏ còn vài giây là đã phóng vèo đi, không nghĩ gì đến những nguy hiểm có thể xảy ra cho mình và những người xung quanh. 

Có lần tôi còn chứng kiến một ông bố chở theo con gái nhỏ cố tăng tốc vượt qua ngã tư dù đèn vàng chỉ còn một giây”, chị Ngọc nói.

Ám ảnh tiếng còi đinh tai nhức óc

Điều khiến tôi ám ảnh nhất mỗi lần chạy xe là tiếng còi đinh tai nhức óc được nhấn vô tội vạ ngoài đường. Tôi đã cố gắng tìm hiểu và lý giải điều đó trong một thời gian dài nhưng giờ phải chịu thua và đành sống chung với nó.

Một số thành phố ở Mỹ hạn chế tiếng ồn do còi xe gây ra, thậm chí xử phạt các bác tài bóp còi trong những trường hợp không thật sự cần thiết. Nói chung, ngoại trừ những trường hợp quá cấp thiết, bóp còi xe được cho là rất thiếu tôn trọng người khác. Ở phương Tây cũng có nhiều thành phố ồn ào do tiếng xe cộ gây ra, nhưng tôi chắc chắn rằng không có thành phố nào sánh với tiếng ồn không thể kiểm soát được như ở Sài Gòn.

ROBERT ACKLEY (người Mỹ, giáo viên dạy tiếng Anh ở ILA)

QUỲNH TRUNG ghi

Việt Nam phạt 100.000 đồng, Mỹ phạt 7,5 triệu đồng

Tiến sĩ (TS) Nguyễn Hồng Thái (Trường ĐH Giao thông vận tải Hà Nội) đưa ra dẫn chứng về việc ở nhiều nước trên thế giới, mọi người rất hạn chế việc bấm còi xe vì sẽ ảnh hưởng đến những người xung quanh.

Khi có trẻ con hoặc đoàn xe cứu hộ, cứu nạn đi trên đường, tự động mọi người sẽ tấp xe vào hai bên để nhường đường.

“Tuy nhiên, ở Việt Nam vì điều kiện đường sá nên đôi khi muốn tấp vào cũng không có chỗ tấp.

Thứ hai là tâm lý mình nhường là mình thiệt, không tranh giành là mất, nên đôi khi sẽ dẫn đến hiệu ứng domino, không ai nhường ai, cũng không ai giúp ai cả”, TS Hồng Thái nhận định.

Theo TS Thái, việc thiếu ý thức khi tham gia giao thông thể hiện tính cá nhân của một bộ phận người Việt Nam.

“Tính cá nhân này biểu hiện ở chỗ tách ra khỏi cộng đồng, không vì lợi ích chung. Người đi sau thì chen lên phía trước, chen không được thì bấm còi.

Khi có chuyện không hài lòng trên đường thì nhiều người lại thiếu khả năng ứng xử, khả năng kiềm chế”, TS Hồng Thái nhận định.

Luật sư Huỳnh Phước Hiệp cho biết thực tế đã có những tai nạn xảy ra, trong đó có cả trường hợp chết người vì giật mình bởi tiếng còi quá lớn.

“Việc bấm còi thể hiện văn hóa và sự chấp hành pháp luật của người tham gia giao thông”, luật sư Huỳnh Phước Hiệp nói.

Ở Việt Nam, Luật giao thông đường bộ năm 2008 đã quy định nghiêm cấm một số hành vi như: bấm còi, rú ga liên tục; bấm còi trong thời gian từ 22g-5g, bấm còi hơi; sử dụng thiết bị âm thanh gây mất an ninh giao thông, trật tự công cộng.

“Theo nghị định 171/2013/NĐ-CP về việc xử phạt vi phạm hành chính trong lĩnh vực giao thông đường bộ và đường sắt thì người điều khiển ôtô và các phương tiện tương tự ôtô sẽ bị phạt tiền từ 100.000 đến 200.000 đồng nếu bấm còi gây ồn ào, tiếng động lớn, làm ảnh hưởng đến sự yên tĩnh của đô thị và khu đông dân cư trong thời gian từ 22g-5g.

Hành vi bấm còi, rú ga, bấm còi hơi… thì bị phạt từ 600.000 đến 800.000 đồng”, luật sư Hiệp nói.

Luật của nhiều nước cấm sử dụng còi một cách liên tục hoặc gây ồn ào quá mức trong thành phố sẽ bị phạt. Ví dụ tại New York (Mỹ) có thể bị phạt 350 USD (khoảng 7,5 triệu đồng) vì vi phạm này.

 

Đường dây nóng: 0943 113 999

Soha
Báo lỗi cho Soha

*Vui lòng nhập đủ thông tin email hoặc số điện thoại