Anh hùng La Văn Cầu và lời khen của Đại tướng Võ Nguyên Giáp

Hoàng Đan |

(Soha.vn) - Đã hơn 60 năm trôi qua nhưng những lời khen khi tổng kết chiến dịch Biên giới của Đại tướng Võ Nguyên Giáp vẫn in đậm trong tâm trí anh hùng La Văn Cầu...

Dù đã ở tuổi ngoài 80, mang trên mình nhiều thương tật nặng nề của chiến tranh, bệnh tật nhưng mỗi khi nhắc đến những kỷ niệm về Đại tướng Võ Nguyên Giáp trong lời kể của Đại tá, anh hùng La Văn Cầu ánh vẻ hào sảng lạ kỳ.

"Đại tướng Võ Nguyên Giáp hay chúng tôi vẫn thường gọi với cái tên thân thương là anh Văn là người chỉ huy, người anh, người có vai trò quan trọng trong cả cuộc đời tôi.

Sự ra đi của Đại tướng là mất mát lớn của cả dân tộc, để lại nhiều nỗi thương tiếc nhưng tuyệt đối không phải là sự đau đớn. Bởi Đại tướng đã hoàn thành xuất sắc sứ mệnh mà dân tộc Việt Nam cũng như lịch sử giao phó" - anh hùng La Văn Cầu nhấn mạnh.

Theo anh hùng La Văn Cầu, những kỷ niệm với Đại tướng Võ Nguyên Giáp có rất nhiều nhưng có lẽ những lời khen mà Đại tướng dành cho ông khi tổng kết chiến dịch Biên giới vẫn được in sâu đậm nhất.

Đó là trận Đông Khê trong chiến dịch Biên giới ngày 16/9/1950. Anh hùng La Văn Cầu kể, ông làm tổ trưởng tổ bộc phá và nhận nhiệm vụ phá hàng rào, lô cốt của đối phương để mở đường cho đồng đội tiến lên. Biết nhiệm vụ khó khăn gian khổ, trước khi ôm vũ khí vào chiến trường, cả đội viết quyết tâm thư: "Thề sẽ hoàn thành nhiệm vụ kể cả khi phải hi sinh".

Anh hùng La Văn Cầu.

Anh hùng La Văn Cầu chia sẻ: "Những kỷ niệm về Đại tướng sẽ mãi in sâu trong tôi".

Quãng nửa đêm ngày 17/9, ông Cầu được lệnh dùng bộc phá đánh vào lô cốt lớn. Hai viên đạn địch ghim vào người khi ông đang chuẩn bị bên hào giao thông khiến ông ngất lịm. Tỉnh dậy, thấy cánh tay phải đã mất cảm giác, ông biết mình đã bị thương nặng nhưng tới nhiệm vụ quan trọng, ông cố hết sức mình dùng tay trái ôm chặt quả bộc phá vào ngực, trườn lên phía trước.

Cái đau thấu trời không thấm vào đâu so với việc cánh tay phải cứ lủng lẳng, vướng víu, ngay lập tức ông quyết định nhờ đồng đội là tiểu đội trưởng Nông Văn Thêu chặt giúp cánh tay ấy đi. Nông Văn Thêu ái ngại, định giành lấy quả bộc phá để ông về tuyến sau nghỉ ngơi, nhưng La Văn Cầu vẫn quả quyết thực hiện nhiệm vụ vì nghĩ đằng nào mình cũng hi sinh.

Trước ý chí sắt đá đó, Nông Văn Thêu chỉ còn cách cầm thanh kiếm Nhật, cắn răng chặt phăng cánh tay phải của ông rồi băng bó qua loa. Thế là, La Văn Cầu tay trái ôm bộc phá, chạy về các lô cốt. Sau khi giật một lúc hai nụ xòe của bộc phá, ông lăn xuống ngất xỉu. Một đồng đội trẻ tên Lý Văn Mưu thay ông ôm bộc phá giật kíp, lao vào lô cốt thứ hai. Tiếng nổ vang lên, lô cốt bị phá nhưng Lý Văn Mưu cũng không còn nữa.

Sau hơn 3 ngày chiến đấu ác liệt, trận Đông Khê hoàn toàn thắng lợi song cũng rất nhiều mất mát, hi sinh.

La Văn Cầu, dù được đồng đội nhường cáng cứu thương nhưng ông từ chối vì "mình vẫn còn đủ hai chân". Tự mình băng rừng núi về trạm xá, vừa đến nơi thì ông lại ngất xỉu. Do cổ tay ông đã bị nhiễm trùng và hoại tử nên các bác sĩ phải cắt hết cả cánh tay mới cứu được ông.

"Tại Đại hội thi đua toàn quốc lần thứ nhất (5/1952), tôi cùng với một số đồng chí được phong tặng và truy tặng danh hiệu anh hùng lực lượng vũ trang

Và trong buổi lễ tổng kết thắng lợi của chiến dịch Biên giới năm 1950, nhiều anh em cùng được Đại tướng tuyên dương, trong đó có tôi. Đến bây giờ tôi vẫn nhớ như in lời Đại tướng nói: “Anh La Văn Cầu là lá cờ đầu trong phong trào thi đua giết giặc lập công”. Đó là kỷ niệm tôi không bao giờ quên được" - anh hùng La Văn Cầu kể lại.

Sau lần đó, trong suốt quá trình công tác, anh hùng La Văn Cầu đã có nhiều dịp được gặp, tới thăm Đại tướng và mỗi lần đó, đều là những kỷ niệm in sâu trong tâm trí của ông.

Có một kỷ niệm khác với Đại tướng mà khi nhắc đến anh hùng La Văn Cầu chỉ cười và bảo: "Điều đó không chỉ riêng tôi mà tất cả mọi người đều rất nên làm khi đến tiễn Người lần cuối".

Kỷ niệm, đó chính là việc, người anh hùng, cựu chiến binh già này đã đứng xếp hàng hơn 2 tiếng đồng hồ cùng với nhân dân chờ vào viếng Đại tướng tại nhà riêng của Người trên phố Hoàng Diệu trong dịp lễ Quốc tang.

"Tôi đứng xếp hàng từ 2 giờ chiều, đến hơn 5 rưỡi chiều mới được vào viếng Đại tướng. Nhiều người cũng hỏi tôi, ông là người được ưu tiên, tại sao ông không vào luôn mà lại xếp hàng cho mệt, tuổi thì cao rồi, tôi chỉ nói rằng, nếu nói ưu tiên thì có nhiều người lắm, nhưng cá nhân tôi thì không làm thế được, tôi cũng phải xếp hàng, để vào viếng Đại tướng, vào viếng người anh mà tôi kính trọng suốt cả cuộc đời này

Tôi cũng rất vui là khi tôi đứng xếp hàng vào viếng Đại tướng nhiều người đã nhường cho tôi lên trước, mọi người đi, đứng rất trật tự và từng đoàn người vào viếng một, rất nề nếp. Các cháu thanh niên khi thấy người cao tuổi hay các bác thương binh như tôi thì giúp đỡ rất nhiệt tình, có cháu còn quạt cho chúng tôi rất lâu vì sợ các bác nóng, mệt. Thực sự là nhớ lại những ngày đó, tôi vẫn có những cảm xúc khó diễn tả...” - anh hùng La Văn Cầu chia sẻ.

​Sau chiến dịch Biên giới, người chiến sĩ La Văn Cầu có vinh dự được gặp Bác Hồ ở chiến khu Việt Bắc. Đến 19/5/1952, ông được phong tặng danh hiệu Anh hùng lực lượng vũ trang nhân dân.

Kể từ sau khi bị thương, ông chuyển sang làm công tác tuyên truyền ở Tổng cục Chính trị. Trong quãng thời gian đó, ông đi học và lập gia đình (năm 1958), sau đó trở lại quân khu Việt Bắc phụ trách công tác thanh niên, quần chúng.

Năm 1983, ông được chuyển về Hà Nội do điều kiện gia đình (con nhỏ) và trở lại công tác ở Tổng cục Chính trị, sau đó chuyển về Bảo tàng Quân đội làm công tác cán bộ, đến 1/8/1996 thì nghỉ hưu.

Đường dây nóng: 0943 113 999

Soha
Báo lỗi cho Soha

*Vui lòng nhập đủ thông tin email hoặc số điện thoại