Đại học (ĐH) Hùng Vương đã ký quyết định chấm dứt hợp đồng lao động của 82 cán bộ nhân viên và giảng viên.
Đồng thời, trường thông báo chấm dứt hợp đồng lao động của 28 cán bộ giảng viên khác đã khiến nhiều cán bộ, giảng viên của trường đã gửi đơn khiếu nại, kêu cứu khắp nơi.
Nguyên nhân được vị Chủ tịch HĐQT đưa ra là do ĐH Hùng Vương đã bốn năm không được tuyển sinh, không có sinh viên, ảnh hưởng rất lớn đến hoạt động.
Hiện trường không còn nguồn thu, thu không đủ bù chi kéo dài dẫn đến lỗ nặng, thâm hụt trầm trọng vốn pháp định do cổ đông đầu tư.
Chủ tịch từng là đại gia giàu nhất sàn chứng khoán Việt
Hiện tại, Chủ tịch HĐQT của nhà trường là ông Đặng Thành Tâm. Ông cũng chính là người ký hàng loạt các quyết định cho nhân viên của trường nghỉ việc.
Đặc biệt, chỉ trong 1 ngày 25/2, ông Đặng Thành Tâm với tư cách chủ tịch HĐQT nhà trường đã ký 79 quyết định chấm dứt hợp đồng lao động.
Trong đó phải kể đến bà Tạ Thị Kiều An, bà Nguyễn Thị Mai Bình - bí thư Đảng ủy nhà trường, ông Mạch Trần Huy - phó phòng tổ chức pháp chế...
Đại gia Đặng Thành Tâm là Chủ tịch HĐQT Tổng công ty Phát triển Đô thị Kinh Bắc (KBC), đồng thời là Chủ tịch Tập đoàn đầu tư Sài Gòn (SGI), đơn vị được Thành ủy TP.HCM mời làm nhà bảo trợ cho trường Đại học Hùng Vương từ năm 2004.
Ông Đặng Thành Tâm là một người khá nổi tiếng trong giới doanh nhân. Ông từng được xếp hạng là người giàu nhất ở Việt Nam năm 2007 và thứ ba Việt Nam năm 2008, 2009 và 2010 dựa trên giá trị cổ phiếu sở hữu.
Tuy nhiên, trong các năm sau đó, vị trí xếp hạng của ông trên sàn chứng khoán Việt rất thăng trầm, có khi thăng cao, lọt vào top 10, có lúc lại bị đẩy xa.
Ông Đặng Thành Tâm
Vào năm 2013, do gặp khó khăn không thể vay ngân hàng và gánh vác khoản nợ tồn đọng lên tới trên 3.000 tỷ đồng, ông Tâm bị gắn với biệt danh “đại gia Chúa Chổm”.
Chia sẻ trên Tiền Phong, ông Tâm cho hay: “Lúc đó tôi biết trông vào đâu nữa, cứ nằm như một xác chết. Nói thật có nhiều lúc tôi chỉ muốn tự tử, chỉ muốn uống thuốc sâu cho xong chuyện thôi".
Hiện ông Tâm đang nắm một số lượng lớn cổ phiếu của nhiều công ty như KBC (68.240.000 cổ phiếu), ITA (19.063.039 cổ phiếu), SGT (17.530.370 cổ phiếu) và SQC (44.000.000 cổ phiếu).
Trong bảng xếp hạng top 100 người giàu trên sàn chứng khoán Việt Nam, ông Tâm đang đứng ở vị trí thứ 15 với tổng tài sản là 1.084,145 tỷ đồng, giảm mạnh so với con số 1.213,908 tỷ đồng của năm 2014.
Người ký quyết định từng bị tạm đình chỉ chức vụ
Năm 2004, Thành ủy TP.HCM mời SIG góp vốn thay thế cho ngân hàng Việt Hoa là 1,5 tỷ đồng, khi đó vốn điều lệ của trường ĐH Hùng Vương là 2,5 tỷ đồng.
Mặc dù góp vốn thay thế nhưng SIG không tham gia kiểm soát trường.
Kể từ khi trường chuyển từ dân lập sang tư thục, ngoài tiền tài trợ học bổng, đến cuối năm 2009, tổng số tiền góp vốn bất vụ lợi (tiền lãi phát sinh sẽ dùng để tái đầu tư) của ông Tâm cùng bạn bè, đơn vị ông là 50 tỷ đồng.
Tuy nhiên, không lâu sau đó, do sự chuyển đổi giữa trường công lập sang tư thục có những cơ chế quản lý và điều hành khác nhau nên dẫn đến mâu thuẫn giữa các thành viên trong HĐQT.
Đỉnh điểm của những bất ổn là vụ tranh chấp con dấu.
ĐH Hùng Vương - TP.HCM (Ảnh: internet)
Ông Đặng Thành Tâm cho rằng HĐQT bị hiệu trưởng Lê Văn Lý vô hiệu hóa và sở dĩ đại hội cổ đông tới nay chưa thể triệu tập là do không có con dấu để đóng vào hồ sơ.
Trong khi đó, Hiệu trưởng trường Đại học Hùng Vương TP.HCM Lê Văn Lý lại cho rằng mình bị ép đóng dấu vào những văn bản sai quy định.
Do đó, ông đã từ chối đóng dấu và ngay sau đó ra thông báo khẳng định: "Hiệu trưởng mới là người trực tiếp quản lý con dấu".
Bên cạnh đó, trong thời gian này, dù chưa nhận quyết định của UBND thành phố (14/6/2011) công nhận nhưng ông Đặng Thành Tâm vẫn ký ban hành các văn bản với tư cách Chủ tịch HĐQT, điều này là chưa đủ cơ sở pháp lý.
Trước những vấn đê này, UBND thành phố quyết định tạm đình chỉ chức Chủ tịch HĐQT và Hiệu trưởng nhà trường để kiểm điểm làm rõ trách nhiệm cá nhân, đồng thời kiến nghị ngừng tuyển sinh đầu vào năm học 2012 - 2013 đối với trường ĐH Hùng Vương.
Từ đó tới nay, trường vẫn chưa được phép tuyển sinh.
Mới đây, Chủ tịch HĐQT đã có văn bản đề nghị UBND TP.HCM cho phép tiến hành đại hội đồng cổ đông nâng vốn điều lệ, để chuẩn bị cơ sở vật chất theo quy định và công nhận HĐQT thì trường mới có cơ hội tồn tại và phát triển.
(Tổng hợp)