LTS: 26 năm trước, ngày 14/3/1988 diễn ra hải chiến Trường Sa. Tiểu đội trưởng Lê Hữu Thảo là người là người tham gia chỉ huy việc cắm cờ Tổ quốc trên đảo Gạc Ma (Trường Sa) ngày 14/3/1988. Anh đã được ghi danh vào bảng vàng của Hải quân Việt Nam. Trong trận chiến Gạc Ma 1988, anh chính là người đã cứu mạng anh hùng Nguyễn Văn Lanh và tìm và bảo quản xác của Anh hùng lực lượng vũ trang Trần Văn Phương, người đã ngã xuống để giành lại cờ Tổ quốc từ tay địch.
Nhân dịp này, BBT Trí Thức Trẻ xin giới thiệu những chia sẻ xúc động của cựu binh Lê Hữu Thảo quanh trận chiến năm ấy:
"Gạc Ma 26 năm trước.
Đúng giờ này 26 năm trước trên bãi đá Gạc ma, tôi và đồng đội đang giáp mặt với kẻ thù và chỉ một chốc nữa thôi là tiếng súng đạn rền vang, hơn 60 đồng đội tôi đã hy sinh tại đó.
Cách hơn 3 hải lý tại đảo Cô Lin, tàu HQ 505 bị pháo kích và đâm lên cạn, may mắn không có thương vong.
Cách khoảng 7 hải lý, tàu HQ 605 trên bãi đá Len Đao bị bắn cháy, thuyền trưởng hoặc thuyền phó bị thương và sau này hy sinh. Khoảng 20 cán bộ thủy thủ đoàn đã rời tàu trên chiếc xuồng sau đó được sự hỗ trợ của thủy thủ tàu HQ505 đến trưa họ đã lên được tàu HQ 505.
Xin nói với các học giả và nhà nghiên cứu lịch sử tại sao lại lấy cái tít,cái tiêu đề là "Sự kiện Gạc ma".
Lý do như sau: Sự kiện tranh chấp trực tiếp chỉ xảy ra trên bãi đá Gạc ma. Sự mất mát nặng nề nhất cũng xẩy ra trên bãi đá Gạc ma. Tàu HQ 505 và tàu HQ606 bị bắn gián tiếp từ các tàu khu trục đậu từ bãi Gạc ma bắn sang.
Cuối cùng mất đi bãi đá Gạc ma.
Như vậy, bây giờ có đấu tranh về ngoại giao hay vũ lực để đòi lại thì chỉ đòi Gạc ma. Nhưng mỗi khi nói đến Gạc ma là nói ngay đến Cô Lin và Len Đao. Mỗi khi nói đến tàu HQ604 là nói đến HQ605 và HQ505.
Vậy sự kiện Gạc ma là cái tiêu đề chung cho chiến dịch không có gì sai, nó ngắn gọn,chứ kéo vào cả hai đảo kia, cả cụm Sinh Tồn, cả chiến dịch làm tiêu đề thì nó dài lê thê...".