Các địa phương này đều khẳng định nếu xây dựng trụ sở trung tâm hành chính tập trung sẽ tạo điều kiện thuận lợi cho nhân dân, doanh nghiệp và các cơ quan chính quyền trong giao dịch công.
Tuy nhiên, để xây dựng các Trung tâm hành chính này sẽ phải tiêu tốn một khoản tiền ngân sách lớn, do vậy, trong giai đoạn khó khăn này, chủ trương dừng xây dựng các trung tâm hành chính được cho là đúng đắn.
Ông Trung Thành Công – Phó chánh văn phòng UBND tỉnh Nghệ An cho biết: “Tỉnh Nghệ An không có chủ trương lấy đầu tư công để xây dựng trụ sở.
Quan điểm của tỉnh Nghệ An là chỉ lập hồ sơ để kêu gọi đầu tư với hình thức BT, khi nào có nhà đầu tư vào thì tỉnh trình theo quy định của Nghị định 15.
Giờ chưa có nhà đầu tư nên việc quy hoạch dự án xây dựng trung tâm hành chính chỉ mới là giai đoạn tài liệu xúc tiến đầu tư, để hàng năm kêu gọi các nhà đầu tư”.
Ông Võ Thành Thống – Chủ tịch UBND TP Cần Thơ cũng cho biết, trụ sở Uỷ ban và hệ thống các sở ngành hiện còn sử dụng được và phát huy hiệu quả.
Việc xây dựng mới Trung tâm hành chính “không phải là bức xúc” lắm, chưa cần thiết phải thực hiện khi điều kiện ngân sách còn khó khăn.
Trước đó, Thủ tướng Chính phủ đã ra quyết định yêu cầu các địa phương tạm dừng triển khai thực hiện việc đầu tư xây dựng Trung tâm hành chính tập trung.
Để có điều kiện đánh giá kỹ hơn và rút kinh nghiệm việc đầu tư xây dựng.
Thủ tướng Chính phủ giao Bộ Xây dựng chủ trì, phối hợp với Bộ Nội vụ, Bộ Tài chính và các cơ quan liên quan tổng hợp, đánh giá kết quả thực hiện việc đầu tư xây dựng Trung tâm hành chính tập trung tại các địa phương trong thời gian qua và đề xuất giải pháp phù hợp, báo cáo Thủ tướng Chính phủ.