13 xe chở rác y tế trị giá cả chục tỷ “trùm mền” 4 năm

Hữu Danh |

13 xe chở rác trị giá hơn 13 tỷ đồng được Bộ Y tế giao về 13 tỉnh thuộc vùng ĐBSCL, tiếc là nhiều chiếc trong số này đã phải “trùm mền” từ năm 2011 đến nay vì không thể sử dụng và đang xuống cấp.

Hàng Nhật hóa hàng Việt!

Theo hồ sơ, ngày 2.12.2011, Thứ trưởng Bộ Y tế Nguyễn Thị Xuyên ký Quyết định 4523/QĐ-BYT về việc phân phối 13 xe vận chuyển rác y tế cho các tỉnh thuộc Dự án “Hỗ trợ y tế vùng ĐBSCL” sử dụng nguồn vốn của Ngân hàng Thế giới.

Quyết định nêu rõ, đây là “xe chở rác y tế”, “xuất xứ Nhật Bản”. Tuy nhiên, nhận xe xong nhiều bệnh viện không thể sử dụng vì chỉ là xe chở rác thải sinh hoạt, được sản xuất tại Việt Nam chứ không hề “xuất xứ Nhật Bản”.

Cụ thể, ngày 16.11.2011 Công ty TNHH Liên doanh sản xuất ô tô Ngôi Sao (Bình Dương) xuất hóa đơn bán xe cho Tổng Công ty Cơ khí GTVT Sài Gòn (Samco), bên mua hàng không ký tên trên hóa đơn mà chỉ đóng dấu “bán hàng qua điện thoại”.

Đến ngày 26.12.2011, Samco xuất hóa đơn bán xe cho BQL dự án Hỗ trợ y tế vùng ĐBSCL - dự án hơn 13 tỷ đồng, phần người mua hàng cũng không có ai ký tên.

Trong hồ sơ kiểm định, Cục Đăng kiểm Việt Nam xác định xe và thùng chứa rác đều được sản xuất tại Việt Nam.

Trao đổi với phóng viên, lãnh đạo Sở Y tế một tỉnh thuộc ĐBSCL (xin giấu tên) nói: “Các văn bản của dự án đều nói đây là xe xuất xứ Nhật Bản, là xe chở rác y tế nên địa phương rất mừng.

Đến khi nhận xe chúng tôi phát hiện đây là xe chở rác thông thường, không thể sử dụng được vì muốn chở rác y tế cần phải có xe chuyên dụng. Chúng tôi đề nghị trả hoặc đổi các thiết bị thiết thực hơn thì không có phản hồi”.

Giữ cũng dở, dùng chẳng xong

Theo bác sĩ Từ Quốc Tuấn - Giám đốc Sở Y tế tỉnh An Giang, từ lúc nhận xe đến nay, Bệnh viện Đa khoa An Giang không sử dụng được nhưng phải liên tục bảo dưỡng, bảo trì.

“Đậu một chỗ các lốp sẽ hư nên chúng tôi phải kê xe lên cao. Rồi sợ máy hư mỗi tháng lại phải hạ xuống, nổ máy lăn bánh.

Các địa phương xin trả không được, muốn bàn giao cho Công ty Công trình đô thị cũng không được vì là xe dự án, phải giữ lại để kiểm tra”.

Tại Tiền Giang, sau khi nhận xe chở rác, Bệnh viện Đa khoa Tiền Giang cũng không sử dụng được ngày nào.

Muốn sử dụng chiếc xe này như một chiếc xe lấy rác thông thường thì chi phí vận hành xe (tài xế, nhân công, tiền nhiên liệu) khoảng 17 triệu đồng/tháng, trong khi hợp đồng xử lý rác sinh hoạt của bệnh viện với Công ty Công trình đô thị thì chi phí chỉ 12 triệu đồng/tháng.

Tại Long An, chiếc xe rác cũng trở thành “đống rác”, nằm ỳ một chỗ.

Lãnh đạo Bệnh viện Đa khoa Long An cũng nhiều lần gửi công văn đến Sở Y tế và UBND tỉnh đề nghị trả xe hoặc điều chuyển sang đơn vị có nhu cầu và hoán đổi cho bệnh viện xe cứu thương nhưng không được giải quyết.

Một lãnh đạo Sở Y tế nói: “Xe chở rác y tế phải có thiết kế thùng chứa khác với xe chở rác thông thường, vì đây là chất thải cực kỳ nguy hại. Nếu sử dụng các xe này để chở rác y tế thì không an toàn, có thể lây lan dịch bệnh”.

Trao đổi với NTNN ngày 10.6, ông Nguyễn Hoàng Long - cán bộ phụ trách dự án (Bộ Y tế) cho biết: “Về việc xe không đưa vào sử dụng 4 năm nay, tôi sẽ cho kiểm tra lại.

Trước đây, việc mua xe cũng là do các địa phương đề xuất lên. Trước khi mua có xin ý kiến địa phương về tính năng kỹ thuật của xe, khi mua xe có đấu thầu theo quy định.

Nhận xe về có nơi dùng tốt, có nơi hạn chế và có nơi không dùng do nhiều yếu tố khác nhau chứ không phải do tính năng kỹ thuật.

Sau này một số bệnh viện tự trang bị lò đốt chất thải tại chỗ nên cũng không sử dụng. Dự án đã kết thúc, chúng tôi đang xin Bộ Tài chính chuyển giao cho tỉnh để tỉnh điều phối sử dụng lại số xe cho hiệu quả”.

 

Đường dây nóng: 0943 113 999

Soha
Báo lỗi cho Soha

*Vui lòng nhập đủ thông tin email hoặc số điện thoại