Xã có nữ sinh bị phê xấu lý lịch: Trẻ chưa sinh cũng phải góp tiền làm đường

P.N |

Ngoài việc thu tiền nhân khẩu hiện tại, kế hoạch đóng góp làm đường của xã An Bình còn có mục "phát sinh tăng" để những đứa trẻ chưa ra đời cũng phải đóng góp.

Báo Zing thông tin, bên cạnh việc phải cắt bớt một phần đất (với các hộ mặt đường), theo người dân xã An Bình, Nam Sách, Hải Dương, họ còn phải đóng thêm 2 triệu/nhân khẩu để góp tiền xây con đường do UBND xã làm chủ đầu tư.

Điều này gây khó khăn rất lớn đối với các hộ gia đình đông nhân khẩu trên địa bàn xã An Bình.

Đặc biệt, theo báo Thương hiệu và Công luận, tại xã này, chính quyền còn tận thu cả tiền làm đường các cháu nhỏ... chưa ra đời.

Cụ thể, nguồn trên cho hay, hiện số khẩu hành chính của xã An Bình khoảng gần là 8.000 người, trừ miễn giảm còn khoảng 7.500 người.

Thời gian thu chia làm 2 vụ, vụ lúa chiêm 2017 thu 60%, bằng 1,2 triệu/khẩu, vụ mùa 2017, thu 800.000 đồng/khẩu.

Trong bản kế hoạch đóng góp của xã An Bình ra vào ngày 27/4/2017, theo báo Thương hiệu và Công luận, ngoài các thông tin nói trên còn có thêm mục "phát sinh tăng" với nội dung: "người mới sinh từ 30/6/2017 trở về trước thì thu theo vụ chiêm; nếu sinh từ 1/7/2017 trở đi thì thu theo quy định vụ liền kề (mốc sinh được tính theo giấy chứng sinh)".

Xã có nữ sinh bị phê xấu lý lịch: Trẻ chưa sinh cũng phải góp tiền làm đường - Ảnh 1.

Bản kế hoạch ra ngày 24/7/2017. Nguồn Thương hiệu và Công luận

Xã có nữ sinh bị phê xấu lý lịch: Trẻ chưa sinh cũng phải góp tiền làm đường - Ảnh 2.

Mục "phát sinh tăng" tận thu cả trẻ chưa ra đời. Nguồn Thương hiệu và Công luận

Như vậy, tính từ khi ra văn bản, các cháu bé chưa sinh vẫn bị "bổ đầu" đóng góp.

Thông tin về vấn đề này, ông Lê Đình Khoa, Chủ tịch UBND xã An Bình nói với nguồn trên, quy trình lấy ý kiến của người dân để làm đường hoàn toàn đúng với quy định của pháp luật và được người dân ủng hộ.

Chỉ có vừa qua báo chí dựa vào một vài trường hợp (trường hợp gia đình anh Nguyễn Danh Cường bị phê xấu vào lý lịch của em gái - PV) nói chứ không có chuyện người dân không đồng thuận.

Ông Hồ Ngọc Lâm, Phó chủ tịch huyện Nam Sách khẳng định với Zing.vn: "Trong thời gian sớm nhất chúng tôi sẽ tiến hành kiểm tra việc huy động tiền từ người dân, mức độ đóng góp như thế nào, thực hiện quy chế dân chủ ra sao ở xã An Bình"

Theo kế hoạch số 92 của UBND xã An Bình, đường trục của xã được làm dài hơn 5 km với chi phí trên 30 tỷ đồng.

Trong đó, người dân đóng góp khoảng 15,1 tỷ, nhà nước hỗ trợ xi măng gần 6 tỷ, ngân sách huyện, xã và xã hội hóa 9,1 tỷ đồng.

Tuyến đường được chia thành 6 gói dự án, tổ chức thi công vào tháng 6/2017 và hoàn thành vào tháng 12/2017.

Ông Lê Đình Khoa khẳng định trên báo Thương hiệu và Công luận, ông là người soạn thảo và ký Kế hoạch số 92/KH-UBND ngày 27/4/2017 của UBND xã An Bình.

Việc xây dựng đường của UBND xã An Bình, được thực hiện theo Nghị quyết Đảng bộ Khóa 18 (2015-2020); Chương trình mục tiêu quốc gia về xây dựng nông thôn mới.

Nhưng theo nguồn trên, việc thực hiện Chương trình mục tiêu quốc gia về xây dựng nông thôn mới phải theo Quyết định 800/QĐ-TTg ngày 4/6/2010 và Quyết định 695/QĐ-TTg ngày 8/6/2012.

Trong đó, các quyết định trên quy định, nguyên tắc huy động vốn từ người dân chỉ khoảng 10% chứ không phải 50% như bản kế hoạch của xã An Bình.

Tổng hợp

Đường dây nóng: 0943 113 999

Soha
Báo lỗi cho Soha

*Vui lòng nhập đủ thông tin email hoặc số điện thoại