WSJ: TQ đã chuẩn bị chiếm bãi thử hạt nhân và đóng quân trên một dải lãnh thổ Triều Tiên

Hải Võ |

Theo Wall Street Journal, Trung Quốc đang củng cố tuyến phòng thủ trên hơn 1.400km biên giới với Triều Tiên và tái bố trí lực lượng nhằm ứng phó với một cuộc khủng hoảng tiềm tàng.

WSJ cho hay, nguy cơ khủng hoảng mà Bắc Kinh lo ngại bao gồm khả năng Mỹ tấn công phủ đầu Triều Tiên bằng quân sự, sau khi báo cáo của Lầu Năm Góc cho thấy Bình Nhưỡng có thể sắp tiến hành vụ thử tên lửa đạn đạo liên lục địa (ICBM) thứ hai.

Tờ này dẫn nhận định của các chuyên gia Mỹ và Trung Quốc, cho rằng mặc dù có quan hệ đồng minh với Bình Nhưỡng trong quá khứ, và nay là quan hệ hữu nghị mật thiết, Bắc Kinh không nhất thiết ủng hộ Triều Tiên chống lại mọi hành động đối địch, nhưng sẽ gìn giữ lợi ích của mình bằng cách ngăn chặn làn sóng tị nạn từ Triều Tiên tràn vào vùng Đông Bắc Trung Quốc nhằm bảo vệ người dân Trung Quốc ở đây.

Cũng theo các chuyên gia, Bắc Kinh đang tăng cường khả năng nhằm giành quyền khống chế các bãi thử hạt nhân của Triều Tiên, và chiếm đóng một dải lãnh thổ phía Bắc nước này, trong trường hợp lực lượng Mỹ hoặc Hàn Quốc bắt đầu áp sát.

Mark Cozad, cựu quan chức tình báo quốc phòng cấp cao của Mỹ về vấn đề Đông Á, nói với WSJ rằng công tác chuẩn bị của Trung Quốc "vượt xa mức độ chỉ kiểm soát một vùng đệm ở Triều Tiên và an ninh biên giới".

"Một khi đề cập nỗ lực từ các thế lực bên ngoài, đặc biệt là Mỹ và Hàn Quốc nhằm ổn định Triều Tiên, kiểm soát kho vũ khí hạt nhân hoặc vũ khí hủy diệt hàng loại (WMD), thì tôi nghĩ mọi người cần bắt đầu nhìn vào một phản ứng quyết liệt hơn rất nhiều từ người Trung Quốc," ông nói.

Ông Cozad tin rằng nếu xung đột Mỹ-Trung nổ ra thì địa điểm đầu tiên không phải là ở Đài Loan hay biển Hoa Đông, mà là bán đảo Triều Tiên.

Trung Quốc từ lâu đã lo ngại nền kinh tế Triều Tiên bị sụp đổ dưới sức ép cấm vận sẽ khiến quân đội Mỹ có cơ hội tiến lên. Mối quan ngại ở Bắc Kinh về việc Mỹ tấn công Triều Tiên thực sự dấy lên từ ngày 4/7 vừa qua, khi Bình Nhưỡng tuyên bố thử thành công ICBM có thể phóng tới Alaska.

"Thời gian không còn nhiều," Thiếu tướng Trung Quốc về hưu Wang Haiyun, cựu Tùy viên quân sự tại Moskva, đánh giá. "Chúng ta không thể để ngọn lửa chiến tranh cháy đến Trung Quốc."

Hồi tháng 5, tướng Wang kêu gọi Bắc Kinh "vạch ranh giới đỏ" với Mỹ: Nếu Washington tấn công Triều Tiên khi Trung Quốc chưa đồng ý, Bắc Kinh cũng sẽ can thiệp bằng quân sự.

"Nếu chiến sự nổ ra, Trung Quốc đừng nên ngần ngại chiếm đóng một phần ở phía Bắc của Triều Tiên, kiểm soát các cơ sở hạt nhân của họ và lập vùng an toàn để ngăn làn sóng người tị nạn cùng binh sĩ tan rã tràn sang Trung Quốc," ông Wang nói.

WSJ: TQ đã chuẩn bị chiếm bãi thử hạt nhân và đóng quân trên một dải lãnh thổ Triều Tiên - Ảnh 1.

Lính Trung Quốc đi tuần trên đường phố Đan Đông, gần biên giới với Triều Tiên (Ảnh: JIWEI HAN/ZUMA PRESS)

Trung Quốc cải tổ quân đội để bảo vệ lợi ích ở Triều Tiên

Trung Quốc, cũng như Mỹ, đều bị bất ngờ bởi tốc độ phát triển của chương trình vũ khí hạt nhân Triều Tiên. Bắc Kinh còn lo ngại hành động của Bình Nhưỡng tác động tiêu cực đến lợi ích an ninh của họ, đặc biệt sau khi Mỹ triển khai Hệ thống phòng thủ tên lửa tầm cao giai đoạn cuối (THAAD) trên lãnh thổ Hàn Quốc từ tháng 4.

Bà Oriana Skylar Mastro, trợ lý giáo sư ở Đại học Georgetown, Mỹ, nhận định các lợi ích của Trung Quốc "lúc này đã vượt xa vấn đề người tị nạn", mà còn cả an toàn hạt nhân và tương lai lâu dài của bán đảo.

"Ban lãnh đạo Trung Quốc muốn bảo đảm rằng dù bất kỳ điều gì xảy đến với [Triều Tiên], thì kết quả vẫn có lợi cho mục tiêu của Trung Quốc về vị thế ở khu vực, và không giúp Mỹ mở rộng/nối dài ảnh hưởng," bà Mastro nói với WSJ.

Quân giải phóng nhân dân (PLA) mới đây đã có động thái sáp nhập, di chuyển và hiện đại hóa các đơn vị ở vùng biên giới với Triều Tiên, đồng thời thông báo một số cuộc tập trận của lực lượng đặc biệt, lính dù, cũng như việc cấm lưu thông ở một khu vực trên Hoàng Hải để tổ chức tập trận.

Người phát ngôn Bộ quốc phòng Trung Quốc, ông Ngô Khiêm hôm 25/7 không phản hồi trực tiếp về việc các động thái gần đây có liên quan đến tình hình Triều Tiên, mà chỉ cho biết PLA "duy trì tình trạng huấn luyện và sẵn sàng tác chiến bình thường" ở biên giới. Lầu Bát Nhất cũng phủ nhận thông tin triển khai bổ sung hàng ngàn quân đến biên giới Trung-Triều.

Theo WSJ, những thay đổi gần đây của PLA về cơ cấu, trang thiết bị và huấn luyện đều nằm trong khuôn khổ cuộc cải tổ quân đội quy mô lớn do Chủ tịch Tập Cận Bình khởi động, với mục tiêu "đại tu" cơ cấu chỉ huy theo kiểu Liên Xô cũ, và sẵn sàng cho quân đội tác chiến bên ngoài lãnh thổ.

Đường dây nóng: 0943 113 999

Soha
Báo lỗi cho Soha

*Vui lòng nhập đủ thông tin email hoặc số điện thoại