World Cup 2018 bùng nổ bàn thắng từ "tình huống chết", nên vui hay buồn?

Quế Nam |

Điểm nhấn của World Cup 2018 cho đến lúc này chính là những cú sút phạt. Không ngày nào trôi qua mà khán giả không chứng kiến những pha ghi bàn từ bóng chết.

1. Hãy lấy trận đấu mà Anh đã vượt qua Tunisia 2-1 sát nút mới đây làm ví dụ. Cả 3 bàn đều được ghi từ những tình huống cố định. Anh oanh tạc khung thành đối thủ từ các hướng, rốt cục phải chờ đến hai tình huống đá phạt (một phối hợp đá phạt trực tiếp, một phạt góc) mới có được hai bàn. Bàn duy nhất của Tunisia thì đến từ một quả phạt đền.

Trước đó vài giờ đồng hồ, Thụy Điển vượt qua Hàn Quốc 1-0 với pha ghi bàn duy nhất cũng từ chấm 11 mét. Cho đến lúc này, quá nửa số bàn thắng được trên đất Nga là những tình huống cố định. Khi trận đấu càng trôi về cuối, các đội bóng càng xem các tình huống bóng chết là vũ khí tối thượng để giải quyết trận đấu.

Uruguay hạ Ai Cập vào phút chót với cú đánh đầu sau quả phạt trực tiếp. Iran cũng làm điều tương tự trước Morocco, chỉ có điều lần này chính hậu vệ Morocco đã giúp họ đưa bóng vào lưới.

World Cup 2018 bùng nổ bàn thắng từ tình huống chết, nên vui hay buồn? - Ảnh 1.

Cristiano Ronaldo lập cú hattrick vào lưới Tây Ban Nha, thì hết hai bàn là từ sút phạt. Tây Ban Nha cũng có một bàn từ dàn xếp đá phạt rất đẹp mà người lập công là Diego Costa. Trong lúc Brazil cố phô diễn kỹ thuật và tìm bàn nhân đôi cách biệt, Thụy Sĩ chỉ cần đến quả phạt góc thứ hai là đưa trận đấu trở về vạch xuất phát.

Thủ thành Keylor Navas của Costa Rica vẫn giữ được phong độ từng giúp anh ba lần vô địch Champions League cùng với Real Madrid trong trận gặp Serbia, nhưng anh vẫn bị khuất phục bởi cú sút phạt của Aleksandar Kolarov.

Pháp vượt qua Australia sát nút 2-1, mỗi đội đều ghi được một bàn từ chấm phạt đền. Hãy làm một sơ kết nho nhỏ. Đến nay đã có 32 bàn được ghi tại World Cup thì có đến 17 bàn đến từ sút phạt (phạt đền, phạt góc, phạt trực tiếp), tức là nhiều hơn phân nửa.

World Cup 2018 bùng nổ bàn thắng từ tình huống chết, nên vui hay buồn? - Ảnh 2.

Nếu Messi thực hiện thành công quả penalty, tỷ lệ những bàn thắng ghi từ tình huống chết còn cao nữa.

Con số này lẽ ra còn nhiều hơn nếu như Lionel Messi không sút hỏng quả phạt đền hoặc đưa những quả sút phạt trực tiếp sở trường của mình trúng hàng rào hoặc vọt xà. Trong trận thua Đan Mạch, Christian Cueva của Peru cũng đá hỏng quả 11 mét đầy tiếc nuối.

Dẫu vậy, chúng ta vẫn đang chứng kiến một World Cup bùng nổ của những pha đá phạt. Đây là một tương phản lớn so với World Cup 2014. Kết thúc giải đấu ở Brazil, chỉ có 30/171 bàn được ghi từ tình huống cố định (chiếm 17,5%). World Cup 2018 còn chưa đi hết lượt đấu thứ nhất của vòng bảng, số bàn thắng từ bóng chết đã nhiều hơn toàn bộ World Cup trước!

Nếu duy trì hiệu suất như hiện nay, chúng ta sẽ chứng kiến kỳ World Cup có nhiều bàn từ sút phạt nhất trong lịch sử. World Cup 1994 có 1/3 số bàn từ bóng chết. Con số này của World Cup 2002 là 28,6%, của World Cup 2010 là 24,14%.

World Cup 2018 bùng nổ bàn thắng từ tình huống chết, nên vui hay buồn? - Ảnh 3.

2. Vậy thì đấy là một xu thế đáng mừng hay đáng lo? Tùy người nhận định. Có người thích xem dàn xếp đá phạt (nhưng nhiều quá thì cũng… ngán), có người thích xem ghi bàn từ bóng "sống". Nhưng việc bùng nổ những bàn thắng từ đá phạt cho thấy một sự bão hòa về chiến thuật.

Khi trình độ các đội bóng giờ đã nhích lại gần nhau (những trận thắng cách biệt chỉ đếm trên đầu ngón tay), tận dụng tình huống cố định là chìa khóa sống còn dẫn đến thắng lợi.

Môi trường World Cup khác xa đấu trường CLB. Các cầu thủ tập luyện với nhau ít hơn, lối chơi của đội tuyển lại khác hẳn tại CLB. Sự ăn ý tất nhiên không thể nào so sánh được. Thế nên tập đá phạt là cách dễ dàng nhất để có thể ghi bàn vào lưới đối thủ.

Cũng có một vài nguyên nhân chủ quan mà năm nào chúng ta cũng nói, như thủ môn chưa quen với quả bóng mới, năm nay có tên Adidas Telstar 18. Khi được hỏi về quả bóng mới, Matt Pyzdrowski, một thủ thành chơi bóng ở Mỹ, nói với tờ The Athletic rằng cũng giống như quả Jabulani hồi 2010, Telstar hay có xu hướng cuộn theo một quỹ đạo khó lường. Phải chăng vì thế mà David de Gea đã bó tay trước cả hai quả sút từ ngoài vòng cấm của Ronaldo?

World Cup 2018 bùng nổ bàn thắng từ tình huống chết, nên vui hay buồn? - Ảnh 4.

Một chất xúc tác khác chính là công nghệ trọng tài (VAR). Không ít lần chúng ta thấy trọng tài dừng trận đấu lại, vào xem VAR rồi trở ra với tay chỉ thẳng vào chấm 11 mét.

Nhưng dù là vì lý do gì đi nữa, tỷ lệ trên 50% bàn thắng từ tình huống cố định là quá nhiều. Bóng đá không phải là khoa học, hãy trả nó về với vẻ đẹp tự thân của nó.

Đường dây nóng: 0943 113 999

Soha
Báo lỗi cho Soha

*Vui lòng nhập đủ thông tin email hoặc số điện thoại