1. Người ta nói Đức và Argentina là cặp chung kết trong mơ của World Cup, và thực tế thì NHM đã có cơ hội kiểm chứng nhận định này. Chung kết Mexico 1986 và Italia 1990 đều chứng kiến cuộc thư hùng giữa Cỗ xe tăng châu Âu và Điệu Tango Nam Mỹ.
Năm 86, Argentina chiến thắng bằng những vũ điệu sân cỏ say đắm lòng người, bằng một trận chung kết có tới 5 bàn thắng được ghi. 4 năm sau, đến lượt ĐT Đức bước lên đỉnh vinh quang sau một chiến thắng đúng chất Đức: 1-0.
Đó là 2 bằng chứng để giới chuyên môn xác tín một lần nữa phong cách của cả 2. Khi thiếu bóng đá tấn công, thiếu đi những nghệ sỹ sân cỏ, Argentina không là gì cả.
Còn người Đức thì ngược lại. Nếu bóng đá là cuộc chơi vị nghệ thuật, họ chỉ là một tập thể tầm thường. Đức biến bóng đá thành khoa học, các cầu thủ là binh lính. Ở đó, kỷ luật là thứ được khắc trên trán. Thiếu kỷ luật, xe tăng tuột xích.
2. Nhưng World Cup 2014 lại đang chứng kiến Đức và Argentina rất khác so với những gì người ta nhớ về họ.
Argentina tại kỳ World Cup diễn ra trên chính mảnh đất Nam Mỹ lại rất giống một đội bóng châu Âu. Kể từ đầu giải, Argentina gần như có tất cả, ngoại trừ điệu Tango quen thuộc.
Argentina vẫn có một Leo Messi rất bay, một Di Maria rất vô tư, nhưng hình ảnh đại diện của Albiceleste về cơ bản vẫn là lối chơi chắc chắn bên phần sân nhà, một thế trận tương đối chặt chẽ, chú trọng giữ mành lưới trước khi nghĩ đến chuyện ghi bàn.
Không thể chỉ trích Argentina một khi họ đã vào tới chung kết nhờ cả 3 trận vòng knock-out đều không thủng lưới. Nhưng chất Tango đã mất. Thứ cảm xúc bột phá trong lối chơi không còn.
Còn người Đức thì ngược lại hoàn toàn. Thật kỳ lạ khi tập thể vốn dĩ luôn khô khan, lạnh lùng lại đang sở hữu nhiều cầu thủ thi đấu như những người Nam Mỹ. Đức mở màn World Cup bằng cơn mưa bàn thắng vào lưới Bồ Đào Nha và giữ khá vững phong độ ghi bàn cho đến tận bây giờ.
Trước Brazil trong trận bán kết, nếu là người Đức ngày xưa, họ sẽ không ghi tới 7 bàn. Sỉ nhục đội chủ nhà ngay trên đất nước của họ là điều liều lĩnh. Người Đức khôn ngoan của ngày xưa sẽ không làm vậy.
Nhưng Đức của World Cup 2014 lại sẵn sàng ghi bàn trong mọi tình huống. Thậm chí, họ tranh bàn thắng của nhau. Đó cũng là hình ảnh đi ngược với chất kỷ luật thép năm nào.
3. Vậy nếu cả Argentina và Đức đều đã mất chất, liệu trận chung kết giữa họ còn thú vị hay không? Thực ra, đó mới là điều khiến trận đấu này vô cùng đáng chờ đợi.
Nếu ĐT Đức chiến thắng, đó sẽ là một cái tát trời giáng vào mặt Argentina – cái tát khiến người dân xứ Tango thức tỉnh: Hóa ra, bóng đá tấn công vẫn là con đường dẫn một đội tuyển lên ngai vàng World Cup.
Còn nếu Argentina chiến thắng, ĐT Đức cũng sẽ ở trong tâm trạng bứt rứt tương tự.
Người Đức đã từ bỏ bộ môn khoa học bóng đá để tìm đến ngai vàng World Cup bằng một lối chơi đã có đôi chút chất cống hiến, nhưng nếu Argentina chiến thắng, lựa chọn đó dĩ nhiên là sai lầm.
Khi hai trường phái bỗng dưng đảo chiều, trận đấu giữa họ, đặc biệt còn là trận chung kết, sẽ là thời cơ để cả hai nhận ra đâu mới là triết lý đáng để tôn thờ.