Sau 24 năm, 1 tỉ euro đầu tư và không ít lần bình minh giả tạo, chiến tích được chờ đợi cuối cùng cũng đã tới. Châu Âu giờ đây không chỉ có nhà VĐTG đầu tiên trên đất Nam Mỹ, họ còn có đội bóng châu Âu nhất trong số các nhà vô địch châu Âu: Một chiến thắng thể thao hoàn toàn được kiểm soát, loại bỏ tối đa các yếu tố ngẫu nhiên và may rủi, với sự chính xác của khoa học và hiệu suất lao động mà chỉ dân châu Âu mới có được, trong sự chứng kiến của Thủ tướng Đức Angela Merkel và Chủ tịch UEFA Michel Platini trên khán đài.
Chiều sâu đội hình
Chiều sâu đội hình của tuyển Đức là không phải bàn cãi và không chỉ ở hàng công đẳng cấp cao. Goetze, người ghi bàn ấn định chiến thắng vào lưới Argentina, chủ yếu chỉ được ngồi dự bị ở World Cup 2014 và là chữ ký trị giá 31 triệu bảng của Bayern Munich hồi mùa Hè.
Bản thân pha dứt điểm cũng là một câu chuyện lý thú. 22 tuổi, Goetze là sản phẩm thuần túy từ hệ thống đào tạo trẻ đã được cách tân của Đức và là một sản phẩm rất điển hình: anh không chỉ khéo léo, kỹ thuật tốt, mà còn chơi thông minh và không thua kém ai về thể lực. Khi Andre Schuerrle tạt bóng vào từ cánh trái, Goetze có hai pha chạm bóng bậc thầy, đầu tiên là bằng ngực và sau đó là cú vô-lê ngay lập tức khiến thủ thành Argentina Sergio Romero không có chút cơ hội nào. Bàn thắng giống như được thực hiện trên sân tập và khá giống với bàn cũng là duy nhất của Andres Iniesta ở trận chung kết World Cup 2010.
Khi hồi còi chung cuộc vang lên, các cầu thủ dự bị của Đức tràn vào sân Maracana, giơ cao tay ăn mừng, và người hạnh phúc nhất có lẽ là HLV Joachim Loew. Những phút cuối trận đấu thật điển hình: nổi tiếng là một người trầm tĩnh, nhưng Loew đã sốt ruột đi đi lại lại ở khu vực huấn luyện của Đức, mím môi, nghiến răng và nhìn liên tục vào đồng hồ, chờ đợi khoảnh khắc mà ông đã khắc ngoải 8 năm qua.
Áp lực với Loew là rất lớn. Chiến thắng đã bị coi là yêu cầu nghiễm nhiên gần như với mọi đội bóng Đức tham dự World Cup. Nhưng ông đã giành được thành quả xứng đáng với những nỗ lực của mình và đây có lẽ là chiến quả hoàn hảo nhất của một hệ thống thuộc thế giới thứ nhất, của những nước giàu, của sự hiệu quả mà chỉ người Đức có được.
Chiến thắng mang tính thời đại
Trong đội hình 23 người mà Loew mang tới Brazil, có 14 cầu thủ, trong đó có chân sút số 1 Thomas Mueller và tiền vệ toàn năng Toni Kroos, đều ở lứa U13 khi LĐBĐ Đức quyết định tiến hành cuộc cách mạng vào năm 2000. Nhưng trận gặp Argentina không hề dễ dàng, bất chấp hành trình ấn tượng của Đức trước đó tới Maracana. Đội bóng của Loew cầm bóng nhiều hơn, nhưng Argentina phản công rất tốc độ và sắc sảo. Một điều rất rõ ràng: Albiceleste không chút sợ hãi, dù đã chứng kiến Đức khủng bố Brazil. Họ đã ăn miếng trả miếng sòng phẳng và xứng đáng là kẻ thách thức số một cho nhà tân VĐTG.
Những chiến thắng trước đó của Đức ở các kỳ World Cup luôn mang tính thời đại. Năm 1954, Tây Đức mới là một cường quốc bóng đá bậc trung trước trận chung kết với Hungary được định đoạt bởi bàn thắng muộn của Helmut Rahn. 20 năm sau là chiến thắng của đội bóng vĩ đại với những cầu thủ vĩ đại. Gerd Mueller, Paul Breitner và Franz Beckenbauer là những người đầu tiên trong một thế hệ Đức vào chung kết ở 16 năm liên tiếp dự World Cup. Chiến thắng năm 1990 trước Argentina là sự khép lại của một triều đại: 24 năm sau đó, họ chỉ có thêm 1 chức vô địch EURO.
Chiến thắng lần này của Đức không thể xứng đáng hơn, phần thưởng cho những nỗ lực không mệt mỏi của cả một nền bóng đá, từ liên đoàn tới các CLB, cầu thủ tới HLV. Giờ thì họ là kẻ mà cả thế giới sẽ phải thách thức.
Tổng kết World Cup
Vô địch: Đức (vô địch lần thứ 4)
Á quân: Argentina
Hạng Ba: Hà Lan
Số trận đấu: 64
Số bàn thắng: 171 (tỉ lệ 2.67 bàn/ trận)
Khán giả: 3.429.873 người (trung bình 53.592 khán giả/ trận)
Giải phong cách: Colombia
4 - Đây là chức vô địch thế giới thứ tư của Đức, giúp họ san bằng khoảng cách với Italy và chỉ còn kém Brazil 1 danh hiệu.
18 - Đức ghi được 18 bàn ở World Cup, nhiều nhất giải, tức trung bình 2,57 bàn/trận.
4.157 - Đức là đội chuyền bóng nhiều nhất giải, 4.157 đường chuyền, với tỉ lệ thành công 82%.
Các danh hiệu cá nhân
Quả bóng Vàng: Lionel Messi (Argentina)
Vua phá lưới: James Rodriguez (Colombia, 6 bàn thắng)
Cầu thủ trẻ xuất sắc nhất: Paul Pogba (Pháp)
Thủ môn xuất sắc nhất: Manuel Neuer (Đức)