Hàn Quốc/Nhật Bản 2002, từ vị thế ngạo nghễ của nhà ĐKVĐ, đội bóng có biệt danh “Gà trống” đã tự biến mình thành những con gà rù với 0 bàn thắng, 0 trận thắng và bị “cắt tiết” ngay tại vòng bảng.
Đức 2006, khi mà gần như không ai còn muốn đặt niềm tin vào ĐT Pháp nữa, Zidane và các đồng đội bỗng dưng cất tiếng gáy vang lừng. Họ tiến thẳng tới trận chung kết với phong thái oai hùng của bầy gà chọi, dù đã để lại chút nuối tiếc thông qua cú “chọi” đầu khó tả của thủ lĩnh Zidane đối với Materazzi của ĐT Italia.
Nam Phi 2010, Pháp xứng đáng bị xem là lũ trống choai điên rồ với màn nổi loạn đáng hổ thẹn do Ribery cầm đầu.
Brazil 2014, Ribery vắng mặt vì chấn thương, liệu điều gì sẽ xảy ra cho đoàn quân dưới quyền HLV Deschamps? Họ sẽ tỏa sáng theo quy luật “cắc bụp” hay lại một lần nữa cho thấy mình thực sự là... gà?
Như đã nói ở trên, rất khó để đưa ra câu trả lời khi cuộc chơi chưa kết thúc. Tuy nhiên, bắt chước mấy anh chị thời tiết ngày nào cũng lên TV hô phong hoán vũ bất luận sai nhiều đúng chẳng bao nhiêu, xin mạo muội khẳng định luôn là “Gà trống” sẽ chẳng làm được trò trống gì tại World Cup kỳ này.
Kinh nghiệm ít ỏi là lý do đầu tiên để nghi ngờ triển vọng của Pháp. Sau khi Ribery rút lui, đội áo lam chỉ còn trong danh sách 5 cầu thủ từng dự một kỳ World Cup. Liệu các “đại ca” thiếu máu mặt như Lloris, Sagna, Evra, Valbuena và thủ môn dự bị Mandanda có thể bảo ban, dìu dắt phần còn lại?
Tương tự những phi công có số giờ bay hạn hẹp, Pháp chắc chắn sẽ cảm thấy căng thẳng khi lâm trận. Họ đã cố gắng bồi đắp sự kém tự tin của mình bằng cách cố nhét tới 8 bàn thắng vào lưới Jamaica ở màn cọ xát cuối cùng trước ngày lên đường tới Brazil.
Chỉ có điều, giao hữu khác với đá giải. Và đây là Nam Mỹ chứ không phải Paris.
Thật khó tin, chiến thắng cuối cùng Pháp tại World Cup xảy ra cách đây đã 8 năm. Đó là trận thắng 2-0 trước Togo vào mùa hè 2006, với các pha lập công của Vieira và Henry. Gây thất vọng quá lâu, nghĩa là sức ép phải làm hài lòng khán giả nhà đang rất lớn với Pháp. Và sức ép càng lớn, khả năng thành công càng nhỏ.
Thêm một lời mách bảo từ lịch sử có thể khiến chút mơ mộng cuối cùng của những người Pháp lãng mạn bị thổi bay tung tóe như vụn bánh mỳ gặp gió. Ngoại trừ World Cup 1986 tại Mexico, nơi thế hệ chói sáng của Platini đã đoạt giải ba, ĐT Pháp luôn gặp ác mộng khủng khiếp mỗi lần lễ hội bóng đá linh đình của thế giới được tổ chức bên ngoài biên giới châu Âu.
Ribery - được xem là nửa sức mạnh của ĐT Pháp - tái phát chấn thương vắng mặt ở World Cup 2014
Thành tích cụ thể như sau: Uruguay 1930 – vòng bảng. Chile 1962 – không qua nổi vòng loại. Mexico 1970 – không qua nổi vòng loại. Argentina 1978 – vòng bảng. Hàn Quốc/Nhật Bản 2002 – vòng bảng. Nam Phi 2010 – vòng bảng.
Với bản lý lịch kinh khủng như thế, nên chờ đợi điều gì ở Pháp - có hai cầu thủ hiếm hoi đủ khả năng tạo đột biến là Ribery và Nasri thì lại ngồi nhà cả hai - tại Brazil hè này?
Chắc chắn những CĐV yêu màu áo lam không thích nghe điều này, nhưng ĐT Pháp, với chức VĐTG duy nhất từng giành được là ở giải đấu ra ngay dưới chân ngọn tháp Eiffel, có lẽ đã sai lầm khi thắng Ukraine ở loạt play-off như nhân xét của cựu HLV Domenech.