World Bank: Doanh nghiệp Việt Nam đang đầu tư vào R&D thấp nhất 'Đông Dương', công bố sản phẩm mới thua cả Campuchia

Đinh Lễ |

Minh chứng rõ nhất cho việc doanh nghiệp Việt thua doanh nghiệp láng giếng trong đầu tư cho R&D, công bố sản phẩm mới có thể thấy ở công nghiệp ô tô: khi ô tô Việt sau 20 năm vẫn chưa có gì thì Campuchia đã làm được xe điện nội đia từ năm 2014.

‘Không chịu chi tiền cho khâu nghiên cứu và phát triển (R&D), sức sản xuất để tạo ra những sản phẩm mới của doanh nghiệp Việt giờ đây còn thua cả các doanh nghiệp đến từ nước láng giềng Campuchia’, Đây là những gì đã được để cập đến trong nghiên cứu “Tăng cường sức cạnh tranh và liên kết doanh nghiệp vừa và nhỏ” mà Ngân hàng thế giới (WB) vừa công bố mới đây.

Cụ thể, theo báo cáo của WB thì mức chi trả cho hoạt động R&D của doanh nghiệp Việt Nam đang kém hơn so với Campuchia và thuộc top dưới trong khối các nước Đông Nam Á.

World Bank: Doanh nghiệp Việt Nam đang đầu tư vào R&D thấp nhất Đông Dương, công bố sản phẩm mới thua cả Campuchia - Ảnh 1.

Theo đó, các doanh nghiệp Việt chỉ chi 1,6% doanh thu hàng năm cho R&D, trong khi tỷ lệ này ở Campuchia là 1,9%. Đáng chú ý, doanh nghiệp ở nước bạn Lào rất quan tâm đến R&D và đã chi đến 14,5% doanh thu hàng năm cho hoạt động này.

Như vậy, tại khu vực 'Đông Dương' với chỉ Việt Nam với Lào, Campuchia, doanh nghiệp của chúng ta lại là những người ‘lười’ quan tâm đến hoạt động đầu tư phát triển nhất. So với Philippines và Malaysia, Việt Nam cũng thua kém khi mà tỷ lệ dành tiền cho R&D của các doanh nghiệp ở hai nước này lần lượt là 3,6% và 2,6%.

WB cũng chỉ ra rằng với các doanh nghiệp Việt, có khoảng 20% tuyên bố có đào tạo cho các nhân viên của họ về phát triển sản phẩm hay quy trình mới. Tỷ lệ này cao hơn Lào, Malaysia, Thái Lan, tuy nhiên lại vẫn thấp hơn Campuchia và Philippines.

“Tỷ trọng số tiền trung bình thực chi trên tổng doanh thu dành cho R&D của các doanh nghiệp Việt Nam vẫn thấp hơn hầu hết các nước Đông Nam Á” – Báo cáo viết. Đáng chú ý hơn, WB chỉ ra rằng dù đã có kiến thức, có bằng sáng chế, nhưng các doanh nghiệp Việt vẫn rất ít khi áp dụng những thứ mới mẻ đó vào quá trình hoạt động của mình. Từ đó, sự đổi mới không thực sự được tạo ra.

World Bank: Doanh nghiệp Việt Nam đang đầu tư vào R&D thấp nhất Đông Dương, công bố sản phẩm mới thua cả Campuchia - Ảnh 2.

Bphone hay các sản phẩm nội địa khác đều bị 'chỉm nghỉm' ngay tại thị trường Việt Nam

Với việc không coi trọng R&D như vậy, báo cáo chỉ ra rằng chỉ có khoảng 23% các doanh nghiệp Việt Nam đã tuyên bố đã giới thiệu một sản phẩm, dịch vụ mới hoặc được cải thiện sản phẩm trong vòng 3 năm gần đây.

Tỷ lệ này tuy cao hơn doanh nghiệp ở một số nước Đông Nam Á như Lào, Malaysia, Thái Lan nhưng lại thấp hơn doanh nghiệp ở Campuchia và Philippines (30%).

“Các doanh nghiệp Việt Nam đang cố gắng cải tiến sản phẩm và quy trình sản xuất của mình không kém gì các doanh nghiệp cùng ngành ở các nước khác trong khu vực, nhưng lại hiếm khi giới thiệu những sản phẩm mới và có chức năng hoàn toàn mới so với các sản phẩm hiện có ra thị trường” – Báo cáo viết rõ ràng về trường hợp của Việt Nam.

Xét về tổng quan, khi so sánh với các doanh nghiệp trong cùng khu vực, WB tổng kết rằng các mức độ về đổi mới sản phẩm, đổi mới quy trình, tỷ lệ chi cho R&D của doanh nghiệp Việt Nam đều ở vào mức trung bình tại Đông Nam Á.

Cùng với đó, các doanh nghiệp Campuchia đang năng động hơn doanh nghiệp Việt trong các hoạt động nói trên. Doanh nghiệp Lào dù chưa có tỷ lệ ra sản phẩm mới cao bằng doanh nghiệp Việt nhưng triển vọng tương lai là rất ‘đáng gờm’ khi mà tỷ lệ chi tiêu cho R&D là rất cao và vượt xa Việt Nam.

Ví dụ rõ ràng của việc doanh nghiệp Việt thua doanh nghiệp láng giếng trong đầu tư cho R&D, công bố sản phẩm mới có thể thấy ở ngành công nghiệp ô tô: khi ô tô Việt sau 20 năm vẫn chưa có gì thì Campuchia đã làm được xe điện nội địa từ 2003.

Ngay từ năm 2003, Campuchia đã sản xuất thành công một chiếc ô tô địa mang tên Angkor 333. Theo tài liệu còn lưu trên Wikipedia thì mẫu xe hơi chạy động cơ Model 2000 này được gọi đàng hoàng với cái tên ‘made in Cambodia’.

World Bank: Doanh nghiệp Việt Nam đang đầu tư vào R&D thấp nhất Đông Dương, công bố sản phẩm mới thua cả Campuchia - Ảnh 3.

Mẫu xe điện Angkor EV 2014 của Campuchia

Thậm chí, đến năm 2014, mẫu ô tô điện mới với thiết kế hoàn chỉnh hơn, sử dụng cảm biến vân tay để mở cửa và khởi động xe, điều khiển xe bằng smartphone qua Wifi và SMS của Campuchia mang tên Angkor EV 2014 ra đời. Đến lúc này giới truyền thông Việt Nam mới bắt đầu giật mình về những gì đang xảy ra tại đất nước láng giềng.

Trong khi đó, ngành công nghiệp ô tô ở Việt Nam đã được bắt đầu từ năm 1995.

Trong suốt nhiều năm, Chính phủ đã rất quyết tâm phải phát triển cho được ngành công nghiệp ô tô nội địa của riêng Việt Nam. Những hàng rào thuế quan ngặt nghèo được đặt ra khiến người dân phải mua ô tô ngoại nhập với giá có khi gấp đôi giá xuất xưởng chính là minh chứng cho những quyết tâm ấy.

Thế nhưng, với nhiều thiếu sót trong chiến lược phát triển, sau 10 năm, 15 năm rồi 20 năm người ta không những không được chứng kiến những chiếc ô tô thuần Việt mà còn thấy nhiều thất bại. Ví dụ, năm 2010, Bộ Công thương đã giương cờ trắng với mục tiêu nâng tỷ lệ nội địa hóa ô tô lắp ráp tại Việt Nam. Tương tự, người ta cũng thấy thất bại ê chề của 'ông già gân' Bùi Ngọc Huyên - ông chủ của Vinaxuki - với giấc mơ ô tô Việt Nam.

Đường dây nóng: 0943 113 999

Soha
Báo lỗi cho Soha

*Vui lòng nhập đủ thông tin email hoặc số điện thoại