Tuyên bố "nóng" của WHO
Hãng thông tấn Reuters (Anh) đưa tin, Tổng giám đốc Tổ chức Y tế Thế giới (WHO) Tedros Adhanom Ghebreyesus hôm 23/7 vừa tuyên bố đợt bùng phát đậu mùa khỉ với tốc độ nhanh chóng hiện nay là tình trạng khẩn cấp y tế toàn cầu. Đây là mức báo động cao nhất mà tổ chức này có thể phát đi.
Theo Điều lệ Y tế quốc tế (2005): "Tình trạng y tế công cộng khẩn cấp gây quan ngại quốc tế" (PHEIC) là sự việc bất thường (i) gây ra nguy cơ về y tế công cộng cho quốc gia khác thông qua sự lây lan của dịch bệnh trên phạm vi quốc tế; và (ii) đòi hỏi có sự phối hợp ứng phó trên phạm vi quốc tế.
Sau COVID-19, đây là lần thứ 2 chỉ trong vòng 2 năm (lần thứ 7 trong lịch sử), WHO tuyên bố tình trạng khẩn cấp toàn cầu.
Được biết, tuyên bố của ông Tedros được đưa ra sau khi hội đồng cố vấn của WHO không thể nhất trí về việc tuyên bố "tình trạng y tế công cộng khẩn cấp gây quan ngại quốc tế", hiện đang được tổ chức này sử dụng cho bệnh COVID-19 và bại liệt.
Bệnh đậu mùa khỉ đã lây lan chỉ trong vài tuần tới hàng chục quốc gia và khiến hàng chục ngàn người nhiễm bệnh.
Trả lời báo giới, ông Tedros cho hay: "Chúng ta hiện đang có một đợt bùng phát dịch bệnh đã lan nhanh khắp thế giới thông qua các phương thức lây truyền mới mà chúng ta có quá ít hiểu biết, do đó nó đáp ứng các tiêu chí" về tình trạng khẩn cấp toàn cầu.
"Tôi quyết định tuyên bố đợt bùng phát bệnh đậu mùa khỉ trên toàn cầu hiện nay là tình trạng y tế công cộng khẩn cấp gây quan ngại quốc tế", ông Tedros nói. "WHO đánh giá nguy cơ về đậu mùa khỉ trên toàn cầu ở mức trung bình, ngoại trừ khu vực châu Âu được chúng tôi đánh giá là có nguy cơ rất cao".
Tổng giám đốc Tổ chức Y tế Thế giới (WHO) Tedros Adhanom Ghebreyesus
Phản ứng của giới khoa học
Reuters cho biết, các chuyên gia y tế đã hoan nghênh động thái của WHO. Ông Lawrence Gostin, giáo sư tại trường Đại học Luật Georgetown ở thủ đô Washington, D.C. (Mỹ) nói rằng quyết định này là "sự dũng cảm".
Trong khi đó, bà Josie Golding, trưởng bộ phận dịch tễ học tại Wellcome Trust, tin tưởng rằng quyết định này sẽ giúp ngăn chặn sự lây lan của dịch bệnh.
Bà nói: "Chúng ta không thể tiếp tục đợi dịch bệnh leo thang rồi mới can thiệp."
Bà Boghuma Titanji, bác sĩ bệnh truyền nhiễm tại Đại học Emory ở Atlanta, bình luận rằng tuyên bố của WHO được đưa ra "muộn còn hơn không".
Trong khi đó, Tiến sĩ James Lawler, đồng giám đốc Trung tâm An ninh Y tế Toàn cầu của Đại học Nebraska (Mỹ), ước tính rằng có thể mất một năm hoặc hơn thế để kiểm soát sự bùng phát. Khi đó, virus đậu mùa khỉ có khả năng đã lây nhiễm cho hàng trăm nghìn người và có thể tồn tại vĩnh viễn ở một số quốc gia.
Thời gian dịch bùng phát càng kéo dài, thì khả năng lây truyền virus từ người bị nhiễm sang người bình thường - đây cũng chính là cách mà một căn bệnh có thể trở thành dịch bệnh lưu hành trong một khu vực.
Tính đến ngày 23/7, Mỹ đã ghi nhận gần 3.000 ca mắc đậu mùa khỉ=. Anh và Tây Ban Nha cũng ghi nhận con số tương tự.
Đáng chú ý, đài CNN (Mỹ) hôm 22/7 cho biết nước này lần đầu tiên phát hiện 2 ca nhiễm đậu mùa khỉ là trẻ em. Hai ca bệnh trẻ em ở Mỹ không liên quan đến nhau và nguồn lây được cho là từ người thân của các bé.
Ống đựng mẫu xét nghiệm đậu mùa khỉ. Ảnh: Reuters
Những điều cần biết về bệnh đậu mùa khỉ
Theo Livemint, bệnh đậu mùa khỉ có thể lây truyền từ động vật sang người khi có sự tiếp xúc trực tiếp với máu, dịch cơ thể hoặc tổn thương da hoặc niêm mạc của động vật mắc bệnh.
Đậu mùa khỉ cũng có thể lây truyền từ người sang người, bao gồm trường hợp của các mẹ bầu, do tiếp xúc gần với dịch tiết đường hô hấp, tổn thương da của người bị bệnh hoặc các đồ vật nhiễm bẩn, có chứa virus.
Thông thường, thời gian ủ bệnh của bệnh đậu mùa khỉ là từ 6-13 ngày, nhưng cũng có thể kéo dài từ 5-21 ngày, chia thành 2 giai đoạn gồm thời kỳ virus xâm lấn và nổi phát ban trên da.
Các triệu chứng của bệnh đậu mùa khỉ (Theo Bệnh viện Tâm Anh):
Các triệu chứng ban đầu bao gồm: Sốt, đau đầu dữ dội, đau mỏi lưng và các cơ, ớn lạnh, mệt mỏi. Uể oải và "Nổi hạch".
Sau giai đoạn đầu tiên, người bị bệnh bệnh đậu mùa khỉ có thể bị phát ban sau đó từ 1-3 ngày ở trên mặt (95% bệnh nhân), lòng bàn tay, bàn chân (cũng tương đối cao, khoảng 75%), mắt, miệng, và cơ quan sinh dục.
Nếu nghi ngờ bản thân có triệu chứng hoặc tiếp xúc gần với nguồn lây nhiễm, bạn cần liên hệ với các bác sĩ để được xin tư vấn, xét nghiệm và chăm sóc y tế phù hợp./.
Nguồn tổng hợp: Reuters, NYT, PBS News, CNN, Livemint, Bệnh viện Tâm Anh