WHO theo dõi biến thể Covid-19 mới có tên 'MU' với khả năng lẩn tránh kháng thể: Người đã tiêm vắc xin hay từng mắc bệnh đều có nguy cơ nhiễm

Linh Anh |

Điều đó đồng nghĩa những người đã tiêm chủng hoặc từng mắc Covid-19 sẽ không còn được bảo vệ.

Tổ chức Y tế Thế giới (WHO) thông báo họ đang theo dõi một biến thể Covid-19 mới được gọi là "MU". Biến thể này có khả năng lẩn trách kháng thể, được tạo ra sau khi tiêm chủng hoặc từng mắc Covid-19.

MU còn được các nhà khoa học gọi là B.1.621, chính thức được đưa vào danh sách theo dõi của WHO từ 30/8.

Biến thể này chứa các đột biến di truyền, cho phép chúng lẩn tránh miễn dịch tự nhiên, từ vắc xin hoặc các biện pháp điều trị kháng thể đơn dòng hiện hữu. Điều đó có nghĩa là chủng virus này có thể lây nhiễm theo cách mà chúng ta hoàn toàn chưa thể ngăn chặn, ngay cả với những người từng tiêm vắc xin hoặc điều trị khỏi Covid-19.

Hiện tại, các nhà khoa học đang nghiên cứu xem chủng MU này có dễ lây lan, nguy hiểm tới tính mạng người mắc hoặc kháng thuốc mạnh hơn đối với vắc xin và các phương pháp điều trị hiện tại hay không.

Trong báo cáo ngày 31/8, WHO cho biết họ đã phát hiện "một loạt các đột biến cho thấy đặc tính tiềm ẩn lẩn tránh hệ thống miễn dịch" của biến thể này.

"Dữ liệu sơ bộ từ nhóm chuyên nghiên cứu đột biến của virus cho thấy MU có khả năng kháng kháng thể như ở biến chủng Beta. Tuy nhiên, điều này cần được xác nhận bởi các nghiên cứu chuyên sâu hơn", WHO cho biết.

Hiện tại, WHO đang theo dõi 4 biến thể trong diện "đáng quan ngại", bao gồm cả Delta, vốn được phát hiện lần đầu tại Ấn Độ và đang lây lan khắp thế giới. Ngoài ra, còn có Alpha, lần đầu được tìm thấy ở Anh, Beta, lần đầu được phát hiện ở châu Phi và Gamma, lần đầu được tìm thấy ở Brazil.

Một biến thể đáng lo ngại được định nghĩa là một chủng đột biến dễ lây lan hơn, gây chết người cao hơn hoặc có khả năng kháng các loại vắc xin hoặc những phương pháp điều trị hiện hữu.

Ngoài ra, WHO cũng đang theo dõi chặt chẽ 4 biến thể khác bao gồm Lambda, lần đầu được phát hiện ở Peru và gây dịch bệnh ở quốc gia này và nhiều nước khác. Biến thể Lambda có những đột biến khiến chúng rất nguy hiểm.

Trước đây, biến thể Delta cũng từng nằm trong diện theo dõi trước khi được nâng cấp lên quan ngại vào tháng 5/2021. Delta đã chứng minh khả năng lây lan mạnh, nồng độ virus cao cùng với việc gây ra tình trạng nặng hơn cho người nhiễm. Ngay cả những người đã tiêm vắc xin vẫn có thể mắc biến thể Delta nhưng thường không nguy hiểm tới tính mạng.

Trở lại với biến thể MU, theo WHO, nó được phát hiện lần đầu tiên ở Colombia nhưng sau đó đã xuất hiện ở ít nhất 39 quốc gia. Mặc dù tỷ lệ phổ biến trên toàn cầu của biến thể này còn rất thấp, chỉ chiếm 0,1% số ca nhiễm, nhưng tỷ lệ mắc biến thể MU ở Colombia và Ecuador vẫn liên tục tăng lên, cảnh báo rủi ro lớn hơn.

WHO cho biết cần có thêm thời gian để nghiên cứu và hiểu các đặc tính lâm sàng của biến thể mới. Các đặc tính dịch tễ học của MU sẽ được theo dõi chặt chẽ tại Nam Mỹ và so sánh chúng với sự lây lan mạnh của biến thể Delta nhằm sớm xác định những biến đổi nổi trội.

Ở thời điểm hiện tại, Delta vẫn là biến thể nguy hiểm nhất của đại dịch Covid-19. Nước Mỹ, quốc gia từng giảm đáng kể số ca mắc sau khi tiêm phòng trên diện rộng, tiếp tục đối mặt với đợt bùng phát mới khi chủng Delta lộng hành. Số ca nhập viện ở Mỹ đã lên tới hơn 100.000 ca/ngày, phá đỉnh tồn tại suốt 8 tháng qua.

Tuy nhiên, Mỹ vẫn đang tiếp tục kêu gọi người dân tiêm chủng bởi các nghiên cứu cho thấy phần lớn số ca mắc phải nhập viện và tử vong là những người chưa tiêm phòng.

Đường dây nóng: 0943 113 999

Soha
Báo lỗi cho Soha

*Vui lòng nhập đủ thông tin email hoặc số điện thoại